Kinh tế Trung Quốc đối mặt nguy cơ “hạ cánh cứng”

Sau một mùa hè đầy biến động, Trung Quốc đang tìm cách làm dịu các mối lo ngại về sự “hụt hơi” của nền kinh tế, nhưng theo giới phân tích, các biện pháp mà chính phủ đưa ra chưa mang lại kết quả, chương trình cải cách bị sa lầy và việc điều chỉnh giảm tăng trưởng gây ra nhiều “đau đớn”.


Hàng hóa được bày bán tràn ngập tại các siêu thị ở Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN


Cách đây sáu tháng, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã công bố mục tiêu tăng trưởng vào khoảng 7% trong năm 2015, có nghĩa là giảm rõ rệt, và được coi là chuẩn mực mới. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã trượt từ 7,3% trong năm 2014, mức thấp nhất từ 25 năm qua, xuống còn 7% trong quý I và II năm nay. Từ đó, các chỉ số kinh tế ảm đạm liên tục xuất hiện và từ giữa tháng 6 đến nay, chỉ số trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc tuột giảm hơn 30%.

Việc điều chỉnh giá đồng NDT, được cho là nhằm thúc đẩy xuất khẩu, đã gây ra nhiều căng thẳng và chao đảo trên thị trường tài chính quốc tế. Song, ngày 10/9, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố Trung Quốc làm chủ được tình hình. Ông nhấn mạnh trong trường hợp có những tín hiệu cho thấy nền kinh tế vượt ra ngoài giới hạn cho phép, chính phủ sẽ có những phương tiện phù hợp để hành động... và sẽ không có hạ cánh cứng. Thực tế là Bắc Kinh liên tiếp đưa ra nhiều biện pháp tái thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cho đến nay chưa mang lại hiệu quả và đang phải đối mặt với nguy cơ không thực hiện được lời hứa tiến hành các cải cách để thị trường được tự do hơn.

Mùa hè vừa qua, Bắc Kinh đã can thiệp ồ ạt để ngăn chặn sự sụt giảm của các chỉ số chứng khoán khi chi khoảng 234 tỷ USD để mua lại các cổ phiếu, đồng thời vẫn tiếp tục "kín đáo hành động" để duy trì tỷ giá đồng NDT. Trả lời phóng vấn hãng tin Pháp AFP, chuyên gia phân tích độc lập Chương Gia Đôn nói rằng: “Các biện pháp giải cứu vẫn chưa có hiệu quả đáng kể nào. Giới lãnh đạo chỉ đang giúp làm chậm nhịp độ suy giảm của nền kinh tế, nhưng không thể đảo ngược được xu thế”.

Trong tháng 8/2015, Trung Quốc đã tiến hành giảm lãi suất lần thứ năm trong vòng 10 tháng và nới lỏng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng, để khuyến khích việc cấp tín dụng. Mặt khác, Bắc Kinh cũng tăng cường quản lý các khoản chi công và đầu tư hạ tầng cơ sở, hứa hẹn giảm thuế trên diện rộng. Do vậy, theo một số chuyên gia, có nhiều khả năng giảm được nguy cơ nền kinh tế “hạ cánh cứng”.

Theo Giáo sư Trương Quân thuộc đại học Phục Đán ở Thượng Hải, “chính phủ vẫn còn khả năng hành động”, nhưng “nguy cơ hạ cánh cứng vẫn tồn tại”. Tất cả sẽ phụ thuộc vào cách thức chính phủ sử dụng các phương tiện có trong tay. Ông cho rằng cần phải giảm bớt nợ cho các doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Thực tế, trong sáu tháng đầu năm nay, tất cả các ngân hàng thương mại Trung Quốc đều nói đến việc tăng rõ rệt các khoản tín dụng có nhiều rủi ro, nghĩa là có nguy cơ mất khả năng thanh toán, bởi vì các doanh nghiệp Trung Quốc phải đối mặt với tình hình kinh tế ảm đạm.

Theo ngân hàng đầu tư China International Capital Corp, Trung Quốc có thể huy động ít nhất là 1.200 tỷ NDT (188 tỷ USD) trong vòng ba năm để hỗ trợ ngân sách. Mức hỗ trợ này thấp hơn rất nhiều so với kế hoạch tái thúc đẩy tăng trưởng 4.000 tỷ NDT, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Giờ đây, Trung Quốc đang phải trả giá cho kế hoạch đó: sự hỗ trợ ồ ạt của chính phủ đã làm tăng vọt mức nợ của khu vực công và tư, đồng thời thổi phồng bong bóng thị trường bất động sản. Chính vì thế, Bắc Kinh tuyên bố muốn tránh tái diễn một kế hoạch như vậy.

Ông Lỗ Chánh Ủy thuộc Industrial Bank bình luận: “Rủi ro lớn nhất của Trung Quốc xuất phát từ những bước đi sai lầm trong chính sách kinh tế”, gây mất ổn định đối với các nhà đầu tư và người tiêu dùng. Theo ông, để chinh phục lại lòng tin, chính quyền cần “đẩy mạnh cải cách về khả năng chuyển đổi của NDT... Chính phủ phải tôn trọng lôgích của thị trường chứ không phải ngăn cản thị trường”.

Trong khi đó, chuyên gia Andy Rothman thuộc Quỹ Matthews Asia bổ sung: “Các can thiệp hỗ trợ thị trường chứng khoán tỏ ra vụng về, không đúng lúc và vô ích. May thay, giới lãnh đạo đã hiểu được điều này và thị trường có thể hy vọng là họ sẽ không lặp lại những sai lầm đó”.
TTK
Thêm dấu hiệu kinh tế Trung Quốc đang mất đà
Thêm dấu hiệu kinh tế Trung Quốc đang mất đà

Các kết quả khảo sát chính thức cũng như của các công ty tư nhân cùng được công bố ngày 1/9 làm cho nhiều người thêm lo ngại về tình trạng giảm sút mạnh hơn của nền kinh tế Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN