Mối lo bất bình đẳng vaccine khi các bệnh viện tư Thái Lan thu lợi từ việc tiêm chủng

Ông Boon Vanasin, Giám đốc chuỗi Bệnh viện Thonburi Healthcare Group của Thái Lan, vô cùng bận rộn với các cuộc đàm phán mua vaccine trong vài tháng qua.

Chú thích ảnh
Một y tá ở Bangkok chuẩn bị vaccine COVID-19 của hãng Sinovac Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, tập đoàn của ông Boon đang điều hành 8 bệnh viện tư trên cả nước, dự kiến đặt hàng càng nhiều vaccine COVID-19 càng sớm càng tốt. Giá mỗi liều vaccine vào khoảng 65 USD. Ông Boon đã nhận được một số đơn đặt hàng trước từ các công ty du lịch và doanh nghiệp sản xuất.

Chính phủ Thái Lan đã triển khai tiêm chủng vào tháng 2, với hai loại vaccine của Sinovac và AstraZeneca. Quốc gia này đặt mục tiêu tiêm chủng cho 33 triệu dân, chiếm gần một nửa dân số cả nước trong năm nay.

Tính đến ngày 9/3, khoảng 33.000 người từ 13 trong số 77 tỉnh của đất nước đã nhận được các mũi tiêm. Tất cả mũi tiêm này đều miễn phí. Tuy nhiên, đối với nhiều công ty - đặc biệt là những công ty trong lĩnh vực du lịch, “xương sống” của nền kinh tế Thái Lan – thì những nỗ lực này là không tương xứng.

“Một nửa dân số được tiêm chủng vào cuối năm nay là không đủ. Cần có khoảng 70 - 80% dân số được tiêm phòng để tạo miễn dịch cộng đồng nhằm đón khách du lịch. Ít nhất 16 triệu liều vaccine đang  có nhu cầu cao ở khoảng 20 tỉnh của Thái Lan”, ông Boon nói.

Ông Wichit Prakobkosol, Chủ tịch Hiệp hội các đại lý Du lịch Thái Lan, cho biết nhiều doanh nghiệp du lịch sẵn sàng trả tiền cho việc tiêm phòng COVID-19 vì đây là một lựa chọn tốt hơn so với “những liều vaccine miễn phí nhưng chậm trễ từ chính phủ”.

Du lịch chiếm khoảng 11% nền kinh tế Thái Lan. Số lượng du khách đến “xứ sở Chùa Phật ngọc” năm ngoái đã giảm 83%, với chỉ 6,7 triệu lượt khách nước ngoài, ít hơn nhiều so với mức kỷ lục 39,9 triệu khách vào năm 2019. Điều này gây ra tình trạng thất nghiệp, nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa trên diện rộng, góp phần gây ra sự suy thoái kinh tế sâu rộng nhất của quốc gia trong hơn 2 thập kỷ qua.

“Du lịch Thái Lan cần phải khởi động lại sớm nhất vào tháng 7,” ông Wichit nói. “Chính phủ nên công bố chính sách du lịch rõ ràng trước tháng 4 để các khách sạn, hãng hàng không có thể chuẩn bị mở cửa trở lại và người lao động có thể quay lại làm việc sau khi chuyển đi tìm việc ở nơi khác”.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul tiêm vaccine Sinovac hôm 28/2. Ảnh: Tân Hoa xã

Ông Boon đã có kế hoạch bán vaccine cho các khách hàng tư nhân, khi Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul tuần này cho phép các bệnh viện tư nhập khẩu vaccine COVID-19 và trực tiếp bán cho người dân Thái Lan, người nước ngoài, cũng như các doanh nghiệp muốn tiêm chủng cho nhân viên của họ.

Tuyên bố này báo hiệu sự thay đổi quan điểm của chính phủ đối với việc phân phối vaccine cho các bệnh viện tư nhân, sau khi một bệnh viện ở Bangkok hồi tháng 12 bị yêu cầu ngừng quảng cáo tiêm vaccine.

Quyết định này cũng đưa Thái Lan trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên cho phép khu vực tư nhân mua một loại hàng hóa công cộng, được hầu hết các chính phủ trên thế giới chấp thuận, để ưu tiên chủng ngừa cho nhân viên tuyến đầu, bệnh nhân có nguy cơ cao, như người già và những người sống trong viện dưỡng lão.

Tại các quốc gia ASEAN, việc mua bán vaccine đang diễn ra chậm chạp. Các công ty tư nhân đã phải tự mình giải quyết vấn đề này trong nỗ lực phục hồi hoạt động kinh tế.

Tại Philippines, các công ty tư nhân có thể mua vaccine cho nhân viên của mình. Các doanh nghiệp tư nhận Indonesia cũng được phép mua vaccine của nhà nước, được nhập khẩu từ hãng dược phẩm Sinopharm và Moderna, để tiêm chủng cho nhân viên của mình. Malaysia cho biết họ sẽ cân nhắc việc liên kết với khu vực tư nhân trong phân phối vaccine miễn phí, song song với chương trình tiêm chủng của chính phủ.

Trước đó, tại Thái Lan, các nhà chức trách cho biết các liều vaccine đầu tiên sẽ được phân phối hạn chế cho các nhân viên y tế tuyến đầu và người dân ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. 

Chú thích ảnh
Một người đàn ông ở Bangkok được tiêm vaccine COVID-19 của công ty Sinovac. Ảnh: Tân Hoa xã

Bộ trưởng Du lịch Pipat Ratchakitprakarn cho biết có tới 100.000 liều vaccine trong đợt tiêm chủng đầu tiên đã được tiêm cho nhân viên khách sạn ở các tỉnh có nhiều khách du lịch nước ngoài, bao gồm cả Chiang Mai và Phuket.

Song cuộc chạy đua tiêm chủng cho các nhân viên ngành du lịch đã vấp phải phản ứng dữ dội. Đầu tháng này, các nhóm nhân quyền đã chỉ trích nhiều doanh nghiệp địa phương ở Phuket về đề xuất tiêm phòng cho phần lớn người dân trưởng thành của tỉnh, khoảng 300.000 người, trước ngày 1/10. Đề xuất này được đưa ra với mong muốn có thể tiêm phòng nhanh chóng, kịp mùa du lịch chính, để khách nước ngoài được tiêm chủng có thể đến nghỉ dưỡng mà không cần cách ly.

Giám đốc Bệnh viện Giám đốc Bệnh viện Vachira Phuket, Chalermpong Sukontapol, người phụ trách phân phối vaccine Sinovac do chính phủ phân bổ, cho biết khoảng 2.000 nhân viên y tế sẽ được tiêm chủng trong tháng này và 24.000 nhân viên du lịch sẽ được tiêm vào tháng 5.

Trung tâm nghiên cứu kinh tế Kasikorn cho biết nếu 220.000 liều vaccine được tiêm ở 20 tỉnh du lịch trước tháng 10, Thái Lan có thể sẽ đón khoảng 2 triệu khách du lịch trong năm nay.

Quyết định ưu tiên tiêm chủng cho nhân viên ngành du lịch cũng bị chỉ trích bởi những đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm cả lao động nhập cư, những người vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận vaccine.

Bà Matcha Phorn-in, nhà hoạt động nhân quyền ở Chiang Mai, đã gửi kiến nghị lên Quốc hội vào năm ngoái nói về tác động không đồng đều của đại dịch với nhóm dân tộc thiểu số không nhận được viện trợ của chính phủ.

“Điều đó thật không công bằng. Thay vì ưu tiên những nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất, việc triển khai vaccine đang bỏ lại những cộng đồng thiệt thòi, như lao động nhập cư và người không quốc tịch”, bà nói.

Ông Kiat Ruxrungtham, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển vaccine tại Đại học Chulalongkorn, cho biết một khi các bệnh viện tư triển khai chiến dịch phân phối vaccine, sự chênh lệch về giá cả cũng sẽ tạo ra sự bất bình đẳng.

Ông cho biết chính phủ cần có trách nhiệm ưu tiên những nhóm dễ bị tổn thương được tiêm chủng trước và phải lập kế hoạch phân phối vaccine cho các bệnh viện tư nhân. 

Chú thích ảnh
Vaccine Sinovac của Trung Quốc được Thái Lan phân phối miễn phí tại các bệnh viện công. Ảnh: Nikkei.

Cho đến nay, Thái Lan đã phê duyệt hai loại vaccine COVID-19 của hãng Sinovac và AstraZeneca, trong khi vaccine của Johnson & Johnson và Bharat Biotech – vaccine tự sản xuất tại Ấn Độ - vẫn đang chờ phê duyệt.

Boon cho biết vaccine Sinovac có giá cao hơn so với các loại vaccine khác, do công nghệ vaccine bất hoạt, sử dụng virus sống để kích thích kháng thể.

Các gói phân phối vaccine của Thonburi Healthcare Group sẽ bao gồm hai mũi tiêm và kiểm tra sức khỏe trước và sau khi tiêm chủng.

Aat Pisanwanich, Phó Giáo sư Kinh tế tại Đại học Phòng Thương mại Thái Lan, cho biết giá thương mại của vaccine ở Thái Lan sẽ làm giảm khả năng tiếp cận do “những khó khăn kinh tế mà người Thái đang trải qua”.

Trong khi đó, áp lực từ các quy định của chính phủ và nguồn cung vacccine toàn cầu cũng có thể sẽ làm chậm kế hoạch của ông Boon. Ông hy vọng sẽ nhận được nguồn cung trong vòng vài tháng tới, hoặc “trước quý 3, khi hầu hết châu Âu và Mỹ sẽ tiêm chủng, vì sẽ có tình trạng dư thừa vaccine trên thị trường ”.

Ông cho biết, nếu điều đó xảy ra, ông sẽ xem xét lại mức giá đề xuất của mình là 65 USD cho mỗi liều vaccine.

Tính đến ngày 12/3, Thái Lan đã ghi nhận khoảng 26.598 trường hợp mắc COVID-19 và 85 trường hợp tử vong.

Hải Vân/Báo Tin tức
Thái Lan khởi động kế hoạch 'khu vực cách ly' dành cho du khách nước ngoài
Thái Lan khởi động kế hoạch 'khu vực cách ly' dành cho du khách nước ngoài

Chính phủ Thái Lan ngày 4/3 công bố kế hoạch "khu vực cách ly" để mở cửa quốc gia Đông Nam Á này cho khách du lịch nước ngoài từ tháng tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN