Mong manh thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Philíppin và MILF - Kỳ I: Những mối đe dọa

Ngày 15/10, chính phủ Philíppin đã chính thức ký kết một thỏa thuận khung với nhóm phiến quân Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) nhằm chấm dứt xung đột kéo dài một thập kỷ qua bằng việc thành lập một khu tự trị được gọi là Bangsamoro nằm trên đảo Mindanao ở miền Nam Philíppin.

 

Tổng thống Philíppin Benigno Aquino (ngoài cùng bên phải) và các thủ lĩnh MILF tại lễ ký thỏa thuận khung.

 

Mặc dù dư luận cả trong và ngoài nước Philíppin đều rất kỳ vọng về triển vọng hòa bình của thỏa thuận vừa được ký, nhưng một loạt các vấn đề còn tồn tại vẫn đe dọa sự thành công lâu dài của văn kiện này.


Những yếu tố có thể phá hỏng thỏa thuận này gồm có nguy cơ tiềm ẩn từ các tay súng của MILF rời bỏ hàng ngũ lãnh đạo của tổ chức này và tiếp tục cuộc đấu tranh vũ trang của họ; nguy cơ từ nhóm vũ trang nổi dậy Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF) đang nổi lên, tổ chức cho rằng thỏa thuận trên có thể đe dọa thỏa thuận mà họ đã ký trước đó với chính phủ Philíppin, đồng thời đe dọa sẽ nối lại việc bắt cóc con tin; nguy cơ từ nhóm phiến quân Các tay súng tự do Hồi giáo Bangsamoro (BIFF), dưới sự điều hành của thủ lĩnh cực đoan Ameril Kato, đe dọa sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào người dân nếu thỏa thuận trên được thông qua; và nguy cơ từ Abu Sayyaf, tổ chức khủng bố có liên hệ với Al Qaeda, được cho là đã tiến hành một đợt tuyển mộ thành viên trên toàn cầu.


Thỏa thuận khung nói trên là kết quả của hơn 15 năm đàm phán và sẽ được thực thi bởi Hội đồng Chuyển tiếp gồm 15 thành viên. Chưa có một thời gian biểu cụ thể được công bố cho việc giải giáp vũ khí của MILF, nhóm phiến quân ước tính có tới 11.000 tay súng. Đáng chú ý, thỏa thuận trên đã không đáp ứng yêu cầu chủ chốt của MILF khi tổ chức này được thành lập, đó là thành lập một nhà nước Hồi giáo độc lập cho người Hồi giáo Moro thiểu số tại Mindanao. Chính MILF đã tách ra khỏi MNLF trong những năm 1970 khi MNLF từ bỏ yêu cầu thành lập một nhà nước độc lập và chấp nhận trở thành lập một khu bán tự trị.


Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 1989, khu tự trị này được biết đến với tên gọi Khu tự trị của người Hồi giáo ở Mindanao (ARMM), hiện bao gồm các khu vực Maguindanao và tỉnh Lanao del Sur thuộc Mindanao, Sulu và Tawi Tawi ở quần đảo Sulu. Khu tự trị Bangsamoro được thành lập theo thỏa thuận trên sẽ thay thế cho ARMM và sẽ bao gồm vùng lãnh thổ như khu tự trị ARMM hiện tại, có số dân khoảng 4 triệu người tại 6 thành phố ở Lanao del Norte, 6 thành phố tại Bắc Cotabato và các thành phố tại Cotabato và Isabela ở Basilan.


Tuy nhiên, phạm vi lãnh thổ mới sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với phần lãnh thổ theo thỏa thuận năm 2008, khi Chính phủ Philíppin và MILF dự định ký kết cái gọi là Bản Ghi nhớ về Lãnh thổ Tổ tiên (MOAAD). Tòa án Tối cao Philíppin coi MOAAD là vi hiến và vì vậy nó chưa bao giờ được thực thi. Vùng lãnh thổ theo bản ghi nhớ này còn bao gồm một khu vực rộng lớn Palawan và khu vực của đa phần người Thiên Chúa giáo tại Bắc Cotabato và thành phố Zamboanga City tại Mindanao.


Tổng thống Philíppin Benigno Aquino đã cam kết rằng các nhóm lợi ích chính trị đã phá hỏng MOAAD sẽ không thể gây ảnh hưởng đến việc thực thi thỏa thuận khung mới. Đối với ông Aquino, thỏa thuận sẽ củng cố cho sự vững chắc về pháp lý của ông không chỉ như một nhà cải cách mà còn như một nhà hòa giải. Thỏa thuận dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2016, năm cuối trong nhiệm kỳ sáu năm của ông. Ông Aquino cũng nhấn mạnh đến các lợi ích kinh tế mà thỏa thuận sẽ mang lại cho Mindanao khi ông nói rằng “những bàn tay đã tham gia cướp bóc sẽ được sử dụng để cày bừa đất đai, bán nông sản, đảm trách các công việc và mở ra cánh cửa của cơ hội”.


Thỏa thuận khung phần nào có thể chấp nhận đối với Manila bởi khu tự trị Bangsamoro sẽ không rộng lớn như khu tự trị theo thỏa thuận năm 2008 và các quyền lực chủ chốt đại diện cho chủ quyền tuyệt đối của một quốc gia như chính sách ngoại giao và quốc phòng vẫn do chính phủ Philíppin nắm giữ. Chính quyền tự trị tại Bangsamoro sẽ có các quyền bao gồm thu thuế và quyền được nâng cấp các tòa án Hồi giáo,” để xét xử riêng người Hồi giáo.


Một bản đánh giá tình báo của Mỹ được công bố năm 2011 ước tính rằng Mindanao có các mỏ khoáng sản với trữ lượng giá trị tới 1.000 tỷ USD, tuy nhiên các công ty chưa thể khai thác nguồn tài nguyên này do sự tồn tại của số lượng lớn các phiến quân trên hòn đảo. Các công ty từ Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Arập Xêút có trụ sở tại Vịnh Pécxích đã bày tỏ mong muốn được đầu tư vào ngành nông nghiệp tại Mindanao, tuy nhiên sau đó cũng đã phải rút lui vì những rủi ro chính trị.


Tiến Trung


Đón đọc kỳ 2: Cuộc tranh đấu của các lực lượng nổi dậy

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN