Mục đích sâu xa Nga giúp Thổ Nhĩ Kỳ xây nhà máy điện hạt nhân, cấp tên lửa S-400

Hợp tác năng lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã vượt qua phạm vi hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và nâng lên mức độ cao hơn là năng lượng hạt nhân. Nhờ đó, quan hệ hợp tác trở nên bền vững và ổn định hơn.

Tổng thống Nga Putin thăm Thổ Nhĩ Kỳ trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái đắc cử nhiệm kỳ 4. Ảnh: AP

Trong chuyến thăm chính thức Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 3/4 - chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi tái đắc cử, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia lễ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên do Nga hỗ trợ mang tên Akkuyu nằm bên bờ Địa Trung Hải. Buổi lễ động thổ diễn ra trang trọng với màn pháo hoa phấn khởi.

Dự án trị giá 20 tỉ USD này sẽ được tập đoàn Nhà nước Rosatom của Nga đầu tư vốn và xây dựng, Rosatom nắm giữ 51% cổ phẩn nhà máy. Đây cũng là một trong những dự án quốc tế lớn nhất mà tập đoàn năng lượng hạt nhân của Nga tiến hành.

"Đây là khoảnh khắc lịch sử, và tôi rất vui có bạn tôi Putin có mặt tại đây. Nằm trong chính sách an ninh năng lượng, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này và năng lượng hạt nhân đóng một vai trò quan trọng trong đó", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu trong lễ động thổ nhà máy ở Mersin. Đáp lại, Tổng thống Putin nói: "Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia với nền kinh tế tiên tiến, nhưng năng lượng hạt nhân là một bước tiến lớn và mới, và Nga, với vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực này, rất sẵn lòng giúp đỡ Thổ Nhĩ Kỳ".

Video lễ đón Tổng thống Putin tại Ankara:



Cũng trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, hai nước đã ký kết một loạt thỏa thuận trong lĩnh vực truyền thông, thể thao và chính sách xã hội và đặc biệt đạt được thỏa thuận về việc Nga sớm cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 cũng như tiếp tục tăng cường hợp tác quốc phòng.

Hợp tác năng lượng hạt nhân - dấu mốc lịch sử

Theo Sputnik, bình luận về ý nghĩa của dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đối với quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, Giáo sư Mesut Hakki Casin, Khoa Quan hệ Quốc tế của Học viện Không quân và Đại học Özyeğin ở Istanbul đồng thời là cựu sĩ quan không quân Thổ Nhĩ Kỳ, nhấn mạnh: “Hợp tác năng lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã vượt qua phạm vi hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và nâng lên mức độ cao hơn là năng lượng hạt nhân. Nhờ đó, quan hệ hợp tác trở nên bền vững và ổn định hơn. Mặc dù trong suốt 60 năm qua Ankara yêu cầu phương Tây giúp Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận với việc sử dụng nguồn năng lượng hạt nhân nhưng đã không được đáp ứng. Do đó, dự án của Nga có ý nghĩa rất quan trọng và thời điểm tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân Akkuyu cũng được phía Thổ Nhĩ Kỳ coi là một dấu mốc lịch sử”.

Dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ tại Akkuyu sẽ bao gồm 4 tổ máy với công suất 1.200 megawatt mỗi tổ. Khi cả 4 tổ máy đi vào hoạt động năm 2026, nhà máy sẽ cho sản lượng điện 4.800 megawatt/ngày, đảm bảo cung cấp 10% điện tiêu thụ hàng ngày của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng dự án này còn mang nhiều ý nghĩa hơn những con số đó. Nó phản ánh niềm tin mạnh mẽ giữa Moskva và Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã phụ thuộc lớn vào năng lượng Nga khi khi 56% lượng khí đốt mà nước này nhập khẩu là từ Nga. Khi đường ống khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất, nó sẽ chuyên chở 30 tỉ mét khối khí đốt nữa mỗi năm tới Thổ Nhĩ Kỳ. Rõ ràng khi Ankara bổ sung thêm 10% lượng điện tiêu thụ từ nhà máy hạt nhân mà Nga giữ cổ phần tới 51%, thì sự phụ thuộc của nước này vào Nga trong một thứ tài sản chiến lược như năng lượng sẽ còn tăng cao hơn nữa.

S-400, khi thành viên NATO trông cậy vào Nga

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 được biên chế vào lực lượng vũ trang Nga từ năm 2007. Ảnh: TASS

Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng mua một số tổ hợp tên lửa phòng không S-400 Triumf của Nga trị giá 2,5 tỷ USD hồi tháng 12/2017. Theo hợp đồng ban đầu, phía Nga sẽ tiến hành bàn giao vào đầu năm 2020. Tuy nhiên, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua, hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến độ, theo đó Moskva sẽ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ankara vào tháng 7/2019.  Việc Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, ký hợp đồng mua S-400 Nga khiến Mỹ và một số nước phương Tây không hài lòng. Tuy nhiên, Ankara khẳng định việc mua các hệ thống tên lửa này là để bảo vệ an ninh quốc gia.

Nhận định về tuyên bố của hai nhà lãnh đạo Nga- Thổ Nhĩ Kỳ đẩy nhanh thời gian chuyển giao các tổ hợp tên lửa phòng không S-400, Giáo sư Casin nhấn mạnh: “Tuyên bố của Tổng thống Putin về nội dung này là rất quan trọng. Việc Nga đáp ứng yêu cầu của phía Thổ Nhĩ Kỳ đẩy nhanh việc cung cấp các tổ hợp S-400 cho thấy Moskva rất quan tâm đến nhu cầu của Ankara. Điều quan trọng là ông Erdogan cũng thể hiện sự quyết tâm và tuyên bố rằng ‘thỏa thuận S-400 đã được ký kết và vấn đề được giải quyết’. Ngay từ đầu Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rằng các tổ hợp S-400 sẽ được bổ sung vào thành phần hệ thống phòng thủ tên lửa của riêng mình, không liên quan đến hệ thống tên lửa đạn đạo của NATO. Ngoài ra, tổ hợp S-400 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nhà máy điện hạt nhân Akkuyu. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ rất cần hệ thống phòng không của riêng mình và các loại tên lửa mà Thổ Nhĩ Kỳ mua về đều dành riêng cho mục đích quốc phòng, không tạo nguy cơ đe dọa đến những đối thủ khác trong khu vực”.

Đề cập đến cơ sở của sự hợp tác hàng không vũ trụ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, ông Casin nói thêm:“Tập đoàn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ Aerospace Industries (TUSAS/TAI) và Tập đoàn chế tạo máy bay Irkut của Nga đã đạt thỏa thuận về việc cùng sản xuất cánh và thân máy bay cho máy bay vận tải mới của Nga. Do đó, trong tương lai hai nước có thể cùng sản xuất máy bay chở khách. Ngoài ra, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực phát triển và chế tạo các loại vũ khí mới”.

Giáo sư người Nga cũng đã chỉ ra tầm quan trọng của chuyến công du nước ngoài đầu tiên mà ông Putin thực hiện ngay sau khi tái đắc cử tổng thống và điểm dừng chân là Thổ Nhĩ Kỳ với nhận định: “Đây là một thông điệp gửi tới phương Tây, nhấn mạnh tầm quan trọng của Nga như một người chơi và đối tác quốc tế.

Về phần mình, trong bối cảnh đang xây dựng mối quan hệ nồng ấm với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã từ chối tham gia lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan tới căng thẳng ngoại giao xung quanh vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal.

Công trường xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ, do Nga tiến hành.

Nga mở rộng vị thế ở Trung Đông

Giới phân tích cho rằng, trong khi vai trò truyền thống của Mỹ ở Trung Đông thu hẹp lại dưới thời Tổng thống Barack Obama, thì vai trò của Nga lại ngày càng mở rộng, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố. Hai chính quyền liên tiếp của Mỹ đã không thể đưa ra một chính sách mạch lạc về Trung Đông, trong khi đó nước Nga dưới thời Tổng thống Putin liên tục có những bước đi chắc chắn, mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. Nga đã nhanh chóng xác lập lại vị trí tại Trung Đông thông qua cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, cũng như hàng loạt chương trình hợp tác kinh tế, quốc phòng với các quốc gia vốn là đồng minh thân cận của Mỹ như Ai Cập, Saudi Arabia, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ...

Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew có trụ sở tại Mỹ, 64% số người thuộc các nước trong khu vực thấy rằng, Nga có ảnh hưởng đến các vấn đề Trung Đông nhiều hơn so với 10 năm trước đây. “Đối với nhiều nước trong khu vực, sự hiện diện ngày càng lớn của Nga dường như ngày một quan trọng hơn để tạo sự cân bằng” - học giả người Thổ Nhĩ Kỳ Talha Kose viết trên tờ nhật báo Sabah. “Những động thái bất thường của chính quyền Mỹ, chẳng hạn, việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, sẽ chỉ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực và mở đường cho Nga”.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nghi án vũ khí hóa học tại Syria, Mỹ có một lần nữa nã tên lửa Tomahawk?
Nghi án vũ khí hóa học tại Syria, Mỹ có một lần nữa nã tên lửa Tomahawk?

Đúng một năm về trước, ngày 7/4/2017, quân đội Mỹ đã nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ Syria để trả đũa cho cái mà họ gọi là vụ tấn công hóa học ở Khan Shaykhun. Lần này, liệu một quyết định tương tự có được đưa ra với cáo buộc "tấn công vũ khí hóa học tại Douma", điều mà cả Damascus và Moskva đã bác bỏ và coi là cái cớ được để lật đổ chính quyền Tổng thống Assad.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN