Châu Âu đã phải đối mặt với tình trạng thắt chặt nguồn cung năng lượng trong năm nay khi Nga cắt dòng khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Giá khí đốt tại châu lục từng vọt lên mức cao kỷ lục vào tháng 8 vừa qua. Hôm 22/8, giá khí đốt hợp đồng tương lai giao tháng 9tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan tăng 14,6%, đứng ở mức 280,24 euro/ megawatt giờ (MWh). Trong khi cùng thời điểm đó vào năm ngoái, khí đốt được giao dịch dưới 27 euro/MWh.
Nhưng tại sao giá khí đốt gần đây lại đang lao dốc?
Theo hãng tin Reuters, bất chấp nguồn cung từ đường ống dẫn khí đốt của Nga đang cạn kiệt, giá khí đốt chuẩn châu Âu trong tháng trước của Hà Lan đã giảm 67% so với thời điểm đạt mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 8, xuống khoảng 100 euro / MWh và ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6. Mức giá này chỉ cao hơn 12,6% so với cùng thời điểm vào năm ngoái.
Mặc dù mùa tiêu thụ khí đốt Đông bắt đầu vào đầu tháng 10, khi nhu cầu sưởi ấm thường tăng cao, châu Âu lại đang trải qua thời tiết ôn hòa hơn bình thường trong năm, điều này đã giúp giảm nhu cầu.
Liên minh châu Âu nhìn chung cũng đạt được mục tiêu nạp đầy các địa điểm dự trữ khí đốt lên 80% trước kế hoạch cuối vào 1/11. Dữ liệu Cơ sở hạ tầng Khí đốt châu Âu (Gas Infrastructure Europe) cho thấy các kho chứa tại châu lục hiện đã đầy 93%, so với mức 77% vào cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nguồn cung qua đường ống của Na Uy tăng mạnh. Tính đến tuần trước, nhập khẩu LNG vào châu Âu đạt tổng cộng 2,81 triệu tấn, theo Nikoline Bromander, một nhà phân tích tại công ty tư vấn Rystad Energy.
Thêm vào đó, sản lượng điện gió đạt mức khá cao, làm giảm nhu cầu về khí đốt từ các nhà máy điện. Ngoài ra, thỏa thuận hợp tác giữa các nước EU về giảm giá và tiêu dùng năng lượng cũng góp phần đẩy giá khí đốt giảm.
Theo các nhà phân tích, cuộc tranh luận của EU về các biện pháp kiềm chế chi phí nhiên liệu cũng đã gây áp lực lên giá. Trong số này phải kể đến cuộc tranh luận của các thành viên về áp đặt trần giá trên toàn EU và hạn chế biến động giá khí đốt trong ngày.
Mức giá khí đốt thấp liệu có bền vững?
Câu trả lời phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết, ảnh hưởng tới nhu cầu, và một số yếu tố bất thường khác.
Các dự báo cho thấy châu Âu sẽ tiếp tục duy trì nền nhiệt độ ôn hòa =trong 2 tuần tới. Điều này sẽ làm chậm tốc độ rút khí đốt từ kho dự trữ.
Các dự báo dài hạn cho thấy phần lớn châu Âu sẽ có nhiệt độ ôn hòa hơn bình thường trong mùa Đông năm nay.
Sự khác biệt giữa mùa Đông lạnh khắc nghiệt và ôn hòa là khoảng 25 tỷ mét khối (bcm) khí đốt, tương đương 7-8% tổng nhu cầu khí đốt của EU – theo chuyên gia Bromander.
Tuy vậy các nhà phân tích đã cảnh báo châu Âu không thể chủ quan. “Sự cám dỗ ở châu Âu sẽ là thở phào nhẹ nhõm, thừa nhận những nỗ lực làm việc và những quyết định khó khăn về cung và cầu đã được thực hiện”, ông Bromander nói.
Chuyên gia này cảnh báo, các yếu tố như nhu cầu cao hơn với LNG từ châu Á nếu lục địa này trải qua một mùa đông lạnh giá, cộng với bất kỳ sự chậm trễ nào gây ngừng cung cấp LNG hoặc sự cố mất điện lớn ở các cơ sở hạ tầng khí đốt, đều có thể ảnh hưởng đến giá cả.
Một số tàu chở LNG đang phải lượn vòng bên ngoài bờ biển Tây Ban Nha mà chưa thể dỡ hàng, cũng cho thấy châu Âu còn thiếu năng lực tiếp nhận khí hóa lỏng.
Ông Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại ICIS, cho biết: "Chúng ta liệu đã ra khỏi khó khăn? Hoàn toàn không. Lúc này thời tiết ôn hòa, nhưng một đợt lạnh kéo dài có thể đẩy giá lên cao tới cuối mùa đông, thậm chí mùa đông của năm tới”.
Giá bán lẻ năng lượng tới hộ gia đình và nhà máy có giảm?
Giá bán buôn thấp hơn không ngay lập tức chuyển thành giá bán lẻ thấp hơn cho người tiêu dùng.
Các nhà cung cấp năng lượng thường phòng ngừa hoặc mua trước nguồn điện họ cần cho khách hàng, thường là khoảng sáu tháng trước, nghĩa là thị trường bán buôn tăng hay giảm cần thời gian trễ trước khi có thay đổi tới hóa đơn thanh toán của người dân.
Để đối phó với giá năng lượng cao, một số ngành công nghiệp phụ thuộc vào khí đốt làm nguyên liệu thô như phân bón, gốm sứ, thủy tinh và xi măng, đã giảm sản lượng trong năm nay.
Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu ING Research cho biết: “Rủi ro với việc bán tháo trên thị trường khí đốt châu Âu là tiềm năng khiến nhu cầu bắt đầu tăng lên”. Họ cho biết thêm rằng điều này sẽ khiến châu Âu ngày càng khó xây dựng lại mức dự trữ trong năm tới trước mùa Đông 2023-2024.