Mỹ đang bảo vệ cái ‘không thể bảo vệ được’

Iraq đang ở trong thời điểm bước ngoặt. Phe đối lập chống chính phủ ngày càng mạnh lên, được trang bị và tổ chức tốt hơn. Một khi đã chiếm được một lượng lớn vũ khí, tiền bạc sau khi đánh chiếm Mosul, sức mạnh này sẽ còn tăng lên nhiều. Câu hỏi lúc này đã xuất hiện: Ai đang đánh mất Iraq?

Câu trả lời cũng đã có một phần: Chính quyền rệu rã, tham nhũng, kém hiệu quả của Thủ tướng Nouri al-Maliki là nguyên nhân. Làn sóng chống đối bạo lực mà Iraq phải đối mặt hiện nay là điều đã được dự báo từ trước. Nó xuất phát từ việc ông Maliki đã bỏ qua nguyên tắc chia sẻ quyền lực giữa các nhóm sắc tộc, đi ngược lại những thỏa thuận đã ký, có dấu hiệu thanh lọc các quan chức gốc Sunni, với mục tiêu nổi bật là Phó Tổng thống và Bộ trưởng tài chính.


Lực lượng an ninh Iraq giao tranh với các tay súng phiến quân chống chính phủ ở phía tây Kirkuk. Ảnh: AFP/TTXVN



Thế nhưng phải nhìn xa hơn: Ông Maliki đã được đưa lên làm Thủ tướng theo cách thức như thế nào? Ông Maliki là sản phẩm của một loạt các quyết định quan trọng do chính quyền Tổng thống Bush (con) đưa ra. Đưa quân can dự vào Iraq, nước Mỹ tại thời điểm đó cần tìm kiếm đồng minh người bản địa. Rất nhanh chóng, Washington quyết định cần phải xóa bỏ thể chế lãnh đạo của người Sunni và đẩy các đảng phái của người Shiite theo đường lối cứng rắn chống Saddam Hussein lên nắm quyền. Điều này có nghĩa là quyền lực của người Sunni từ hàng thế kỉ qua đã sụp đổ. Chính điều này mới là hệ quả tai hại, hơn cả việc Mỹ can thiệp quân sự.

Mối ung nhọt ở Trung Đông thường được gọi là chiến tranh giáo phái. Nhưng thực sự thì nó cần phải gọi với một cái tên chính xác hơn là “sự nổi dậy của người Sunni”. Trên khắp khu vực, từ Iraq đến Syria, các nhóm vũ trang người Sunni đứng lên chống lại các nhóm sắc tộc khác. Chính quyền Tổng thống Bush từng biện hộ hành động ủng hộ ông Maliki bằng việc xem người Shiite chiếm đa số ở Iraq và vì thế cần phải nắm quyền lãnh đạo. Thế nhưng có một điều mà Nhà Trắng chưa hiểu hết: Đường biên giới Iraq quá phức tạp; người Shiite chiếm đa số ở Iraq nhưng lại là thiểu số ở Trung Đông. Chính vì thế mà nhiều lực lượng bên ngoài, kể cả Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, đều ngầm ủng hộ sự nổi dậy của người  Sunni.

Nếu như chính quyền Tổng thống Bush (con) bị coi là nguyên nhân “để mất” Iraq, thì nội các của ông Obama cùng quyết định rút quân Mỹ khỏi quốc gia Trung Đông này hồi năm 2011 sẽ có trách nhiệm như thế nào? Một số người bắt đầu lên tiếng đổ lỗi cho chính quyền Obama đã không quyết liệt đàm phán để vẫn duy trì sự hiện diện quân sự của Mỹ, dù là ở quy mô nhỏ. Thế nhưng đó không phải là bản chất của vấn đề. Một nhà chính trị cấp cao Iraq tiết lộ: “Sẽ không có chuyện lính Mỹ đồn trú ở Iraq. Maliki không cho phép điều này. Iran đã tuyên bố rõ với ông Maliki là: yêu cầu số 1 là không để cho lính Mỹ còn hiện diện ở Iraq”.

Cũng chính nhân vật này đã lưu ý một điều rằng: Ông Maliki đã có 24 năm sống lưu vong, hầu hết quãng thời gian đó là ở Tehran và Damascus; chính đảng của ông này cũng là do Iran hậu thuẫn về tài chính. Chính vì vậy mà chính phủ Iraq theo đuổi các chính sách ủng hộ Iran và Syria.

Tại thời điểm này, chính giới Mỹ đang thảo luận liệu có tiến hành trợ giúp không kích hay huấn luyện quân sự cho đội quân Iraq hay không. Nhưng vấn đề thực sự thì phức tạp hơn, mà có lẽ cần phải đến cả thập kỉ mới giải quyết được. Tại Iraq, Mỹ đang bảo vệ cho cái mà họ “không thể bảo vệ được”.


Hoài Thanh (Theo Dailystar)

 Phiến quân ISIL chiếm thêm một thành phố miền Bắc Iraq
Phiến quân ISIL chiếm thêm một thành phố miền Bắc Iraq

Thêm một thành phố của Iraq rơi vào tay nhóm Hồi giáo cực đoan tự xưng là Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Cận Đông (ISIL) sau một trận pháo kích và giao tranh gây thương vong lớn Tal Afar ở Tây Bắc, làm 10 người thiệt mạng, 40 người bị thương và nhiều người phải sơ tán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN