Nam Phi gia nhập CLB các nền kinh tế mới nổi

Nam Phi đã chính thức được mời gia nhập “câu lạc bộ” các nền kinh tế mới nổi (BRIC) gồm 4 nước Braxin, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Với sự tham gia của Nam Phi, khối BRIC tới đây sẽ được đổi thành BRICS.


Tuy nhiên, việc BRIC mời Nam Phi gia nhập khối này đang gây nhiều tranh cãi vì Nam Phi còn thua xa nhiều nước khác và cũng còn lâu mới đạt tiêu chuẩn do BRIC đề ra ban đầu.

Mạng “Bình luận Trung Quốc” ngày 2/1 dẫn lời Jim O’Neill - Giám đốc Quản lý tài sản của hãng Goldman Sachs - cho biết, xét về độ trưởng thành của nền kinh tế, Hàn Quốc hội đủ tư cách hơn Nam Phi để trở thành thành viên chính thức của BRIC.


Theo ông O’Neill, Hàn Quốc, Inđônêxia, Mêhicô và Thổ Nhĩ Kỳ đều là các “nền kinh tế trưởng thành” vì các nước này đều có mức đóng góp trên 1% đối với GDP toàn thế giới. Số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, quy mô kinh tế của Nam Phi chỉ đạt 285 tỷ USD, trong khi của Hàn Quốc là 833 tỷ USD, Thổ Nhĩ Kỳ là 615 tỷ USD và Mêhicô là 875 tỷ USD.


Như vậy có thể thấy “Nam Phi không thể so sánh với 4 nước này, đó là chưa nói đến khoảng cách với các nước trong BRIC”. Là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, song quy mô kinh tế của Nam Phi chưa bằng 1/4 của Nga - nước có quy mô kinh tế nhỏ nhất trong khối BRIC; dân số của Nam Phi chỉ có 49 triệu người, thua xa con số 1,36 tỷ của Trung Quốc, 1,2 tỷ của Ấn Độ và 191 triệu của Braxin.

Thành phố Johannesburg, Nam Phi

Theo bảng xếp hạng của GrowthEnvironment Scores (GES), nền kinh tế của Nam Phi đứng thứ 108 trong tổng số 181 nền kinh tế của thế giới, chỉ được 4,88 điểm, trong khi Hàn Quốc được 7,48 điểm, cao tương đương với Mỹ và Đức.

Mặc dù là nền kinh tế lớn nhất châu Phi và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại châu Phi, song quy mô kinh tế Nam Phi vẫn còn tương đối nhỏ, chỉ tương đương mức bình quân của các nước ASEAN, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP không cao (khoảng 3% trong năm 2010).

Có thể thấy, xét về mọi khía cạnh, Nam Phi còn thua xa nhiều nước khác trong cuộc chạy đua để lọt vào khối BRIC. Việc mời Nam Phi gia nhập BRIC cho thấy các nước thành viên BRIC đánh giá cao vị trí địa chính trị của Nam Phi chứ không phải họ có nhu cầu quan hệ kinh tế với quốc gia cực Nam châu Phi này.

Xét từ góc độ địa chính trị, việc mời Nam Phi trở thành thành viên chắc chắn sẽ giúp khối BRIC tăng cường sức ảnh hưởng để trở thành một “tập đoàn quốc tế”. BRIC hiện mới có các thành viên phân bố tại 3 châu lục Á, Âu và Mỹ, chưa có thành viên tại châu Phi, một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng.


Việc mời Nam Phi tham gia khối không chỉ cải thiện việc phân bố địa lý của BRIC, mà còn giúp khối này gia tăng sức ảnh hưởng mang tính quốc tế, mở thêm một cánh cửa hữu hiệu để BRIC thâm nhập thị trường châu Phi.

Sau nhiều năm bị “lãng quên”, châu Phi những năm gần đây mới lại được thế giới coi trọng. Không ít chuyên gia nhận định trong tương lai, đây sẽ là thị trường tranh giành ảnh hưởng gay gắt của các nước lớn. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là dầu lửa, châu Phi đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nước, nhất là các nền kinh tế mới nổi, có tốc độ phát triển nhanh và cần nhiều năng lượng như Trung Quốc và Ấn Độ.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đối mặt với tình trạng căng thẳng về năng lượng. Theo báo cáo của Bộ Năng lượng Mỹ, 75% dầu lửa Ấn Độ sử dụng phải dựa vào nhập khẩu, trong khi lượng nhập khẩu dầu lửa của Trung Quốc cũng nhằm đáp ứng trên 50% nhu cầu trong nước.


Trung Quốc và Ấn Độ đang xúc tiến nhằm đạt được việc ký kết các hiệp định dầu lửa với Irắc, Xuđăng, Nigiêria và Ănggôla... Cho dù hạ tầng cơ sở của chính mình chưa được hoàn thiện, song cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang chạy đua xây dựng đường sá, trường học và các trung tâm xã hội ở Xuđăng hay Nigiêria… với hy vọng thông qua việc hỗ trợ xây dựng để có được sự bảo đảm cho việc cung ứng dầu lửa.

Theo mạng “Bình luận Trung Quốc”, không chỉ là nền kinh tế lớn nhất châu Phi, Nam Phi còn là quốc gia có tiếng nói nhất tại “Lục địa Đen” và có sức ảnh hưởng không thể xem nhẹ đối với các nước khác tại châu lục này.


Ngoại trưởng Nam Phi Maite Nkoana-Mashabane từng tuyên bố Nam Phi sẽ là “cửa ngõ” để khối BRIC tăng cường đầu tư và thương mại với châu Phi. Thông qua “cửa ngõ” này, các nước thuộc BRIC sẽ có nhiều cơ hội và ưu thế hơn để tiếp cận các quốc gia khác ở châu lục Đen, phát huy sức ảnh hưởng của mỗi nước thành viên, từ đó đạt được các mục đích kinh tế và chính trị.

Phan Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN