Myanmar: Từ quốc gia biệt lập tới lãnh đạo ASEAN

Sau một thời gian dài cô lập với thế giới bên ngoài, Myanmar đã có thay đổi mang tính bước ngoặt trong chính sách đối ngoại, mang tính cởi mở và tích cực hơn khi nhà lãnh đạo cao nhất quốc gia Đông Nam Á này liên tục công du tới các nước phương Tây. Không những thế, việc nước này chính thức đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2014 đã đem lại không khí lạc quan cho quá trình chuyển sang nền dân chủ của một trong những quốc gia kém phát triển nhất khu vực.

Xung quanh sự kiện này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có bài “Myanmar: Từ cô lập đến lãnh đạo” của Verdinand Robertua thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh, Đối ngoại và ASEAN, Đại học Kitô giáo Indonesia (UKI).

Theo bài báo, Myanmar đã chính thức đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN 2014 tại phiên bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Brunei hồi tháng 10 năm nay. Qua sự kiện này, lãnh đạo Myanmar đã chứng tỏ với thế giới rằng chính sách đối ngoại của một nước có thể thay đổi từ một quốc gia bị cô lập trở thành một đất nước cởi mở và dân chủ. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ một quốc gia biệt lập sang một nhà lãnh đạo ASEAN đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của Myanmar.

Tổng thống Myanmar Thein Sein nhận chiếc búa chủ tịch ASEAN từ Quốc vương Brunei, Hassanal Bolkiah hôm 10/10/2013. Ảnh: Reuters


Tác giả cho rằng trong một thời gian dài, chính quyền quân sự Myanmar đã phớt lờ quan hệ với các cường quốc dân chủ như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Canada, mà chỉ dựa trên nguồn lực của các đối tác trong khu vực, đặc biệt là Singapore, Thái Lan và quốc gia cùng chí hướng CHDCND Triều Tiên. Myanmar đã đi theo quan điểm phát triển khắc nghiệt, hướng nội sau khi Tướng Ne Win nắm quyền trong cuộc đảo chính quân sự năm 1962. Nước này cũng kiên quyết mục tiêu trung lập để ngăn chặn nguy cơ trở thành một chiến trường cho các cuộc xung đột giữa Trung Quốc, Mỹ và Liên Xô trước đây.

Theo các nước phương Tây, đây là một định hướng trong chính sách đối ngoại biệt lập, dẫn đến sự tham gia ở mức độ thấp trong nhiều vấn đề ngoại giao và thương mại quốc tế. Phần lớn các cuộc thảo luận liên quan đến Myanmar là phản ứng của các cường quốc phương Tây về sự vi phạm nhân quyền của nước này bằng các lệnh trừng phạt khác nhau từ những năm 60 thế kỷ trước. Với những ảnh hưởng không lớn của các biện pháp trừng phạt, các nước phương Tây đã có những điều chỉnh đáng kể trong chính sách đối với quốc gia Đông Nam Á, và quan trọng hơn các nước muốn chứng kiến Myanmar thực thi chính sách đối ngoại như thế nào.

Thực tế cho thấy chính sách cô lập đã mang lại hại nhiều hơn lợi đối với Myanmar. Trong những năm 50 thế kỷ trước, Yangon là trung tâm hàng không của Đông Nam Á nhưng kể từ khi quân đội lên nắm chính quyền năm 1962, ngành hàng không dân sự nước này đã bước vào một giai đoạn suy thoái dài. Trong quá khứ, Myanmar xuất khẩu gạo cho nhiều quốc gia, trong đó có Indonesia. Tuy nhiên, năm 2011 Myanmar chỉ sản xuất được khoảng 800.000 tấn lúa, thấp hơn rất nhiều so với sản lượng 10 triệu tấn của Thái Lan. Các vấn đề hậu cần, dịch bệnh, giao thông nông thôn đã làm suy yếu ngành nông nghiệp đất nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lạc quan rằng Myanmar có thể khôi phục lại ngành nông nghiệp nhờ vào nguồn nước, đất canh tác nhiều tiềm năng.

Tác giả cho rằng việc ông Thein Sein lên nắm quyền năm 2011 đã đưa đến nhiều thay đổi trong đời sống chính trị-kinh tế tại Myanmar. Nhà hoạt động dân chủ Aung San Suu Kyi được phóng thích, báo chí tư nhân ra đời, các cuộc xung đột quân sự với một số dân tộc thiểu số đã tạm yên tiếng súng. Tổng thống Thein Sein đã điều chỉnh chính sách đối ngoại, nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo thế giới đã được thực hiện, hứa hẹn những thay đổi tích cực, bền vững và không thể đảo ngược. Myanmar đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài và quan trọng nhất đã trở thành Chủ tịch ASEAN năm 2014.


Quá trình chuyển đổi từ một quốc gia biệt lập sang nhà lãnh đạo khối sẽ không dễ dàng, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Myanmar sẽ phải chủ trì nhiều hội nghị quan trọng như Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á... Để thực hiện khối lượng công việc lớn như vậy, chính phủ Myanmar rõ ràng cần phải nâng cao năng lực ngoại giao của mình, tăng cán bộ công tác tại Phái đoàn đại diện thường trực Myanmar tại ASEAN, thường xuyên liên hệ với các quan chức ASEAN tại Quỹ ASEAN, Ban Thư ký và Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền để tham gia điều phối hơn 1.600 cuộc họp của ASEAN trong năm.

Tác giả kết luận rằng ASEAN sẽ thực hiện mục tiêu thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào ngày 31/12/2015 và Myanmar đóng vai trò rất quan trọng trong việc thiết lập các cơ chế cần thiết. Một trong những giải pháp cho vấn đề này chính là việc thực hiện thành công quá trình cải cách kinh tế của Myanmar thông qua những tiến bộ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, điều tiết thị trường và ổn định chính trị. Myanmar có thể áp dụng Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN và Quỹ Phát triển cơ sở hạ tầng của mình để đạt được mục tiêu đó, phù hợp với khẩu hiệu Chủ tịch ASEAN mà nước này đưa ra: "Hướng tới thống nhất trong một cộng đồng hòa bình và thịnh vượng".


Trần Hiệp
Ngọc thạch Myanmar - miếng mồi béo bở cho thương nhân Trung Quốc
Ngọc thạch Myanmar - miếng mồi béo bở cho thương nhân Trung Quốc

Myanmar là nước có trữ lượng và chất lượng ngọc thạch hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, tình trạng quản lý thiếu chặt chẽ của chính quyền đối với các mỏ ngọc thạch ở khu vực phía Tây Bắc đang khiến cho Myanmar thất thu hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm do nạn buôn lậu loại đá quý này qua biên giới Trung Quốc.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN