Mặt trái trong vai trò toàn cầu của đồng USD

Kể từ sau Thế Chiến II, đồng USD được sử dụng làm đồng tiền trung gian cho thanh toán bù trừ quốc tế giữa các ngân hàng và là đồng tiền dự trữ ngoại hối chính thức.


Ảnh minh họa.


Ngày nay, hầu hết các nền kinh tế đang phát triển, trừ một số quốc gia Đông Âu, vẫn chọn việc ổn định tỷ giá hối đoái với đồng USD làm cơ sở cho những dàn xếp kinh tế vĩ mô trong nước của họ. Trong khi đó, để tránh xung đột hối đoái, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thường đứng ngoài các thị trường tiền tệ.


Nhưng vai trò đồng tiền toàn cầu của USD bắt đầu suy giảm khi các thị trường đang nổi ngày càng thất vọng với chính sách lãi suất gần bằng 0% của FED, khiến các dòng vốn "nóng" rời khỏi Mỹ, các đồng nội tệ khác tăng giá và các nền kinh tế khác mất sức cạnh tranh quốc tế, trừ phi các ngân hàng bị ảnh hưởng can thiệp bằng cách mua USD.


Mạng tin Project Syndicate cho rằng, từ năm 2003, khi FED lần đầu tiên cắt giảm lãi suất xuống 1%, châm ngòi cho bong bóng nhà đất tại Mỹ, dự trữ USD tại các thị trường đang nổi đã tăng gấp 6 lần, đạt 7.000 tỷ USD vào năm 2011. Hậu quả là tỷ lệ lạm phát tại các thị trường đang nổi cao hơn của Mỹ và dẫn đến bong bóng giá hàng hóa toàn cầu, nhất là dầu mỏ và lương thực thực phẩm.


Nhưng Mỹ cũng không hài lòng với vai trò toàn cầu của đồng USD. Trong lúc các nước khác có thể chọn việc can thiệp để ổn định tỷ giá hối đoái của họ, thì Mỹ, để duy trì sự nhất quán trong việc thiết lập tỷ giá, không thể can thiệp và không có chính sách hối đoái riêng. Hơn nữa, Mỹ đang phản đối chính sách hối đoái của các nước khác. Hai thập niên trước, Mỹ đã thúc ép Nhật Bản cho phép đồng yên tăng giá so với đồng USD, khi tuyên bố chính sách hối đoái của Nhật Bản là không công bằng và gây ra thâm hụt thương mại song phương khổng lồ với Mỹ. Giờ đây, với tuyên bố tương tự, Mỹ đang thúc giục Trung Quốc để đồng NDT tăng giá nhanh hơn.

 

Hiện đang tồn tại một nghịch lý lớn: Mặc dù không ai thích sự chi phối toàn cầu của đồng USD, nhưng các chính phủ và khu vực tư nhân vẫn coi USD là sự lựa chọn tốt nhất.


Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Mỹ chủ yếu là hậu quả của sự tiết kiệm không đủ của chính phủ, chứ không liên quan đến tỷ giá hối đoái. Thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ thời Tổng thống Ronald Reagan đã dẫn đến thâm hụt tài chính và thâm hụt thương mại trong những năm 1980. Chính yếu tố này, chứ không phải đồng yên được định giá thấp, là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại ngày càng tăng với Nhật Bản trong những năm 1980 và 1990.


Tuyên bố của Mỹ rằng việc tăng tỷ giá hối đoái sẽ làm giảm thặng dư thương mại của một quốc gia là sai, bởi vì trong các nền kinh tế hội nhập toàn cầu, đầu tư trong nước sụt giảm khi tỷ giá hối đoái cao. Vì thế, việc chỉ trích Trung Quốc ghìm giá đồng NDT chỉ đánh lạc hướng sự chú ý khỏi thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ, lên tới 1.200 tỷ USD (7,7% tổng sản phẩm quốc nội) trong năm 2012, và do vậy cản trở những nỗ lực nhằm kiểm soát chi tiêu phúc lợi tương lai như lương hưu và chăm sóc y tế.


Một số người cho rằng, thâm hụt ngân sách lớn của Mỹ không có hại nếu nước Mỹ vẫn có thể "tài trợ" cho thâm hụt bằng việc bán trái phiếu chính phủ cho các ngân hàng trung ương nước ngoài với mức lãi suất gần bằng 0. Nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ với các nước công nghiệp hóa cao, nhất là tại châu Á, đang đẩy nhanh xu hướng phi công nghiệp hóa tại Mỹ. Mức thâm hụt thương mại của Mỹ trong khu vực chế tạo hiện gần bằng mức thâm hụt tài khoản vãng lai của họ.


Năm năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007 - 2008, thâm hụt ngân sách lớn và chính sách lãi suất gần bằng 0 vẫn không giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm tại Mỹ. Điều đó làm dấy lên làn sóng chỉ trích đối với vai trò toàn cầu của đồng USD, dẫn đến việc tìm kiếm một dàn xếp "mới". Nhưng dàn xếp mới tốt nhất và khả thi duy nhất vẫn là theo một công thức cũ: Mỹ nên ấn định một tỷ lệ lãi suất phù hợp và ổn định, với khoản tiết kiệm trong nước đủ để tạo ra thặng dư thương mại (nhỏ). Việc hợp tác với Trung Quốc, hiện là quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới và chủ nợ lớn nhất của Mỹ, là quan trọng để khuyến khích sự chuyển đổi này. Ngoài cuộc khủng hoảng đồng euro, tỷ giá hối đoái ổn định USD/NDT là chìa khóa để ổn định tỷ giá đồng USD tại châu Á và Mỹ Latinh.



Thanh Hoa

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN