Nga rút quân khỏi Kherson là bước ngoặt 'kiến tạo' trong xung đột Ukraine

Các nhà phân tích nói rằng việc Nga rút quân khỏi thủ phủ của Vùng Kherson có thể làm suy yếu thêm uy tín địa chính trị của Moskva và thúc đẩy nền kinh tế Ukraine.

Chú thích ảnh
Quân nhân Ukraine đứng cạnh kho đạn dược Nga bỏ lại ở làng Blahodatne, vung Kherson. Ảnh: Reuters

Từ các tấm áp phích tuyên truyền dán khắp thành phố Kherson đến những bài phát biểu của quan chức Nga và giới chức vùng do Moskva bổ nhiệm, có một câu khẩu hiệu được lặp đi lặp lại trong hơn 8 tháng qua: “Nước Nga ở đây mãi mãi”.

Nhưng những tuyên bố như vậy đang đối lập với cảnh tượng diễn ra, khi hàng chục nghìn binh sĩ Nga vội vã rút khỏi thủ phủ của khu vực chiến lược miền nam Ukraine vào ngày 10/11 và quân đội Ukraine đã tiến vào một ngày sau đó.

Các nhà phân tích nhận định, việc Nga rút lui khỏi trung tâm đô thị lớn nhất mà nước này chiếm được kể từ khi bắt đầu chiến dịch ở Ukraine đã đánh dấu một sự thay đổi kiến tạo trong cuộc xung đột, tạo động lực cho nền kinh tế đang sa sút của Ukraine và làm suy yếu thêm uy tín địa chính trị của Moskva ở các nước thuộc Liên Xô cũ và hơn thế nữa.

Tỉnh Kherson có quy mô tương đương nước Bỉ đã bị Nga chiếm giữ trong vài ngày sau khi khi xung đột bùng phát ngày 24/2, khi đó trở thành lợi ích chiến lược và lớn nhất của Nga.

Vào cuối tháng 9, Nga tuyên bố sáp nhập khu vực Kherson và ba tỉnh khác của Ukraine, một động thái bị Ukraine và các đồng minh cáo buộc là bất hợp pháp.

Nhưng vào tối 10/11, khi cuộc phản công kéo dài một tuần của Ukraine tiếp tục diễn ra với tốc độ nhanh, các quan chức Nga tuyên bố rút quân khỏi thủ phủ Kherson để đảm bảo an toàn sinh mạng của các binh sĩ trong bối cảnh họ gặp khó khăn trong việc duy trì các đường tiếp tế.

Chú thích ảnh
Bản đồ khu vực miền đông nam Ukraine. Màu đỏ, hồng là do Nga kiểm soát; màu xanh là vùng Ukraine giành lại. Nguồn: Al Jazeera

Ngay sau thông báo rút lui, các nhân vật ủng hộ Điện Kremlin đã lên tiếng phàn nàn về việc Nga mất hàng chục xe tăng và xe thiết giáp chở quân vào tay Ukraine. "Tại sao tất cả không bị nổ tung hay bị thiêu rụi?", Yuri Kotyonok, một phóng viên quân sự Nga, đã nêu vấn đề trong một bài đăng trên Telegram ngày 10/11.

Vào sáng 11/11, ngay từ trước khi lực lượng Ukraine tiến vào thành phố Kherson, những người dân ủng hộ Kiev đã treo quốc kỳ Ukraine trên nóc tòa thị chính thành phố. Tuy nhiên, Điện Kremlin tuyên bố khu vực này vẫn là "một phần của Nga". Phát ngôn viên Dmitry Peskov nói "không thể có bất kỳ thay đổi nào".

Nga mất cơ hội

Nhận định về diễn biến mới ở Kherson, Nikolay Mitrokhin, một chuyên gia về Nga tại Đại học Bremen của Đức, nói với tờ Al Jazeera: “Các lực lượng Ukraine sẽ không để người Nga vượt qua sông Dnieper (Dnipro) một lần nữa”.

Chú thích ảnh
Người dân đổ xô ra quảng trường trung tâm Kherson sau khi lực lượng Nga rút đi. Ảnh: Reuters

Theo ông Mitrokhin, động thái rút quân cũng đồng nghĩa với việc các lực lượng Nga "mất cơ hội chia đôi Ukraine" bằng cách tiến về các khu vực trung tâm.

Thay vào đó, thứ có thể bị chia đôi là phần lãnh thổ hình lưỡi liềm ở miền đông và miền nam Ukraine do Nga đang nắm giữ. Các lực lượng Ukraine được yểm trợ có thể hành quân qua các khu vực thảo nguyên thưa thớt dân cư hướng tới các cảng vùng đông nam đất nước như Berdyansk, Melitopol và Mariupol ven Biển Azov – chuyên gia Mitrokhin nói.

Khi điều đó xảy ra, các lực lượng Nga còn lại ở khu vực Kherson có thể bị buộc phải quay trở lại Bán đảo Crimea, trong khi ở phía đông, họ sẽ cần phải rút về các phần do lực lượng đòi độc lập thân Nga kiểm soát ở Donbas.

Sau khi Nga rút quân khỏi gần Kiev và miền bắc Ukraine hồi tháng 4, nước này đã lên kế hoạch tập trung đánh chiếm toàn bộ miền nam Ukraine, bao gồm cảng Odesa bên Biển Đen và các khu vực giáp biên giới với Transdnistria, một khu vực ly khai thân Nga ở nước láng giềng Moldova.

Chuyên gia Mitrokhin nói rằng những kế hoạch này giờ đây dường như đã thất bại.

Tuy nhiên điều quan trọng nhất, theo ông, là thất bại cuối cùng trong các thiết kế của Nga nhằm "phi phát xít hóa" và “phi quân sự hóa” quốc gia láng giềng, ngăn chặn kế hoạch gia nhập NATO - như lời Tổng thống Putin từng tuyên bố.

Ông Mitrokhin nói: “Bây giờ, không để nói về bất kỳ chiến thắng quan trọng nào nữa, chứ đừng nói đến việc’phi phát xít hóa’ và 'phi quân sự hóa’ Ukraine”.

Mùa đông sẽ không làm khó Ukraine

Trong khi đó, một số nhà phân tích phương Tây cho rằng cuộc tiến công chiến thắng của các lực lượng Ukraine được tăng cường bởi vũ khí phương Tây thậm chí có thể không bị cản trở bởi điều kiện đóng băng trong những tháng mùa đông sắp tới.

“Thời tiết mùa đông có thể gây hại cho các lực lượng Nga được trang bị kém ở Ukraine, trong khi các lực lượng Ukraine được cung cấp đầy đủ sẽ ít có khả năng phải dừng phản công do thời tiết mùa đông; ngược lại họ có thể lợi dụng địa hình băng giá để di chuyển dễ dàng hơn vào những tháng mùa thu lầy lội”, báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết ngày 10/11.

Triển vọng cho nền kinh tế Ukraine

Vùng Kherson là nguồn cung cấp ngũ cốc, rau và trái cây chính cho Ukraine, bao gồm cả giống dưa hấu nổi tiếng ngọt đậm. Những khu vực bị người Nga bỏ lại bao gồm các cánh đồng được tưới tiêu thuận lợi gần đập thủy điện Nova Kakhovka khổng lồ.

Nhà phân tích Aleksey Kushch có trụ sở tại Kiev nói với Al Jazeera rằng Ukraine đang “lấy lại tiềm năng nông nghiệp của mình”, và rằng diễn biến trên có thể tạo ra động lực cho nền kinh tế đang suy yếu của Ukraine.

Trong khi đó, đập Nova Kakhovka cũng đóng vai trò là nguồn cung cấp nước cho Bán đảo Crimean khô cằn. Một trong những bước đầu tiên Nga thực hiện sau khi chiếm Kherson vào tháng 3 là nối lại nguồn cung cấp nước qua Kênh Crimea mà Ukraine đã xây dựng đập chắn vào năm 2014.

Ngay sau khi các lực lượng Ukraine kiểm soát con đập, người ta cho rằng Crimea sẽ lại mất đi nguồn nước lớn nhất.

Kherson cũng là nơi có các nhà máy chế biến thực phẩm và nhà máy đóng tàu dùng để vận chuyển ngũ cốc và thép, các mặt hàng xuất khẩu chính của Ukraine.

Tuy nhiên, chuyên gia Kushch nói rằng, cho đến nay việc điều hướng hoạt động tàu biển là không thể do Nga vẫn kiểm soát Kinburn Spit, thành trì cuối cùng của họ ở khu vực phía nam Mykolaiv, chặn đường từ sông Dnipro đến Biển Đen và xa hơn vào Địa Trung Hải.

Ảnh hưởng với uy tín của Nga

Ở quy mô lớn hơn, việc mất Kherson càng khiến các “đinh vít” chính trị ở Nga siết chặt hơn từ những người chỉ trích chiến tranh.

Các nhà phân tích cũng cho biết cuộc rút lui ở Kherson đánh dấu đỉnh điểm của những tổn thất địa chính trị với Điện Kremlin ở Liên Xô cũ, đặc biệt là ở Trung Á, nơi tình cảm thân Moskva đã bền chặt trong nhiều thập kỷ.

“Đương nhiên, quyền lực của Nga với tư cách là một cường quốc khu vực bị suy giảm trong mắt các quốc gia Trung Á”, ông Alisher Ilkhammov, người đứng đầu Central Asia Due Diligence, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh, nói với Al Jazeera. “Nó tạo ra một khoảng trống nhất định về lãnh đạo địa chiến lược và sự bảo trợ tương ứng trong khu vực, điều mà Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đang gấp rút lấp đầy”.

Hơn nữa, những tổn thất của Nga ở Ukraine, cũng như lập trường của phương Tây đối với Ukraine, đang được Trung Quốc giám sát chặt chẽ.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Al Jazeera)
EU tức giận vì Hungary chặn khoản viện trợ 18 tỷ euro cho Ukraine
EU tức giận vì Hungary chặn khoản viện trợ 18 tỷ euro cho Ukraine

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock cảnh báo Hungary không nên "mạo hiểm” với các quỹ quan trọng nhằm gây áp lực lên EU.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN