Báo cáo Tình báo Hàng ngày (Mỹ) ngày 25/7 cho biết trong thập kỷ qua, để yểm trợ và tăng cường các cuộc tấn công xâm lược tại Nam Tư, Ápganixtan, Irắc, Xômali, Pakixtan, Yêmen và Libi, Lầu Năm Góc không ngừng mở rộng sự hiện diện quân sự khắp thế giới bằng cách củng cố và thiết lập nhiều căn cứ quân sự mới ở một số lục địa và châu đại dương.
Binh sĩ Mỹ tuần tra tại Iskandariya, tỉnh Babil, Irắc ngày 13/7. AFP/ TTXVN |
Lầu Năm Góc đã tiếp cận, mở rộng và nâng cấp hàng chục căn cứ quân sự, và thậm chí thiết lập một bộ chỉ huy quân sự mới - Bộ chỉ huy châu Phi - để triển khai lực lượng ở 54 nước, trong đó gần 30% là các nước thành viên của Liên hợp quốc. Phối hợp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Mỹ đã triển khai hoặc dự định triển khai các lực lượng vũ trang đến nhiều địa điểm mới, từ lực lượng thông thường đến các căn cứ không quân chiến lược, từ biển Baltic đến Nam Phi, Nam Đông Âu, Đông Nam Á, Sừng châu Phi, Trung và Nam Phi, Ấn Độ Dương, biển Caspi, Caucasus, Trung Âu, Nam Thái Bình Dương, biển Đen.
Tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây, trừ Mônđôva và Ucraina, đều trở thành nơi trung chuyển trang thiết bị và binh sĩ cho cuộc xung đột Ápganixtan. Hồi đầu năm, chính phủ Nga cho biết các chuyến bay của Mỹ và NATO qua lãnh thổ Nga để yểm trợ cuộc chiến tranh Ápganixtan lên tới 4.500 chuyến trong năm. Số liệu của Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết từ tháng 10/2009 đến nay, Mỹ đã vận chuyển 15.000 binh sĩ và trên 20.000 tấn hàng hóa qua lãnh thổ Nga đến Ápganixtan.
Những năm gần đây, Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập quân sự hàng năm với NATO, các nước đồng minh hoặc đối tác tại châu Á, như Bungari, Rumani, Mông Cổ, Cadắcxtan, Campuchia và khắp lục địa châu Phi. Phần lớn các căn cứ quân sự có lực lượng và tài sản quân sự của Mỹ là các địa điểm đã có trước đây như: 7 căn cứ tại Côlômbia, 4 căn cứ tại Bungari, 4 căn cứ tại Rumani, vài chục căn cứ tại Ápganixtan và Irắc và nhiều căn cứ mới như: 1 trận địa rađa băng tần X kết nối với hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai trên sa mạc Negev của Ixraen năm 2008, có tầm hoạt động 2.900 dặm và khoảng 100 binh sĩ Mỹ; 1 trận địa tên lửa Patriot hiện đại Capability-3 bố trí tại Morag, Ba Lan, năm 2010 với trên dưới 100 binh sĩ Mỹ; 1 căn cứ máy bay không người lái Reaper ở Cộng hòa Xâysen thuộc Ấn Độ Dương; 1 trung tâm quá cảnh tại Cưrơgưxtan, từ đây mỗi tháng có khoảng 50.000 binh sĩ Mỹ và NATO ra vào Ápganixtan. Oasinhtơn sẽ sớm luân phiên các phi đoàn máy bay F-16 đến Ba Lan, và cuối thập kỷ này sẽ bố trí các phương tiện đánh chặn chống tên lửa đạn đạo Standard Missile-3 tại Ba Lan và Rumani kèm theo nhiều trận địa rađa ở các nước Bungari, Thổ Nhĩ Kỳ, Ucraina và Adécbaigian.
Các căn cứ quân sự được xây dựng gần đây của Mỹ có đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu chiến tranh trong thế kỷ 21 như phát động các cuộc tấn công từ các tàu chiến chở máy bay trực thăng và máy bay ném bom tầm xa, các cuộc tiến công tên lửa từ máy bay không người lái và hoạt động của lực lượng đặc nhiệm. Tháng 6/2011, phạm vi hoạt động của quân đội Mỹ mở rộng chưa từng thấy khi Lầu Năm Góc điều động một máy bay vận tải C-5 Galaxy bay liên tục từ căn cứ không quân Dover ở bang Delaware qua Canađa, Bắc Cực, qua Nga và Cadắcxtan đến sân bay Bagram ở Ápganixtan.
Theo Lực lượng Không quân Mỹ tại châu Âu, năm 2009, Mỹ và 11 nước đồng minh NATO và các đối tác đã thành lập Liên đoàn Không vận nặng tại Căn cứ Không quân Papa ở Hunggari - loại không vận chiến lược đa quốc gia đầu tiên trên thế giới, và đến tháng 2/2011 liên đoàn này đã bay hơn 3.600 giờ, vận chuyển hơn 13.800 tấn hàng hóa, hơn 6.100 hành khách đến các nước ở 6 lục địa, trong đó có lực lượng đến Haiti, Ápganixtan, Nam Phi và châu Âu. Đầu năm nay, Liên đoàn Căn cứ Không quân 65 của Mỹ sử dụng 15.000 chuyến bay để vận chuyển 22.000 binh sĩ từ 21 nước qua sân bay Lajes thuộc khu vực Azores của Bồ Đào Nha phục vụ các cuộc chiến tranh và các đợt triển khai lực lượng khác ở phía đông.
Các căn cứ không quân tại các nước như Ápganixtan, Bungari, Irắc và Rumani đã được Mỹ nâng cấp không những để phục vụ vận tải quân sự đường dài mà còn là các căn cứ không quân chiến lược giống như các căn cứ được Mỹ xây dựng sau Chiến tranh thế giới thứ II tại Anh, Đức, Italia và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nhà phân tích chiến lược quân sự cho rằng với ngân sách quân sự 729 tỷ USD năm 2011, Lầu Năm Góc sẽ tiếp tục cải tạo, củng cố, nâng cấp và phát triển hệ thống căn cứ quân sự trên toàn cầu để duy trì vị thế siêu cường quân sự độc nhất trên thế giới.
Hữu Trung (P/v TTXVN tại Mỹ)