Mục tiêu kế tiếp của Mỹ trong thương chiến: Sinh viên Trung Quốc 

Đầu tiên là thương mại, sau đó là công nghệ và giờ là giáo dục. Chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhắm vào những người Trung Quốc tài giỏi nhất ở Mỹ bằng cách hạn chế thị thực cấp cho sinh viên và giới nghiên cứu. 

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa - Getty Images

Một số cử nhân và học giả Trung Quốc tiết lộ với Bloomberg rằng trong vài tuần gần đây, họ nhận thấy đồng nghiệp Mỹ cũng như môi trường làm việc trở nên kém thân thiện. Đại học Emory đã sa thải hai giáo sư người Mỹ gốc Trung hôm 16/5, cùng lúc đó Bộ Giáo dục Trung Quốc ngày 3/6 phát cảnh báo về những rủi ro nếu đến Mỹ học tập khi làn sóng từ chối thị thực du học ngày càng tăng. 

“Tôi cảm thấy lo lắng, thậm chí là buồn bởi cuộc xung đột không đáng có này. Sự hạn chế nhằm vào sinh viên và học giả Trung Quốc là bất hợp lý, đồng thời đi ngược lại giá trị cốt lõi đã biến Mỹ trở thành một đất nước vĩ đại”, ông Liu Yuanli - Giám đốc sáng lập Trường Y tế Cộng đồng Đại học Harvard tại Trung Quốc nhận xét. 

Ông Liu một thành viên trong chương trình chiêu mộ hiền tài “Thousand Talents” gây tranh cãi ở Trung Quốc. “Thousand Talents” được Bắc Kinh triển khai từ năm 2008 nhằm khuyến khích những công dân ưu tú ở nước ngoài trở về xây dựng quê hương. 

Gia tăng ngờ vực

Động thái trên đã làm nổi bật cách thức chiến tranh thương mại đang thay đổi căn bản mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, từ tín nhiệm đến nghi ngờ ngày càng tăng. Việc Tổng thống Trump mở rộng trừng phạt hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong khi Trung Quốc lập danh sách xóa sổ các doanh nghiệp nước ngoài “không đáng tin cậy” kể từ khi đàm phán thương mại song phương bế tắc, đã khiến Phố Wall gióng lên những hồi chuông cảnh báo mới về nguy cơ suy thoái toàn cầu. 

Hàng thập kỷ nay, ngành giáo dục trở thành cầu nối hợp tác bền vững giữa Bắc Kinh và Washington, với làn sóng du học sinh Trung Quốc tiếp cận những trung tâm nghiên cứu lớn nhất thế giới tại Mỹ. Trên 360.000 sinh viên Trung Quốc đã đến Mỹ năm 2018 theo thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. 

Cho đến nay, do ảnh hưởng từ thương chiến, số lượng sinh viên Trung Quốc sang “Xứ sở cờ hoa” đã chậm lại, chỉ tăng 3,6% so với năm 2018, hay chỉ gần 1/2 so với năm trước nữa. Các sinh viên được Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ bị từ chối thị thực tăng 13,5% trong ba tháng đầu năm, gấp nhiều lần so với con số 3,2% cùng kỳ năm ngoái.

Chú thích ảnh
Sinh viên trường Đại học Fundan tại Thượng Hải trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: Reuters

Gia hạn chậm trễ

Thủ tục gia hạn thị thực học sinh hàng năm, từng mất khoảng ba tuần lễ, hiện kéo dài đến hàng tháng. Đó là tiết lộ của các nghiên cứu sinh Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts với Bloomberg trong điều kiện giấu danh tính vì lo ngại sự nghiệp của họ có thể bị ảnh hưởng. Một nghiên cứu sinh cho biết họ đang dự tính về nước sau khi hoàn thành chương trình học với mối lo rằng chính sách hạn chế học giả Trung Quốc sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa. 

Phát biểu ngày 3/6 tại Bắc Kinh, Phó Giám đốc Vụ Hợp tác và Trao đổi Quốc tế thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc, ông Xu Yongji nhấn mạnh: “Những hành động của phía Mỹ đang gây lạnh nhạt trong lĩnh vực hợp tác và trao đổi giáo dục Trung – Mỹ. Chúng tôi hy vọng phía Mỹ sẽ khắc phục sớm nhất có thể, có thái độ tích cực hơn, làm nhiều việc có ích để thúc đẩy hợp tác và trao đổi giáo dục song phương”.

Bộ trên còn lên án những cáo buộc vô căn cứ của Mỹ về “các hoạt động gián điệp phi truyền thống”. “Những nhân vật ở Mỹ đang ngăn chặn học giả và sinh viên Trung Quốc có suy nghĩ khác: Họ lo ngại người Trung Quốc sẽ làm chủ công nghệ tân tiến và Trung Quốc sẽ vượt lên phía trước. Số lượng sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ giảm mạnh chắc chắn sẽ làm dậy sóng ngành giáo dục Mỹ”. 

Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa phản hồi về vấn đề này.

Sa thải nghiên cứu sinh

Những nỗi lo vẫn tồn tại bất chấp tiến bộ mà Trung Quốc tuyên bố đạt được sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình thảo luận về vấn đề này với ông Trump tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) ở Argentina cuối năm ngoái. Mặc dù truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Trump tái khẳng định mong muốn của Mỹ đối với các sinh viên đất nước, nhưng Nhà Trắng không đề cập đến bất kỳ thỏa thuận nào về vấn đề này.

Chính quyền Tổng thống Trump cam kết trong Chiến lược An ninh Quốc gia năm 2017 sẽ xem xét các thủ tục thị thực và các hạn chế đối với các học sinh, sinh viên ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học – hay còn gọi là STEM - từ các quốc gia nhất định để đảm bảo rằng tài sản trí tuệ không được chuyển giao cho đối thủ cạnh tranh.

Tháng 6 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ hạn chế cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc học ngành khoa học và kỹ thuật. Động thái này đã được các trường đại học Mỹ hưởng ứng bằng hành động cụ thể. Trường Emory sa thải nhà nghiên cứu di truyền học Li Xiaojang. Tháng 4 mới đây, ba nhà nghiên cứu khác cũng buộc phải rời khỏi Trung tâm Anderson Cancer thuộc Đại học Texas vì liên quan đến một cuộc điều tra về lợi dụng chương trình nghiên cứu được chính phủ cấp vốn. 

Một số lại phản đối xu hướng này, bao gồm Chủ tịch Đại học Yale Peter Salovey. Trong lá thư công khai ngày 23/5, ông tái khẳng định lại cam kết của trường đối với các sinh viên nước ngoài. Bộ Ngoại giao Trung Quốc ủng hộ quan điểm của ông, cho rằng hoạt động trao đổi văn hóa và giáo dục giữa hai nước không nên bị chính trị hóa. 

Hiền tài về nước

Trong khi siết chặt thị thực du học có thể giúp bảo vệ các dự án nghiên cứu của Mỹ, nó cũng có thể giúp gia tăng số lượng học giả người Trung Quốc trở về quê hương. Một trong những ngôi trường danh tiếng của Trung Quốc, Đại học Jinan đã mời Giáo sư Li Xiaojiang cùng với nhóm nhân viên phòng thí nghiệm về làm việc. Bên cạnh đó, những công ty Trung Quốc cũng sẵn sàng tuyển dụng nhân viên tại Thung lũng Silicon của Mỹ. 

“Tất nhiên, chúng tôi rất vui khi tiếp nhận họ, nếu họ là người chúng tôi cần”, ông Ren Zhengfei thuộc tập đoàn công nghệ Huawei của Mỹ trả lời Bloomberg tuần trước. 

Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhiều lần kêu gọi đổi mới trong những ngành công nghệ cốt lõi kể từ khi ông lên cầm quyền vào năm 2012, cũng như đẩy mạnh cải cách giáo dục. Ông Zhao Suisheng – Giám đốc Trung tâm hợp tác Trung – Mỹ tại Trường nghiên cứu Quốc tế Josef Korbel thuộc Đại học Denver khẳng định: “Không thể lệ thuộc vào Mỹ về công nghệ và đổi mới. Trung Quốc không còn cách nào tốt hơn ngoài việc tự phát triển tài năng công nghệ cao của đất nước này”. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Đậu tương - 'Vũ khí' lợi hại nhất của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ
Đậu tương - 'Vũ khí' lợi hại nhất của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ

Đậu tương đã trở thành thứ vũ khí lợi hại nhất của Trung Quốc trong thương chiến tồi tệ chưa từng thấy với Mỹ. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN