Mỹ đang khuấy động cuộc chiến tranh Arab thế nào?

Để tiến hành cuộc chiến ở Yemen, Saudi Arabia sử dụng máy bay chiến đấu F-15 mà nước này mua từ tập đoàn Boeing. Phi công của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lái máy bay F-16 của công ty Lockheed Martin đánh bom cả ở Yemen và Syria. Mới đây, UAE dự kiến sẽ hoàn tất một thỏa thuận với General Atomics về một phi đội máy bay không người lái Predator để tiến hành các nhiệm vụ gián điệp ở các khu vực láng giềng.

Khi Trung Đông rơi vào các cuộc chiến tranh ủy nhiệm, xung đột giáo phái và cuộc chiến chống lại mạng lưới khủng bố, các nước trong khu vực vốn sở hữu nhiều vũ khí quân sự của Mỹ, đang thực sự sử dụng chúng và họ còn muốn mua nhiều hơn nữa. Điều này dẫn đến 2 vấn đề: Làm bùng nổ nhu cầu của các nhà thầu quốc phòng Mỹ nhằm tìm kiếm sự hợp tác với những doanh nghiệp nước ngoài trong bối cảnh ngân sách của Lầu Năm Góc bị cắt giảm và tạo nên viễn cảnh của một cuộc chạy đua vũ trang mới, nguy hiểm trong một khu vực nơi mà bản đồ các liên minh đang được vẽ lại một cách mạnh mẽ.

Tuần trước, các quan chức ngành công nghiệp quốc phòng nói trước Quốc hội Mỹ rằng họ hy vọng trong những ngày tới sẽ nhận được một lời đề nghị từ liên minh Arab – Saudi Arabia, UAE, Qatar, Bahrain, Jordan và Ai Cập - mua hàng nghìn tên lửa, bom và các loại vũ khí khác do Mỹ chế tạo, nhằm bổ sung vào kho vũ khí vốn đã bị cạn kiệt trong năm qua.

Qatar đang tìm cách để mua F-15 nhằm thay thế cho loại Mirage đang lão hóa do Pháp sản xuất. Ảnh: AFP


Từ lâu, Mỹ đã đặt ra những quy định buộc các công ty quốc phòng nước này hạn chế bán một số loại vũ khí cho các quốc gia Arab, mục đích là để đảm bảo rằng Israel duy trì một lợi thế quân sự trước các đối thủ truyền thống trong khu vực. Nhưng vì Israel và các nước Arab hiện nay đang ở trong một liên minh thực tế chống lại Iran, chính quyền Obama sẵn sàng cho phép bán vũ khí tiên tiến tới vùng Vịnh Ba Tư, bất chấp một vài sự phản đối từ Israel.

Các nhà phân tích công nghiệp và chuyên gia Trung Đông cho rằng cuộc khủng hoảng của khu vực, và quyết tâm của các quốc gia giàu có theo dòng Sunni trong cuộc tranh giành ảnh hướng với người Shiite ở Iran sẽ dẫn đến một sự gia tăng đột biến các đơn đặt hàng mới về các phần cứng công nghệ cao, hiện đại nhất của ngành công nghiệp quốc phòng.

Cụ thể, năm ngoái, Saudi Arabia đã chi hơn 80 tỷ USD cho vũ khí – một con số kỷ luc, lớn hơn cả Pháp hoặc Anh - và đã trở thành thị trường tiêu thụ quốc phòng lớn thứ tư trên thế giới, theo số liệu được Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm công bố vào tuần trước. Trong khi đó, UAE đã dành gần 23 tỷ USD cho lĩnh vực này, gấp ba lần so với năm 2006. 

Qatar, một đất nước vùng Vịnh đang muốn khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trên khắp Trung Đông, cũng đang tích cực mua sắm vũ khí. Năm 2014, Qatar đã ký một thỏa thuận trị giá 11 tỷ USD với Lầu Năm Góc để mua trực thăng tấn công Apache cùng hệ thống phòng không Patriot và Javelin. 

Hiện quốc gia nhỏ bé này đang hy vọng sẽ mua máy bay chiến đấu F-15 nhằm thay thế cho các máy bay phản lực Mirage đang lão hóa do Pháp sản xuất. Các quan chức Qatar dự kiến sẽ đề nghị với chính quyền Obama một danh sách những loại vũ khí tiên tiến mà nước này muốn có trước khi họ đến Washington vào tháng tới để tham dự các cuộc họp với các quốc gia vùng Vịnh khác.

Trong khi đó, Boeing đã mở một văn phòng đại diện tại Doha, Qatar năm 2011, và Lockheed Martin cũng thiết lập một văn phòng ở đó trong năm nay. Năm 2013, công ty Lockheed Martin đã lập một văn phòng chỉ dành để bán các mặt hàng quân sự với nước ngoài, và giám đốc điều hành của công ty, Marillyn Hewson, đã nói rằng Lockheed Martin cần phải tăng giao dịch với nước ngoài - với mục tiêu là doanh thu từ việc bán vũ khí toàn cầu sẽ chiếm 25 – 30% - một phần để bù đắp cho sự cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc.

Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng các cuộc chiến ủy nhiệm ở Trung Đông có thể kéo dài trong nhiều năm, điều sẽ khiến cho các nước trong khu vực thậm chí còn muốn mua cả máy bay chiến đấu F-35, vốn được coi là “viên ngọc quý” trong kho vũ khí của Mỹ - một loại vũ khí trong tương lai. F-35- dự án vũ khí đắt giá nhất thế giới - có khả năng tàng hình và đã được nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á đặt hàng, nhưng vẫn chưa được bán cho các đồng minh Arab vì lo ngại việc Israel sẽ mất đi ưu thế quân sự trong khu vực.

Phi đội máy bay F-16 thuộc liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành không kích các mục tiêu của IS ở Iraq.


Nhưng với sự cân bằng quyền lực ở Trung Đông thay đổi liên tục, một số nhà phân tích quốc phòng cho rằng điều này có thể thay đổi. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn cho Iran, và mới đây, việc Tổng thống Nga Putin đã quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán hệ thống phòng không tiên tiến S-300 cho Tehran có thể làm tăng nhu cầu đối với F-35 trong khu vực. "Đây có thể là sự tổng hợp của các sự kiện: cuộc nội chiến giữa hai dòng Sunni-Shia đang nổi lên cùng với việc bán hệ thống phòng không của Nga tiên tiến cho Iran”, Richard L. Aboulafia, một nhà phân tích quốc phòng tại Teal Group nói.

Bên cạnh đó, việc bán F-35 cũng tăng cường khả năng cho các nước Arab tấn công Iran vào thời điểm mà lựa chọn của họ có thể là điều cuối cùng mà Mỹ muốn.

Tuy nhiên, thực sự cũng đã có những nghi vấn về việc các đồng minh của Washington sử dụng vũ khí Mỹ như thế nào cho phù hợp. "Saudi Arabia đã sử dụng một số lượng lớn vũ khí Mỹ ở Yemen chống lại dân thường", Daryl Kimball, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí cho biết, mặc dù Saudi Arabia đã phủ nhận điều này. Ông Kimball cho rằng sự “gia tăng doanh số bán vũ khí cho khu vực” gây ra nhiều sự lo lắng” vì nó có thể dẫn đến một sự leo thang về các chủng loại cũng như số lượng vũ khí hiện đại ở những quốc gia này.

Năm 2008, Quốc hội Mỹ đã ban hành một đạo luật quy định việc bán vũ khí cho Israel nhằm duy trì một "lợi thế quân sự có chất lượng" trong khu vực. Tất cả doanh số bán hàng ở Trung Đông được đánh giá dựa trên việc chúng sẽ ảnh hưởng đến ưu thế quân sự của Israel thế nào. Nhưng chính quyền Obama cũng đã xem xét việc cải thiện cho quân đội của các quốc gia Arab một cách có lựa chọn - những nước coi Iran là mối đe dọa trong khu vực và đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của Israel.

Mặc dù vậy, các quốc gia dòng Sunni cũng đã thể hiện một quyết tâm mới trong việc sử dụng lực lượng quân sự chống lại các nhóm Sunni cực đoan như lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Một số quốc gia Arab đang sử dụng một căn cứ không quân ở Jordan để khởi động các cuộc tấn công chống lại các tay súng IS ở Syria. UAE và Ai Cập cũng đã tiến hành các cuộc không kích chống lại lực lượng  phiến quân Sunni tại Libya.

Trong khi đó, hợp đồng bán máy bay không người lái Predator tới UAE sắp được ký kết. Những máy bay này sẽ không mang vũ khí, nhưng chúng được trang bị tia laser để xác định tốt hơn các mục tiêu trên mặt đất. Nếu thương vụ này diễn ra, đây sẽ là lần đầu tiên những chiếc máy bay không người lái sẽ xuất hiện tại các quốc gia đồng minh của Mỹ bên ngoài NATO.


Công Thuận (Theo N.Y.T)

‘Triệt hạ Putin’, Mỹ và phương Tây đang húc vào bê tông
‘Triệt hạ Putin’, Mỹ và phương Tây đang húc vào bê tông

Mỹ và phương Tây đang rất “bối rối” trước việc kinh tế Nga thích ứng khá nhanh trước các lệnh cấm vận, cũng như đà suy giảm của giá dầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN