Tỷ lệ tử vong tại nước này cũng ở mức cao nhất châu Á, ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, những biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh chưa cứng rắn của chính phủ đang làm dấy lên lo ngại Indonesia có thể trở thành "Italy của Đông Nam Á" trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) này.
Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc), thủ đô Jakarta – khu vực chiếm đến 2/3 số ca mắc bệnh của cả nước – đang diễn ra tình trạng người trẻ tuổi vẫn cố tình tụ tập trên đường phố, tại các quán cà phê, nhà hàng, bất chấp yêu cầu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo hôm 7/4.
Theo đó, Indonesia đã cấm các cuộc tụ họp trên 5 người, giới hạn số lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng và tạm dừng hoạt động tại nhiều địa điểm công cộng. Tuy nhiên, việc thiếu quyết liệt trong các biện pháp này đang đe doạ đến sự an toàn của người dân với nguy cơ xảy ra hậu quả thảm khốc.
Theo các nhà phân tích, tình hình dịch bệnh tại Indonesia lúc này giống như một bức tranh đau thương về những gì đã xảy ra ở Italy được phác lại – nơi mọi người vẫn tiếp xúc xã hội, tụ tập tại các quán cà phê, câu lạc bộ vào tháng 2 – khi virus SARS-CoV-2 đã âm thầm “càn quét” khu vực phía Bắc quốc gia châu Âu này.
Đến tháng 3, số người mắc bệnh tại Italy đã tăng nhanh đột biến. Tính đến ngày 17/4, nước này đã ghi nhận 168.941 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 với trên 22.000 người thiệt mạng. Con số này đưa Italy trở thành quốc gia có số người tử vong cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ.
Các chuyên gia mô hình hoá dịch bệnh tại Indonesia đang cảnh báo nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang đi theo con đường tương tự Italy, khi quốc gia này không nhanh chóng đưa ra các biện pháp cách ly những khu vực bị ảnh hưởng và hạn chế đi lại của người dân, thậm chí còn trở thành điểm bùng phát nguy hiểm hơn.
Ông Wiku Adisasmito, cố vấn chính phủ về vấn đề dịch COVID-19 cảnh báo hôm 16/4, virus SARS-CoV-2 có thể lây lan cho 95.000 người trong khoảng đầu tháng 5 đến tháng 6.
Một mô hình khác của Khoa Y tế Công cộng thuộc Đại học Indonesia cũng cảnh báo rằng có thể có trên 140.000 người chết và 1.5 triệu trường hợp nhiễm virus trên khắp đất nước vào tháng 5, nếu chính phủ không hành động quyết liệt hơn.
“Indonesia có thể trở thành một Italy khác nếu chính phủ chỉ đưa ra các biện pháp phòng dịch ở mức nhẹ đến trung bình và không can thiệp quy mô lớn”, chuyên gia thống kê sinh học Iwan Ariawan thuộc Đại học Indonesia, cho biết.
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của nhiều chuyên gia y tế ở cả Indonesia và Italy. Tính đến ngày 13/4, tại quốc gia Đông Nam Á, ít nhất 22 bác sĩ, 10 y tá và 6 nha sĩ đã qua đời vì dịch COVID-19. Trong khi đó, Itlay cũng ghi nhận trên 100 bác sĩ thiệt mạng vì nhiễm virus SARS-CoV-2.
“Thay vì sử dụng thuật ngữ 'Italy tiếp theo', tôi muốn dùng ‘Indonesia có thể có nhiều trường hợp mắc COVID-19 hơn Italy’”, Ông Muhammad Habib Abiyan Dzakwan, một nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.
Ông Habib nhấn mạnh rằng Indonesia có dân số đông hơn nhiều so với quốc gia châu Âu, điều này khiến số lượng người nhiễm virus có thể sẽ cao hơn rất nhiều.
Các nhà khoa học Indonesia cũng cảnh báo số lượng người mắc bệnh thực tế tại Indonesia cao hơn gấp 10 lần số liệu được công bố vì tỷ lệ xét nghiệm tại quốc gia 270 triệu dân này rất thấp. Cho đến nay, mới có trên 36.000 người được xét nghiệm – chỉ chiếm 0,01% dân số. Chính phủ Indonesia cũng đang tăng cường xét nghiệm cho 10.000 người mỗi ngày.
“Chắc chắn số lượng người mắc COVID-19 còn cao hơn rất nhiều, 85% những người mắc COVID-19 không có triệu chứng và họ chưa được phát hiện bệnh với hệ thống xét nghiệm giới hạn hiện tại. Những người có triệu chứng hoặc có lịch sử tiếp xúc với người dương tính với virus SARS-CoV-2 mới được ưu tiên xét nghiệm”, ông Iwan nói.
Ông Habib thuộc CSIS cho rằng nhiều người dân Indonesia không thực hiện giãn cách xã hội vì không có biện pháp trừng phạt nào đối với những người vi phạm quy định phòng dịch. Mọi người vẫn tụ tập cầu nguyện trong các nhà thờ. Điều này sẽ làm gia tăng số lượng người mắc bệnh như tại Hàn Quốc, nơi có nhiều người bị nhiễm virus từ các cuộc tụ họp tôn giáo.
Mối quan tâm cấp bách nhất là sự lây lan nhanh chóng của các ca nhiễm bệnh từ các khu vực đô thị xung quanh thủ đô Jakarta – nơi sinh sống của 30 triệu người – ra các tỉnh khác của Indonesia. Chính quyền Tổng thống Widodo đã không ban bố lệnh cấm người dân di chuyển về các tỉnh, ông chỉ “yêu cầu người dân không nên di chuyển”.
“Thách thức lớn nhất của giãn cách xã hội quy mô lớn đó chính là lễ ‘mudik’ – cuộc di cư khổng lồ từ Jarkata trở về quê hương vào cuối tháng Ramadan của người Hồi giáo. Hiện tại, chính phủ vẫn chưa đưa ra biện pháp giới hạn nào”, ông Iwan cho biết.
Trước tình hình này, một số thống đốc tỉnh đã yêu cầu người dân ở lại Jakarta. Người đứng người đứng đầu Hiệp hội Giao thông Indonesia, ông Agus Taufik Mulyono, hôm 14/4 cho biết có trên 900.000 người đã quay trở lại các tỉnh và bày tỏ lo ngại họ có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng.
Đại học Indonesia ước tính số người cần điều trị tại bệnh viện trên đảo Java sẽ gia tăng trên 1 triệu người vào 1/7 khi mọi người thực hiện lễ “mudik”. Năm ngoái, khoảng 19,5 triệu người đã tham gia lễ mudik.
“Số người chết cũng sẽ tăng lên khi nước này phải phân bổ trang thiết bị đồng đều cho các bệnh viện để điều trị các bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng, chủ yếu ở Jakarta”, ông Iwan nói.
Theo kịch bản tồi tệ nhất, dịch COVID-19 có thể đẩy 3,78 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói với khoảng 5,2 triệu người thất nghiệp. Với tình trạng này, Indonesia sẽ rơi vào tình trạng suy thoái, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati nhận định.
“Chính phủ nên đi trước một bước khi một số địa phương không hiện tại không có các bệnh viện được trang bị hiện đại và không có nguồn nhân lực dồi dào”, ông Habib, nói.