Thêm dấu hiệu kinh tế Trung Quốc đang mất đà

Các kết quả khảo sát chính thức cũng như của các công ty tư nhân cùng được công bố ngày 1/9 làm cho nhiều người thêm lo ngại về tình trạng giảm sút mạnh hơn của nền kinh tế Trung Quốc, cho dù nhiều biện pháp hỗ trợ đã được thực hiện.

Gian hàng bán hoa quả tại siêu thị ở Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN


Kết quả khảo sát chính thức cho thấy, hoạt động chế tạo ở Trung Quốc trong tháng Tám giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba năm. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) trong tháng Tám giảm từ mức 50 điểm trong tháng Bảy xuống 49,7 điểm, dưới 50 điểm (ngưỡng phân định chiều hướng tăng trưởng và suy giảm) và là thấp nhất kể từ tháng 8/2012.

Còn theo khảo sát của tư nhân, hoạt động chế tạo của Trung Quốc trong tháng Tám giảm mạnh nhất trong sáu năm rưỡi. PMI cuối cùng cho lĩnh vực này theo khảo sát của Caixin/Markit giảm từ 47,8 điểm trong tháng Bảy xuống 47,3 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Thêm vào đó, lĩnh vực dịch vụ, một trong những điểm sáng hiếm hoi của một nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn này, cũng xuất hiện dấu hiệu báo động về nguy cơ mất động lực, khi tăng với tốc độ chậm nhất trong hơn một năm.

Cũng theo khảo sát của Caixin và Markit, PMI của lĩnh vực này giảm từ mức 53,8 điểm trong tháng Bảy xuống 51,5 điểm trong tháng Tám, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2014.

Chỉ số PMI tính trên cơ sở 100 điểm, thể hiện hoạt động sản xuất tại các nhà máy và công xưởng, được xem là một thước đo "sức khỏe" nền kinh tế đất nước. PMI trên 50 điểm thể hiện chiều hướng tăng trưởng, dưới 50 điểm là suy giảm.
Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp hỗ trợ kể từ cuối năm ngoái để có thể giúp kinh tế tăng trưởng khoảng 7%.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC, Ngân hàng trung ương) tuần trước đã quyết định hạ lãi suất và hạ tỷ lệ dữ trữ bắt buộc của các ngân hàng, trong nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Ngân hàng này đã năm lần hạ lãi suất kể từ tháng 11/2014. Theo khảo sát của hãng tin Reuters, PboC có thể một lần nữa nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối năm nay để ngăn chặn tình trạng mất đà của nền kinh tế và trấn an các thị trường.

Triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trở nên đáng quan ngại, dù GDP đạt nhịp độ tăng trưởng 7% trong quý II. Các chỉ số trong quý III này kém hơn khi có những lo ngại về tình hình nền kinh tế, điều đã khiến các thị trường chứng khoán bên ngoài chao đảo.


Lê Minh (TTXVN)
Trung Quốc khẳng định nền kinh tế vẫn “tăng trưởng hợp lý”
Trung Quốc khẳng định nền kinh tế vẫn “tăng trưởng hợp lý”

Thủ tướng Trung Quốc khẳng định nền kinh tế nước này vẫn “tăng trưởng hợp lý” sau khi các thị trường quốc tế trải qua một tuần giao dịch đầy biến động trước những lo ngại về tình hình giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN