NATO tiến gần hơn tới cuộc nội chiến ở Xyri

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 4/12 đã nhất trí triển khai tên lửa tiên tiến Patriot tới biên giới phía Nam của quốc gia thành viên Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đối phó với mối đe dọa từ nước láng giềng Xyri.

 

Tên lửa Patriot mà NATO đã nhất trí triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ để đối phó với mối đe dọa từ Xyri.

 

Mặc dù liên minh quân sự này chỉ hạn chế việc sử dụng tên lửa Patriot vào các mục đích phòng thủ, song các nhà phân tích cho rằng, động thái được mong đợi từ lâu này sẽ đẩy NATO tiến gần hơn tới cuộc xung đột đang diễn ra tại Xyri và NATO có thể sẽ có những chiến dịch lớn hơn nếu tình hình tại khu vực trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt trong trường hợp vũ khí hóa học được đưa vào sử dụng.


Tổng Thư ký NATO, tướng Anders Fogh Rasmussen nhắc lại rằng việc triển khai tên lửa Patriot chỉ nhằm mục đích phòng thủ và sẽ không bao giờ được sử dụng để hỗ trợ việc thiết lập vùng cấm bay hoặc bất kỳ chiến dịch tấn công nào. Tướng Rasmussen nói: "Chúng tôi không có ý định can thiệp quân sự. Chúng tôi không thay đổi quan điểm, song tất nhiên, chúng tôi sẽ phải làm những gì cần thiết để bảo vệ đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ".


Ông cho biết Đức, Hà Lan và Mỹ đã đồng ý cung cấp các khẩu đội tên lửa mà Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tháng trước để nước này tăng cường khả năng tự vệ trước các cuộc tấn công có thể xảy ra bằng tên lửa từ phía Xyri, đặc biệt là các vũ khí mang đầu đạn hóa học.


Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu hôm 5/12 rằng việc triển khai tên lửa Patriot tới Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể gây ảnh hưởng tới cuộc xung đột tại Xyri, tuy nhiên "động thái này phát đi một thông điệp rõ ràng tới Xyri rằng Thổ Nhĩ Kỳ nhận được sự ủng hộ đầy đủ của các đồng minh trong NATO".


Mặc dù vậy, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, cả ông Rasmussen và bà Clinton dường như đều không thể làm giảm bớt những lo ngại của Nga về việc triển khai tên lửa này. Ông Lavrov nói: "Động thái tăng cường vũ trang này tạo ra nguy cơ những vũ khí này sẽ được sử dụng... Về mặt chính trị, chúng tôi lo ngại rằng cuộc xung đột này ngày càng bị quân sự hóa". Ngoại trưởng Lavrov khẳng định, những mối đe dọa chống lại Thổ Nhĩ Kỳ không nên bị thổi phồng và kêu gọi tìm kiếm các giải pháp chính trị và ngoại giao hơn là can thiệp quân sự nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu tại Xyri.


Marc Pierini, học giả đang cộng tác với Trung tâm Carnegie châu Âu, cho rằng quyết định của NATO đã "vạch ra ranh giới đỏ rõ ràng cho Đamát, đó là: lực lượng lục quân và không quân của Xyri không được xâm phạm lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ". Ông nói: "Mỹ đã vạch ra giới hạn đỏ về vấn đề vũ khí hóa học, Pháp cũng từng làm như vậy để bày tỏ sự ủng hộ đối với Libăng, và hiện nay NATO cũng đang vạch ra một ranh giới đỏ khác liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ".


Một số chuyên gia an ninh cho rằng việc triển khai tên lửa Patriot - loại tên lửa có khả năng bắn hạ máy bay chiến đấu và tên lửa - sẽ tạo ra hiệu quả răn đe, khiến các máy bay chiến đấu của Xyri không dám hoạt động gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này của NATO sẽ có lợi cho phe nổi dậy tại Xyri.


Quyết định của NATO được đưa ra trong bối cảnh Mỹ lặp đi lặp lại cảnh báo rằng chính phủ Xyri không được sử dụng vũ khí hóa học, nếu không họ sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả.


Các nhà phân tích nói rằng sau khi ông Obama đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11 vừa qua, Mỹ và các cường quốc phương Tây đang thay đổi chiến lược của họ tại Xyri bằng cách thúc đẩy các lực lượng đối lập hợp nhất, công nhận tính hợp pháp của lực lượng này và tính tới việc cung cấp vũ khí cho họ.


Theo các nhà phân tích, việc triển khai tên lửa đất đối không của NATO là một phần trong một chiến lược tổng thể nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng quân sự của các nước phương Tây đối với tương lai của cuộc khủng hoảng tại Xyri và đạt được mục đích cuối cùng của họ là lật đổ chế độ của Tổng thống Assad.


TTK (Theo THX)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN