Kinh tế Nhật Bản sẽ khởi sắc với sự trở lại của LDP? - Bài 1: Những so sánh kém vui

Mặc dù có một vẻ suy sụp bề ngoài, nhưng Nhật Bản hiện vẫn nằm trong số những nước sản xuất nhiều hàng hóa nhất. Dù nền kinh tế Nhật Bản đang phải đối mặt với những thách thức nặng nề: không có vai trò lãnh đạo về chính trị, nợ công, dân số lão hóa, song đất nước này vẫn còn có những con bài của mình: công nghệ tuyệt vời, sự năng động về thương mại, hùng mạnh về tài chính, vai trò lãnh đạo về kinh tế và thương mại ở châu Á. Một ý muốn chính trị mạnh mẽ và một sự khôi phục lòng tin có thể cho phép nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này trở lại quá trình tăng trưởng đều đặn và bền vững.

 

Một Nhật Bản suy sụp và già nua trước một Trung Quốc năng động và chinh phục đang là thứ đập vào mắt mọi người, và đối với họ, nguyên nhân là rõ ràng: hai thập kỷ hầu như là trì trệ đã mở đầu cho sự suy sụp của Nhật Bản. Hiện nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản chỉ chiếm 8,5% GDP của cả thế giới so với 14,3% hồi năm 1990; GDP tính theo đầu người của Nhật Bản đã giảm từ vị trí thứ ba năm 1990 xuống vị trí thứ 23 hiện nay. Về tính cạnh tranh quốc tế, trong cùng quãng thời gian trên, Nhật Bản từ vị trí quán quân tụt xuống vị trí thứ 27. Mặc dù hầu như không có nguyên liệu gì, chỉ với 2% số dân ở độ tuổi lao động của thế giới so với 27% của Trung Quốc, nhưng Nhật Bản vẫn sản xuất được lượng hàng hóa trị giá ngang với nước láng giềng to lớn sừng sững là Trung Quốc, tương đương 8,5% GDP của thế giới. Sự so sánh ấy chứng tỏ Nhật Bản vẫn còn có những con bài đáng kể cho dù nó phải đối phó với những thách thức nặng nề về cơ cấu. Trong quá khứ, Nhật Bản đã chứng tỏ được khả năng nhảy vọt của mình trong nhiều cuộc khủng hoảng, song giờ đây, liệu nước này cuối cùng có thể thoát khỏi tình trạng suy sụp dường như đang buộc họ phải náu mình không?

 

Năm 2009, cuộc khủng hoảng thế giới đã nhấn chìm Nhật Bản vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử của mình, và đấy được coi như trận “bìm leo” sau trận”dậu đổ”, đấy là cuộc khủng hoảng riêng của mình vào những năm 1990. Sự lây lan của cuộc khủng hoảng qua kênh ngoại thương thật nhanh chóng và khốc liệt: với một sự suy giảm GDP 1,2% năm 2008 và 5,2% năm 2009, sự suy thoái của Nhật Bản nghiêm trọng hơn so với các nước công nghiệp hóa khác. Sự tăng trưởng tàm tạm được ghi nhận trong những năm 2002 – 2007 lại chủ yếu dựa tới 60% vào xuất khẩu, trong khi tiêu dùng trong nước vẫn trì trệ trong bối cảnh giảm phát. Những hậu quả tổng hợp từ sự suy thoái thế giới và từ việc đồng yên tăng giá mạnh đã dẫn đến một sự suy giảm xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, thị trường xuất khẩu hàng đầu và thứ ba của Nhật Bản. Vì vậy, vốn đầu tư của các doanh nghiệp đã giảm mạnh trong khi nạn thất nghiệp gia tăng và lương giảm đã bóp nghẹt sở thích tiêu dùng của các bà nội trợ. Cuộc khủng hoảng đã cho thấy những hạn chế của chu trình phát triển năm 2002 – 2007 dựa vào nhu cầu bên ngoài. Để duy trì sự tăng trưởng lâu dài và ít phụ thuộc vào bối cảnh quốc tế, Nhật Bản phải tái cân bằng mô hình của mình, đặc biệt phải kích thích sức mua trong nước. Chủ trương ấy đã thành hiện thực vào năm 2010, khi chi tiêu của các gia đình người Nhật đã tăng hơn 3,9%. Nhưng sở dĩ có sự nhảy vọt này chủ yếu là do các nhân tố nhất thời liên quan đến kế hoạch đẩy mạnh nền kinh tế. Giới kinh tế trong nước dự đoán rằng trong những năm tới sẽ có một sự phát triển dần dần nền sản xuất, với khoảng 1,5% mỗi năm, nhưng cho dù có được như thế, thì nó rõ ràng vẫn thấp hơn mức tăng trưởng tiềm năng vốn có của Nhật Bản.

 

Ngoài hậu quả từ cuộc khủng hoảng, nền kinh tế Nhật Bản còn thể hiện những điểm yếu về cơ cấu ảnh hưởng đến thành tích của mình. Những khoản lợi nhuận từ sản xuất đã giảm bớt trong một nền kinh tế đã đạt tới mức già dặn và qui mô của thị trường trong nước vẫn còn khiêm tốn so với qui mô của các thị trường lớn trong khu vực hoặc các nền kinh tế châu lục như Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Ngoài ra, còn có 3 nhân tố khiến cho tương lai kinh tế của Nhật Bản chưa thấy nhiều điểm sáng, đó là sự thiếu kinh niên vai trò lãnh đạo về chính trị, nợ công và thách thức về dân số.

 

Phạm Phú Phúc

 

Đón đọc bài 2: Những thách thức cần vượt qua

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN