Theo Reuters, virus SARS-CoV-2 vốn chỉ hoành hành ở miền bắc Italy hồi mùa xuân trong làn sóng thứ nhất nay đang lây lan mạnh ở miền nam nghèo khó, làm quá tải hệ thống y tế công cộng mong manh.
Ông Cappiello, quan chức hàng đầu thuộc nghiệp đoàn bác sĩ quốc gia ANAAO-ASSOMED, nói: “Dù nỗ lực nhưng không thể giúp họ như chúng tôi muốn. Chúng tôi chỉ nhanh chóng tập trung vào những ca nặng nhất”.
Campania là khu vực đông dân ở quanh thành phố Naples, chỉ có 430 ca tử vong vì COVID-19 tính tới 15/6. Tổng số ca tử vong giờ tăng lên trên 2.300 trong bối cảnh tổng ca tử vong của toàn Italy đã vượt Anh, khiến nước này trở thành nơi có nhiều người chết vì COVID-19 nhất châu Âu.
Italy là quốc gia phương Tây đầu tiên bị COVID-19 hoành hành hồi tháng 3. Nước này đã được ca ngợi vì kiểm soát được dịch bệnh vào mùa hè.
Giờ đây, một câu hỏi lại được đặt ra: Tại sao số người chết ở Italy lại nhiều hơn các nước châu Âu khác?
Một số giải thích thường là Italy có dân số già; người trẻ thường sống cùng người già và phát tán virus cho họ; hệ thống y tế không được đầu tư; thiếu sẵn sàng và tổ chức.
Bác sĩ Cappiello cho biết trong mùa hè, khi số ca bệnh hàng ngày thấp, họ không thể tuyển thêm nhân viên và không có kế hoạch tái tổ chức.
Theo dữ liệu của Worldometers.info, Italy đã có trên 1,8 triệu ca bệnh, trong đó 65.857 người tử vong. Trong khi đó, Anh có 64.908 ca tử vong, Pháp có 59.072 ca tử vong, Tây Ban Nha có 48.401 ca tử vong. Đây là ba quốc gia cũng bị COVID-19 hoành hành dữ dội.
Tính trên đầu người, Italy xếp thứ 37 thế giới về số ca mắc nhưng xếp thứ tư về số ca tử vong với tỷ lệ 1.076 ca tử vong/1 triệu người. Ở Anh, con số này là 943. Ở Pháp là 886 và ở Mỹ là 924.
Quốc gia Liên minh châu Âu duy nhất có tỷ lệ tử vong theo đầu người cao hơn Italy là Bỉ.
Các nước đếm số ca tử vong vì COVID-19 hơi khác nhau và các chuyên gia y tế cho rằng không nên vội vã kết luận, cần phải đợi có số liệu tử vong của cả năm mới biết rõ ràng.
Tuy nhiên, các quan chức thừa nhận Italy bị tác động nặng nề hơn hầu hết quốc gia và chủ yếu nguyên nhân là do Italy có nhiều công dân cao tuổi, đặc biệt dễ bị tổn thương.
Theo dữ liệu của Eurostat năm 2019, Italy có dân số già nhất châu Âu với tỷ lệ 22,8% người dân trên 65 tuổi. Italy cũng là một trong những nước có tuổi thọ cao nhất thế giới: 83 tuổi.
Theo các bác sĩ, dù người Italy sống thọ hơn nhưng họ lại không khỏe mạnh. Báo cáo năm 2017 của hiệp hội y tế Osservatorio Nazionale cho biết 71% người trên 65 tuổi mắc ít nhất hai bệnh lý nền. Gần một nửa trong nhóm tuổi này phải uống ít nhất 5 loại thuốc hàng ngày.
Bộ trưởng Y tế Roberto Sperzanza cho biết Italy đang trả giá rất, rất đắt vì có nhiều người già mắc bệnh lý nền.
Làn sóng dịch bệnh thứ nhất, khiến 35.000 người chết, chủ yếu tập trung ở miền bắc, khiến các khoa cấp cứu nhanh chóng quá tải. Tình trạng quá tải đã đẩy số ca tử vong lên cao do bác sĩ buộc phải quyết định chữa trị cho ai, bỏ mặc ai.
Các bác sĩ hy vọng với những gì họ học được sau đợt dịch thứ nhất, họ sẽ có thể giảm mạnh số ca tử vong khi có đợt dịch mới xảy ra. Nhưng khi làn sóng thứ hai quét qua, ông Stefano Centani, Giáo sư bệnh hô hấp tại Đại học Milan, cho biết biết tỷ lệ tử vong vẫn tăng.
Theo ông, tình trạng thiếu ngân sách kéo dài của ngành y tế công cộng có thể là một nguyên nhân. Cách đây hơn 10 năm, ngân sách dành cho y tế đã bị cắt giảm để kiềm chế nợ quốc gia đang phình to. Italy đang trả giá vì liên tục cắt giảm nguồn lực y tế. Khi đại dịch này bùng phát, tất cả vấn đề của Italy bị phơi bày.
Ngoài ra, ông Centani nói: “Vấn đề lớn nhất là thiếu bác sĩ. Ta có thể mua khẩu trang, máy thở, quần áo bảo hộ trên thị trường quốc tế nhưng không thể mua bác sĩ, y tá, nhân sự”.