Với nhiều nước, mức tăng trưởng GDP 4% mà Trung Quốc đạt được trong quý 4 năm 2021 là niềm mơ ước trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đó lại là mức tăng trưởng chậm nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 18 tháng qua, dưới mức kỳ vọng thị trường cũng như dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Nhìn tổng thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 8,1 trong năm 2021. Nhưng bất kỳ mức suy yếu nào trong tăng trưởng của Trung Quốc đều sẽ có tác động tiêu cực tới kinh tế toàn cầu. Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Trung Quốc là nhân tố có đóng góp lớn nhất đối với GDP toàn cầu và dự kiến đóng góp 20% động lực tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn 2021-2026.
Có ba nhân tố khiến kinh tế Trung Quốc giảm tốc và về cơ bản đều khởi nguồn từ chính sách của chính phủ. Trước hết, đó là việc nhà điều hành trong nhiều tháng qua đã triển khai một loạt các biện pháp kiểm soát chặt hơn một số ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngành công nghệ tài chính (fintech), giáo dục trực tuyến, giải trí, trò chơi trực tuyến…
Kế đến là những bất ổn trên thị trường bất động sản - một nhân tố được nhiều chuyên gia nhận định đóng góp khoảng 30% cho tăng trưởng GDP. Chính quyền Bắc Kinh tiếp tục bảo lưu quan điểm các tập đoàn, công ty bất động sản phải giảm tỉ lệ nợ, hoạt động an toàn theo đúng lộ trình đề ra.
Cụ thể, tháng 8/2021, Chính phủ Trung Quốc đặt ra ba “lằn ranh đỏ” đối với các nhà phát triển bất động sản, bao gồm các quy định về tỷ lệ nợ phải trả (không bao gồm khoản người mua trả tiền trước và doanh thu chưa thực hiện)/tổng tài sản phải ở dưới 70%, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu phải dưới 1.0, tỷ lệ tiền mặt và các khoản tương đương tiền/nợ ngắn hạn phải đạt tối thiểu 100%. Khủng hoảng tại tập đoàn Evergrande cùng một số nhà phát triển bất động sản khác đã và đang tạo những bất ổn đối với thị trường nhà đất.
Trở ngại thứ ba liên quan đến chiến lược Zero-COVID (Không COVID) mà Trung Quốc vẫn đang quyết tâm theo đuổi. Nhiều thành phố tại đại lục hiện đang trong tình cảnh phong tỏa một phần do nhà chức trách tìm mọi cách truy vết, ngăn chặn số ca lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra. Nhiều định chế tài chính lớn của quốc tế, trong đó có Goldman Sachs, đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 từ 4,8% xuống còn 4,3%, viện dẫn các quy định hạn chế liên quan đến phòng chống COVID-19 là tác nhân chính làm suy giảm tăng trưởng.
Ở một chừng mực nào đó, kinh tế tăng trưởng chậm tại Trung Quốc mang dấu ấn của suy giảm tự tạo. Nhưng rất khó để kỳ vọng rằng Bắc Kinh sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong điều hành đối với ba lĩnh vực chủ chốt trên đây.
Việc chấn chỉnh nhiều ngành kinh tế như fintech, trò chơi trực tuyến đều phản ánh quan điểm nhất quán của giới chức lãnh đạo Trung Quốc. Lĩnh vực bất động sản cũng sẽ bị kiểm soát chặt, do mức nợ trong ngành này đã ở ngưỡng nguy hiểm. Cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bắc Kinh sớm từ bỏ chính sách Không COVID, bởi một sự từ bỏ như vậy đồng nghĩa với việc thừa nhận chính sách này không hiệu quả.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng cần phải triển khai các biện pháp để vực dậy nền kinh tế để chống lại cái mà ông Ning Jingzhe, Cục trưởng Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), mô tả là “một nền kinh tế nội địa đang chịu sức ép trên ba hướng: cầu suy yếu, cú sốc chuỗi cung và suy giảm kỳ vọng tăng trưởng”.
Trong bài phát biểu trực tuyến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) thường niên ngày 17/1, Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp tục cam kết đường hướng hậu thuẫn tăng trưởng. Ông khẳng định chính sách “thịnh vượng chung” (common prosperity) của Trung Quốc không phải là chủ nghĩa cào bằng, mà là nhằm hướng đến mục tiêu “làm chiếc bánh phình to hơn” để chia phần công bằng hơn thông qua các biện pháp thể chế.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cùng ngày cũng thông báo một loạt các quyết định về cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Cụ thể, PBoC cắt giảm lãi suất 10 điểm cơ bản từ 2,95% xuống 2,85% của các khoản vay trị giá 700 tỷ NDT (110,19 tỷ USD) thông qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) một năm đối với nhiều thể chế tài chính. Với 500 tỷ NDT các khoản vay MLF sẽ đến hạn trong ngày 17/1, quyết định trên đã giúp “bơm” vào hệ thống ngân hàng 200 tỷ NDT. Ngoài ra, PBoC cũng giảm lãi suất của các thỏa thuận mua lại đảo ngược kỳ hạn bảy ngày từ 2,2% xuống 2,1%.
Ông Ken Cheung, chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Mizuho, nhận định quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ sớm vào tháng Một của PBoC cho thấy áp lực giám tốc đối với nền kinh tế đã gia tăng vào cuối năm 2021 và khả năng cải thiện trong quý I/2022 là không lớn.
Các chuyên gia phân tích thị trường cho biết mức độ và thời điểm của đợt cắt giảm này là một bất ngờ lớn, cho thấy giới chức Trung Quốc đang ngày càng lo ngại hơn về thể trạng của nền kinh tế, đồng thời dự đoán PBoC sẽ nới lỏng chính sách hơn nữa trong năm nay.