Lịch sử hình thành điều luật tự do ngôn luận internet mà Tổng thống Trump muốn bỏ

Ít người biết về Mục 230 trong Đạo luật Điều tiết Truyền thông nhưng đây là xương sống pháp lý hình thành internet. 

Theo tờ Vox, đạo luật trên ra đời cách đây gần 30 năm để bảo vệ các nền tảng internet khỏi trách nhiệm pháp lý với những điều mà bên thứ ba nói hoặc làm trên các nền tảng này. Sau khi bị Twitter gắn nhãn cảnh báo với dòng tweet của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra sắc lệnh hành pháp nhằm thay đổi Mục 230. Ông cho rằng các nền tảng mạng xã hội như Twitter kiểm duyệt bất công phát ngôn của ông cũng như những tiếng nói bảo thủ khác.

Mục 230 nói rằng các nền tảng internet chứa nội dung của bên thứ ba, như các dòng tweet trên Twitter, bài đăng trên Facebook, ảnh trên Instagram… không phải chịu trách nhiệm về những gì mà bên thứ ba đưa lên (trừ số ít ngoại lệ). Nếu ai đăng điều gì đó xúc phạm người khác trên Facebook, người bị xúc phạm chỉ có thể kiện người đăng, không thể kiện Facebook.

Nếu luật này bị loại bỏ, nhiều trang web dựa vào nội dung do người dùng tạo ra có thể sẽ không còn tồn tại.

Nguồn gốc liên quan khiêu dâm

Đầu những năm 1990, internet vẫn tương đối non trẻ và chưa được quản lý. Có rất nhiều thứ khiêu dâm trôi nổi trên các nền tảng như AOL và World Wide Web – nơi mà bất kỳ ai, kể cả trẻ em, đều có thể nhìn thấy. Tình trạng này khiến một số nhà lập pháp lo lắng. Nhằm quản lý vấn đề, năm 1995, các nghị sĩ trình một dự luật lưỡng đảng có tên Đạo luật Điều tiết Truyền thông (Communications Decency Act). Luật này yêu cầu các trang web và nền tảng chịu trách nhiệm về bất kỳ điều gì không phù hợp mà người dùng đăng lên.

Trong bối cảnh đó, xảy ra vụ kiện giữa hai công ty tên là Stratton Oakmont (công ty xuất hiện trong phim Sói già Phố Wall) và Prodigy (công ty tiên phong về internet thời kỳ đầu). Năm 1995, Stratton Oakmont đã kiện Prodigy tội phỉ báng sau khi một người dùng nặc danh nói trên bảng tin của Prodigy rằng Chủ tịch Stratton Oakmont có hành vi gian lận.  

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh về mạng xã hội. Ảnh: AFP/TTXVN

Tòa án Tối cao New York phán quyết rằng Prodigy là đơn vị xuất bản và do đó chịu trách nhiệm pháp lý vì công ty này thực hiện kiểm soát biên tập bằng cách điều hòa một số bài đăng và thiết lập hướng dẫn về nội dung bị cấm. Nếu Prodigy không điều tiết nội dung, công ty này lẽ ra đã được trao quyền bảo vệ tự do ngôn luận như một số đơn vị phân phối nội dung như nhà sách, sạp báo.

Sợ rằng Đạo luật Điều tiết Truyền thông sẽ ngăn chặn internet phát triển và lo lắng về phán quyết nói trên của tòa án, nghị sĩ Ron Wyden và Chris Cox đã cùng đề xuất sửa đổi luật thành: các dịch vụ máy tính tương tác không phải chịu trách nhiệm về điều mà người dùng đăng, thậm chí nếu các nhà cung cấp dịch vụ tham gia điều tiết ở mức độ nào đó với nội dung của bên thứ ba. Các công ty internet chỉ là nền tảng, chứ không phải là đơn vị xuất bản. 

Mục 230 cũng cho phép các dịch vụ này hạn chế quyền tiếp cận nội dung mà họ cho là có thể bị phản đối. Nói cách khác, bản thân các nền tảng phải chọn xem nội dung gì chấp nhận được và không chấp nhận được, rồi họ có thể quyết định cho đăng nội dung đó hay điều tiết nội dung đó. 

Theo ông Wyden, Mục 230 vừa là kiếm vừa là khiên với các nền tảng. Họ có khiên để tránh bị kiện vì nội dung của người dùng và họ có kiếm để điều tiết nội dung họ thấy không phù hợp.

Đạo luật Điều tiết Truyền thông được ký thành luật năm 1996. Điều khoản về nội dung không phù hợp và tục tĩu ngay lập tức bị các tổ chức tự do dân sự phản đối. Tòa án Tối cao cuối cùng đã bác bỏ điều khoản này, nói rằng như vậy sẽ quá hạn chế tự do ngôn luận. Mục 230 vẫn được duy trì. Cuối cùng, một đạo luật ban đầu ra đời để hạn chế tự do ngôn luận trên internet lại trở thành luật bảo vệ tự do ngôn luận.

Tấm khiên này đã giúp internet phát triển. Các trang như Facebook, Reddit và YouTube có hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người dùng. Nếu các trang phải giám sát và duyệt mọi thứ mà người dùng đăng lên, thì các trang này đơn giản là không thể tồn tại. Không trang nào có thể điều tiết quy mô lớn như vậy và cũng không ai muốn mình phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp đó.

Điều đó không có nghĩa là Mục 230 hoàn hảo. Một số người cho rằng điều này giúp các nền tảng hầu như không phải chịu trách nhiệm gì, cho phép một số trang tuyên truyền chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thù hận… nở rộ. Nói đơn giản là các nền tảng internet thích sử dụng khiên để bảo vệ mình và phần lớn không dùng tới kiếm để điều tiết nội dung xấu mà người dùng đưa lên. 

Thách thức gần đây

Chú thích ảnh
Ông Trump phát biểu trước khi ký sắc lệnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong những năm gần đây, Mục 230 đã từng bị đe dọa. Năm 2018, có hai luật đã thay đổi một số phần Mục 230. Giờ đây, các nền tảng mạng xã hội có thể phải chịu trách nhiệm về quảng cáo mại dâm mà bên thứ ba đăng trên nền tảng của mình. Thay đổi này giúp giới chức dễ hơn trong xử lý các trang web được dùng để buôn người làm mại dâm.

Hiện nay, dư luận cho rằng các nền tảng mạng xã hội như Twitter và Facebook quá quyền lực. Facebook thậm chí còn gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 khi cung cấp dữ liệu người dùng cho công ty Cambridge Analytica.

Các nghị sĩ như Ted Cruz từng viết bài bình luận năm 2018 nói rằng các nghị sĩ cần phải ra luật để đảm bảo nền tảng internet là diễn đàn công cộng trung lập. Nghị sĩ Louie Gohmert từng giới thiệu dự luật năm 2019 để yêu cầu dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm pháp lý như đơn vị xuất bản, không phải nền tảng.

Cuối năm 2019, nghị sĩ Josh Hawley trình dự luật yêu cầu công ty mạng xã hội phải cho Ủy ban Thương mại Liên bang xem cách thức điều tiết nội dung trung lập về chính trị thì mới được hưởng quyền bảo vệ trong Mục 230.

Các dự luật nói trên không đi tới đâu nhưng đều cho thấy các nghị sĩ không chỉ muốn bỏ Mục 230 mà còn tích cực thử nghiệm nhiều cách để loại bỏ nó.

Dự luật có khả năng thành công nhất do nghị sĩ Lindsey Graham và Richard Blumental đưa ra hồi tháng 3. Họ muốn sử dụng vấn đề ngăn ngừa khiêu dâm trẻ em để xóa bỏ Mục 230.

Sắc lệnh hành pháp mà Tổng thống Donald Trump ký ngày 28/5 là động thái mới nhất nhằm xóa bỏ Mục 230. Bộ trưởng Tư pháp William Barr cũng không thích Mục 230.

Hiện không rõ sắc lệnh của Tổng thống Trump có thể ngăn cản các công ty mạng xã hội hay không, chỉ biết “cha đẻ” của Mục 230 không vui vẻ gì. Ông Wyden hy vọng những công ty này sẽ phản đối động thái của Tổng thống Trump bằng mọi biện pháp có thể.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Twitter dán nhãn ‘cổ xúy bạo lực’ lên dòng trạng thái của Tổng thống Trump về vụ Minneapolis
Twitter dán nhãn ‘cổ xúy bạo lực’ lên dòng trạng thái của Tổng thống Trump về vụ Minneapolis

Twitter cho biết nội dung trong dòng tweet mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump về vụ bạo loạn ở thành phố Minneapolis đã vi phạm quy định của nền tảng xã hội này vì “cổ xúy bạo lực”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN