Mặt trái của truyền thông xã hội thời kỹ thuật số

Báo "Bưu điện Hoa nam Buổi sáng" (Hồng Công, Trung Quốc) cho rằng, làn sóng bạo lực chống Mỹ đang lan rộng tại nhiều nước trên thế giới Arập chính là hậu quả và là mặt trái của truyền thông xã hội trong thời đại kỹ thuật số.


 

Làn sóng chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo hiện nay là một minh chứng về mặt trái của truyền thông xã hội thời kỹ thuật số.Ảnh: AFP/ TTXVN

 

Năm 2010, danh hiệu uy tín “Nhân vật của năm” do tạp chí "Time" bình chọn được trao cho Mark Zuckerberg, người sáng lập trang mạng xã hội Facebook nổi tiếng. Mark Zuckerberg là sự lựa chọn của các biên tập viên tạp chí "Time", mặc dù độc giả của tạp chí này chọn nhà báo Julian Assange - người sáng lập trang mạng WikiLeaks chuyên tiết lộ thông tin mật. Assange đã làm xói mòn hình ảnh của một số quốc gia trước công chúng bằng cách tạo ra một diễn đàn cho các cá nhân ẩn danh nêu ra những điểm yếu của các chính phủ.


Năm 2011, Mohammed Bouazizi - một người dân Tuynidi tự thiêu để phản đối một vụ tham nhũng - đã trở thành một ngọn đuốc sống theo đúng nghĩa đen, soi sáng làn sóng "Mùa xuân Arập". Cái chết của Bouazizi được nhiều người cầm điện thoại di động ghi lại. Những đoạn video đó đã khơi mào cho các cuộc nổi dậy.


Theo đánh giá của tạp chí "Time", Facebook giờ đây là thế giới thứ ba trên Trái đất. Năm nay, Nakoula Basseley Nakoul có thể được tạp chí "Time" lựa chọn cho danh hiệu “Nhân vật của năm”. Tuần trước, Nakoula Basseley Nakoul vẫn là một nhà làm phim vô danh, nhưng sau đó đã thổi bùng lên làn sóng chống Mỹ ở Trung Đông bằng một video clip về một bộ phim phỉ báng đạo Hồi được sản xuất ở Mỹ. Nakoula hay còn gọi là Sam Bacile, hiện vẫn đang lẩn trốn, hoặc trên thực tế chỉ là một nhân vật hư cấu. Các bằng chứng giờ đây cho thấy anh ta là một người Ai Cập theo đạo Cơ Đốc Giáo, một người có sự thù hận đối với Đạo Hồi.


Trong thời đại toàn cầu, dường như không chỉ các nhà độc tài hoặc những người nắm quyền mới có thể tiến hành các cuộc tấn công, gây ra những biến cố lịch sử, mà một người bán hoa quả hay các nhà làm phim bình thường cũng có khả năng làm như vậy. Thậm chí, tổ chức khủng bố quốc tế Al Qaeda, với các kế hoạch và chương trình cụ thể, cũng không đạt được những gì mà bộ phim và đoạn quảng cáo dài 14 phút trên YouTube đã đạt được.


Trên một trang blog của báo “Boston Globe,” một người bạn của cố Đại sứ Mỹ tại Libi Christopher Stevens đặt câu hỏi: "Làm sao mà Christopher Stevens lại chết vì một clip trên YouTube?" Câu trả lời rất đơn giản: Tại sao lại không, trong một thời đại thông tin như hiện nay?


Điều đáng chú ý là chỉ trong vòng một ngày sau cái chết của những người Mỹ ở Libi, Apple đã cho ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh iPhone5. Thông qua thế giới kỹ thuật số, con người có thể xóa bỏ những khoảng cách về địa lý. Những ca sĩ vô danh có thể trở nên nổi tiếng chỉ qua một đêm nhờ một video trên YouTube. Những người căm ghét Mỹ có thể đặt dấu chấm hết cho các phái bộ ngoại giao Mỹ ở bất kỳ đâu vào thời điểm họ dễ bị tổn thương nhất.


Các quốc gia đang choáng váng bởi khả năng của truyền thông xã hội trong việc làm thay đổi nhanh chóng các sự kiện trên thế giới. Với truyền thông xã hội, nhấn nút các hành động nguy hiểm giờ đây đã nằm trong tầm tay của bất kỳ ai có đủ 199 USD để mua chiếc iPhone đời mới nhất.

 

Tiến Trung

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN