Mỹ sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ sau QE3?

Đúng như nhiều dự đoán, chính sách nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3) do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thực thi từ hôm 14/9 vừa qua khó đem lại hiệu quả mà các nhà hoạch định ra nó mong muốn.

 

Hiện vẫn còn nhiều nghi vấn về tác dụng của QE3.

 

Một trong những bằng chứng nổi bật là trên thị trường chứng khoán Mỹ, những thông tin tốt mà QE3 mang lại đang dần bị triệt tiêu. Trong bối cảnh chương trình hoán đổi trái phiếu (Operation Twist, QE2.5) sẽ kết thúc vào cuối năm nay, QE3 khó đem tới sự khởi sắc của nền kinh tế, không gian chính sách tài chính hạn hẹp, khả năng QE3.5 ra đời đã được đề cập tới.

 

Năm 2008, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, FED thực thi chính sách lãi suất gần bằng 0%. Tiếp đó, để chấn hưng kinh tế, FED tiếp tục can thiệp vào thị trường tài chính tiền tệ bằng chính sách nới lỏng tiền tệ, lần thứ nhất là vào tháng 3/2009 (QE1), lần thứ hai là vào tháng 9/2010. Tuy nhiên, sau khi nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng tài chính và suy thoái sâu, kinh tế Mỹ luôn nằm trong tình trạng hồi phục thiếu lực, viễn cảnh ảm đạm, đặc biệt là tỉ lệ thất nghiệp nhiều năm ở mức cao không giảm trở thành bài toán khó giải.

 

Bước vào năm bầu cử 2012, áp lực từ những diễn biến về tình hình kinh tế chính trị tại Mỹ tiếp tục đè nặng lên FED. Kinh tế vẫn phục hồi chậm chạp. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2012 từ mức dự báo ban đầu là 2 - 2,4% đã phải điều chỉnh xuống còn 1,7 - 2%. Tỉ lệ thất nghiệp quý II vẫn ở mức cao (8,2%). Thâm hụt ngân sách bình quân hàng năm kể từ năm 2009 là trên 9% và năm nay tổng nợ của chính phủ Mỹ có nguy cơ vượt qua mức 100% GDP. Trong bối cảnh đó, FED đã phải đưa ra QE3.

 

Tuy nhiên, hiệu quả của QE3 đã sớm bị nghi ngờ. Theo Chủ tịch FED ở Philadelphia, ông Charles Plosse, QE3 sẽ không có tác dụng quá lớn trong việc chấn hưng kinh tế và hạ thấp tỉ lệ thất nghiệp. Không chỉ có vậy, QE3 còn khiến Mỹ phải đối mặt với rủi ro lạm phát trong thời gian dài. Bên cạnh đó phải thấy rằng, hiện nay lãi suất ngắn hạn ở Mỹ tuy đã gần về mức 0%, nhưng vẫn chưa tạo ra cú hích về nhu cầu vay tiền bởi nguy cơ thất nghiệp và rủi ro thị trường vẫn cao.


Vì vậy, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng nếu muốn nền kinh tế hưởng lợi, QE3 cần phải kết hợp với chính sách tài chính tăng cường chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đang phải đối mặt với hạn mức nợ công. Do đó, Mỹ nhất định phải đạt được bước đột phá chính trị liên quan để phối hợp với chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích kinh tế, tạo việc làm.


Một vấn đề khác là QE2.5 sẽ hết hạn vào cuối năm nay. QE2.5 cho phép mỗi tháng FED hoán đổi 45 tỉ USD trái phiếu ngắn hạn (dưới 3 năm) thành trái phiếu dài hạn (6 năm tới 30 năm). Nhưng tác dụng của số trái phiếu dài hạn được mua vào này đã bị triệt tiêu bởi số trái phiếu ngắn hạn khác mà FED bán ra. Vì vậy, thanh khoản sẽ trở thành vấn đề mà FED phải tính tới khi QE2.5 kết thúc. Chuyên gia kinh tế trưởng Paul Ashworth thuộc Capital Economics cũng cho rằng việc FED hàng tháng chỉ mua vào 40 tỉ USD chứng khoán thế chấp (MBS) là chưa đủ.


Trong tuyên bố về QE3, FED nói rằng nếu thị trường lao động không có sự cải thiện thực chất, họ sẽ tiến hành mua tài sản ngoài hạn mức. Chính vì thế, ngay khi QE3 chào đời chưa được nửa tháng, QE2.5 đã có lịch đáo hạn, những đồn đoán về bước đi tiếp theo của FED sau QE3 đã xuất hiện. Theo một số chuyên gia, QE3.5 hay chương trình trực tiếp mua trái phiếu sẽ trở thành lựa chọn của FED và quyết định này rất có thể được FED đưa ra vào phiên họp về lãi suất sẽ được triệu tập vào đầu tháng 12 tới.


Chuyên gia kinh tế trưởng Mike Moran của Công ty Chứng khoán Daiwa cho rằng Chủ tịch FED Ben Bernanke không ít thì nhiều sẽ nói với mọi người rằng FED sẽ chuyển sang trực tiếp mua trái phiếu Mỹ. Chuyên gia kinh tế trưởng Lou Crandall thuộc Công ty Nghiên cứu Thị trường Wrightson ICAP nhận định trừ phi thị trường lao động Mỹ có sự chuyển biến tốt đặc biệt, nếu không chương trình mua trái phiếu sẽ được khởi động vào quý I (năm 2013). Về phần mình, Chủ tịch FED ở Chicago, Charles Evan, bày tỏ ông ủng hộ hành động mua trái phiếu mới của FED sau khi QE2.5 kết thúc nhằm khỏa lấp sự thiếu hụt về thanh khoản.


Trong mắt của một số nhà quan sát, trực tiếp mua trái phiếu chính phủ là hành động thông minh truyền thống. Tuy nhiên, theo nhà kinh tế cao cấp Sal Guatieri thuộc BMO Capital Markets, rủi ro vẫn tồn tại, vì QE có thể cuối cùng sẽ dẫn tới bong bóng tài sản. Ông Sal Guatieri hi vọng các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã học được cách nhận biết và ngăn chặn bong bóng tài sản.


Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN