Lời cam kết dang dở với châu Phi

Thực tế sau hơn hai năm triển khai, sáng kiến Compact with Africa (CwA - tạm dịch: Sát cánh cùng châu Phi) vẫn là một sáng kiến dang dở. 

Hai năm trước, trong nhiệm kỳ Đức giữ vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20), Thủ tướng Angela Merkel đã chọn châu Phi là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự, và khởi động sáng kiến Compact with Africa (CwA, tạm dịch: Sát cánh cùng châu Phi) với kỳ vọng thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư đến với thị trường châu Phi. Nhưng thực tế sau hơn hai năm triển khai, CwA vẫn là một sáng kiến dang dở. 

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 17/10/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Với bà Merkel, CwA là một sáng kiến “hai bên cùng thắng”: Các nhà đầu tư Đức có cơ hội khai phá một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng, trong khi châu Phi kỳ vọng nhận được nguồn đầu tư khổng lồ thông qua việc cải cách kinh tế nhằm giải quyết bài toán phát triển và qua đó, giải quyết các vấn đề xã hội. Khi mới ra đời vào năm 2017, sáng kiến CwA nhận được sự quan tâm khá lớn từ giới chính trị cũng như các nhà đầu tư Đức. Tuy nhiên, sự phấn khích đó ngày càng giảm theo thời gian, khi thực tế dần phơi bày những khó khăn không dễ vượt qua.

Cứ mỗi năm một lần, lãnh đạo Chính phủ Đức cùng 12 quốc gia châu Phi tham gia sáng kiến CwA gồm Benin, Burkina Faso, Cote d'Ivoire, Ghana, Guinea, Ai Cập, Ethiopia, Maroc, Rwanda, Senegal, Togo và Tunisia lại gặp nhau ở Berlin để thảo luận các kế hoạch khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân của Đức chảy vào châu Phi. Hội nghị CwA năm 2019 diễn ra ngày 19/11 tiếp tục tập trung vào mục tiêu này, như một cách để cứu vãn “Kế hoạch Merkel”, giống ví von của Tổng thống  Cote d'Ivoire Alassane Ouattara khi nói về sáng kiến CwA.

Trong bài phát biểu khai mạc CwA lần thứ ba, Thủ tướng Đức Merkel một lần nữa nhấn mạnh châu Phi "đóng một vai trò quan trọng" và "mang lại nhiều cơ hội hơn là rủi ro“. Bà Merkel cho biết đã đến thăm gần một nửa trong số 54 quốc gia châu Phi, và tin chắc rằng việc thúc đẩy đầu tư tư nhân từ nền kinh tế số một ở châu Âu sẽ giúp châu Phi tự đứng vững trên đôi chân của mình. Trong mắt bà Merkel, châu Phi là một "miền đất hứa" với các nhà đầu tư Đức.

Tuy nhiên, trái ngược với lời kêu gọi của bà Merkel, giới đầu tư tư nhân ở Đức vẫn tỏ ra hết sức thận trọng với châu Phi. Điều mà các nhà đầu tư quan tâm, đó là cần sự đảm bảo tốt hơn, an toàn hơn cho khoản tiền rót vào châu lục này.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ARD trước thời điểm khai mạc CwA 2019, bà Merkel thừa nhận châu Phi cần phải cải thiện môi trường chính trị và nâng cao sự minh bạch, một cách nói thể hiện lo ngại trước vấn đề tham nhũng có thể ngăn cản các nhà đầu tư Đức đến với châu Phi.

CwA đã thúc đẩy một số dự án tiên phong của các công ty Đức tại châu Phi. Tuy nhiên, thực tế lại không giống như mong đợi. Từ năm 2017, thời điểm khởi đầu của CwA, cho đến năm 2018, đầu tư của Đức tại châu Phi chỉ tăng vỏn vẹn 19 triệu euro, thấp hơn cả mức của năm 2016, thời điểm CwA còn chưa ra đời. Đặc biệt hơn, 80% số tiền này chỉ tập trung vào 4 quốc gia là Ai Cập, Maroc, Ethiopia và Ghana.

Bản thân các quốc gia châu Phi tham gia sáng kiến CwA cũng được đánh giá là đã chấp nhận thay đổi, tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi hơn, nhưng giờ đây chính họ lại cảm thấy thất vọng khi dòng vốn đầu tư không chảy vào châu Phi như mong đợi.

Số liệu dự báo thị trường lao động châu Phi sẽ đạt con số 440 triệu người vào năm 2030, một con số khổng lồ. Tuy nhiên, cho đến giờ không ai biết những người này sẽ kiếm sống bằng cách nào, khi các dự án tạo ra công ăn việc làm vẫn thất bại, hoặc "giậm chân tại chỗ".

Đánh giá về CwA, Đại sứ Ethiopia tại Đức Mulu Solomon Bezuneh tuyên bố : "Đã có những tiến triển tốt, nhưng các khoản đầu tư trong 2 năm qua vẫn chưa đủ. Chương trình có vẻ hợp lý, nhưng so với nỗ lực và mong đợi của chúng tôi, phản hồi thực tế là quá thấp".

Ở một góc độ khác, các nhà làm chính sách kêu gọi sự kiên nhẫn, bởi nhiều dự án đầu tư có thể kéo dài hàng chục năm, và kết quả không thể có được trong một sớm, một chiều. Và để thúc đẩy CwA, cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ cả hai phía: Các quốc gia châu Phi cần trình bày những dự án hiệu quả hơn với các nhà đầu tư, và các nước G20 cần tích cực thúc đẩy cam kết với châu Phi thông qua các công ty tư nhân.

Tại sự kiện CwA năm 2018 cũng ở Berlin, Thủ tướng Đức đã công bố một quỹ lên tới một tỷ euro nhằm hỗ trợ các công ty cả của Đức và châu Phi. Các bộ Kinh tế và Năng lượng, bộ Phát triển của Đức cũng đưa ra các chương trình hợp tác với châu Phi.

Tuy nhiên, các công ty Đức thì vẫn tìm kiếm cơ hội... ở nơi khác. Thống kê cho thấy chỉ khoảng 800 công ty có vốn của Đức đang hoạt động tại châu Phi, so với hàng trăm nghìn công ty Đức đang vươn ra khắp thế giới. Một nghiên cứu của Viện Allensbach cho thấy chỉ khoảng 5% công ty của Đức có kế hoạch kinh doanh tại châu Phi trong tương lai.

Một khảo sát khác cho thấy quyết định của các nhà đầu tư Đức đổ tiền vào châu Phi không liên quan đến việc nơi đầu tư có phải là thành viên của sáng kiến CwA hay không. Điều quan trọng là các nhà đầu tư tìm được thị trường thực sự phù hợp với sản phẩm và dịch vụ, bên cạnh nguồn nguyên liệu, điều kiện sản xuất và nguồn nhân lực phù hợp. Điều này cũng có nghĩa là việc CwA chỉ nhắm đến 12 trong tổng số 54 quốc gia châu Phi là chưa đủ, hoặc mang nhiều toan tính chính trị hơn là một kế hoạch thúc đẩy đầu tư đúng nghĩa.

Các ngân hàng Đức hầu như từ chối việc hỗ trợ tín dụng cho các công ty trong lĩnh vực năng lượng và vận tải ở châu Phi vì lý do "rủi ro là quá cao", như lời ông Stefan Liebing, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại châu Phi.

Các công ty Đức nhận được ít sự hỗ trợ hơn so với các doanh nghiệp Trung Quốc, Ấn Độ hay Pháp đang hoạt động ở châu Phi, khiến họ không mấy mặn mà với sáng kiến CwA nói riêng, và hoạt động ở châu Phi nói chung.

CwA cũng được cho là dành sự quan tâm quá lớn đến vấn đề tự do hóa nền kinh tế ở châu Phi, như là một trong những điều kiện tiên quyết, trong khi không xem xét một cách đầy đủ các yếu tố phát triển bền vững. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững ở châu Phi, tạo ra nhiều công ăn việc làm và môi trường lao động cũng như xã hội tốt, sẽ giữ chân những người trẻ châu Phi ở lại.

Điều này giúp giải quyết tận gốc vấn đề di cư bất hợp pháp, vốn đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn ở châu Âu từ cuối năm 2015 cho đến nay. Ở góc độ này, bà Merkel nhận được sự chia sẻ của nhiều nhà lãnh đạo khác tại châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Italy Giuseppe Conte.

Bà Merkel đã dành sự tập trung vào châu Phi khi đang trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ ba, và thậm chí đã khởi động sáng kiến CwA khi chưa bước vào nhiệm kỳ thứ tư. Nhưng cho đến nay, hơn một nửa nhiệm kỳ cuối cùng trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel đã trôi qua, lời cam kết hợp tác và phát triển với châu Phi của bà vẫn còn dang dở.

Chỉ bằng cách thúc đẩy một cách mạnh mẽ, thông qua việc khơi nguồn từ cả hai phía châu Phi và Đức, bà Merkel mới có hy vọng cứu vãn sáng kiến CwA, mở ra một tương lai mới cho các doanh nghiệp Đức ở châu Phi, nơi được coi là tâm điểm của thế giới trong tương lai không xa.

Phạm Thắng (Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức)
Các nước châu Phi nới lỏng quy định cấp thị thực
Các nước châu Phi nới lỏng quy định cấp thị thực

Những nỗ lực nới lỏng quy định về việc cấp thị thực (visa) trong thời gian qua của các nước châu Phi đã tạo điều kiện cho công dân châu lục này có thể di chuyển đến 27 quốc gia trong khu vực mà không cần thị thực hoặc nhận thị thực ngay tại cửa khẩu điểm đến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN