Cuộc bầu cử Hạ nghị viện (Lok Sabha) Ấn Độ khóa 16 được chia thành 9 giai đoạn, bắt đầu ngày 7/4, kết thúc ngày 12/5 và khu vực mở màn là bang Assam. Tiến trình bầu cử tại Ấn Độ rất phức tạp và kéo dài. Riêng tại bang Assam, việc bầu chọn chỉ có 14 Hạ nghị sĩ cũng phải chia làm ba giai đoạn, vào các ngày 7/4 ở năm khu vực gồm Tezpur, Kaliabor, Jorhat, Dibrugarh và Lakhimpur; các khu vực còn lại sẽ tiến hành bầu cử trong hai giai đoạn tiếp theo vào ngày 12/4 và 24/4.Ủy ban bầu cử Ấn Độ cho biết, hơn 814 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện lần này, nhiều hơn 97 triệu so với cuộc bầu cử Hạ nghị viện nhiệm kỳ 15, được tổ chức năm 2009. Khoảng 11 triệu người, trong đó một nửa là nhân viên an ninh, sẽ được triển khai nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng tại hơn 800.000 địa điểm bỏ phiếu, tăng khoảng 10% so với cuộc bầu cử năm 2009.
Một tấm biển kêu gọi ủng hộ, bỏ phiếu cho Ứng cử viên thủ tướng Narendra Modi của BJP Ảnh: AFP |
Theo hiến pháp Ấn Độ, Hạ nghị viện có cơ cấu 545 thành viên, trong đó 543 thành viên sẽ được bầu trực tiếp tại các khu vực bầu cử và 2 Hạ nghị sĩ sẽ được bổ nhiệm từ cộng đồng người Ấn gốc Anh. Đảng nào giành được đa số tối thiểu 272 ghế mới được đứng ra thành lập chính phủ độc lập, nếu không các đảng phải thiết lập liên minh hoặc tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài của một đảng hoặc một số đảng cho đủ số ghế theo quy định mới được phép thành lập chính phủ.
Kết quả hầu hết các cuộc thăm dò dư luận từ đầu chiến dịch tranh cử (cuối năm 2013) đến nay đều nghiêng về phía Liên minh dân chủ quốc gia (NDA) đối lập, do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) đứng đầu, trong đó BJP nổi lên thành chính đảng quốc gia lớn nhất, khả năng sẽ dẫn đầu trong cuộc bầu cử. Hai cuộc thăm dò dư luận riêng biệt vừa công bố sáng 5/4 cho thấy NDA giành gần đủ đa số ghế tối thiểu trong cuộc bầu cử Hạ nghị viện nhiệm kỳ tới. Kết quả thăm dò dư luận do Hansa Research tiến hành cho kênh truyền hình NDTV dự đoán NDA sẽ giành được 259/543 ghế, chỉ thiếu 13 ghế là đủ đa số tối thiểu 272 ghế tại Hạ nghị viện, trong đó BJP sẽ được 214 ghế; Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA) cầm quyền, do đảng Quốc đại đứng đầu có thể được 123, trong đó Quốc đại chiếm 104 ghế.Cuộc thăm dò do CSDS-Lokniti thực hiện cho kênh truyền hình CNN-IBN cho thấy, NDA sẽ được khoảng 234-246 ghế, trong đó BJP sẽ được 206-218 ghế; UPA sẽ được 111-123 ghế, trong đó Quốc đại chiếm 94-106 ghế.
Rõ ràng BJP đang nổi bật trên “bàn cờ chính trị” Ấn Độ, với chiến dịch tranh cử ấn tượng của ứng cử viên Thủ tướng của đảng này, Thủ hiến bang Gujarat, ôngNarendra Modi. Ông Modi đã có tới 68 bài phát biểu tranh cử, đặc biệt nhấn mạnh đến chính sách phát triển kinh tế của Ấn Độ và thể hiện chính sách quyết đoán, cứng rắn hơn đối với các nước láng giềng. Bang Gujarat do ông làm Thủ hiến đã đạt mức tăng trưởng GDP hai con số liên tục trong thập niên qua, trở thành bang đầu tàu trong nền kinh tế Ấn Độ. Thành tích này đã góp phần không nhỏ nâng uy tín của ông Modi và BJP được lợi khi chọn ông làm ứng cử viên Thủ tướng để dẫn dắt chiến dịch tranh cử của BJP nói riêng và của NDA nói chung. Tuy nhiên, BJP cũng gặp thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài do bất đồng nội bộ và sự nổi lên của các đảng khu vực. Cuộc bạo loạn tại bang Gujarat chống người Hồi giáo năm 2002 làm hàng trăm người thương vong, là điểm yếu trong chiến dịch tranh cử của ông Modi. Do bị mất điểm đối với cử tri người Hồi giáo, nên ông Modi đã chọn địa điểm tranh cử tại Varanasi để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng người Hindu.
Nắm được điểm yếu nói trên của ông Modi, đảng Quốc đại, do bà Sonia Gandhi đứng đầu, đã tranh thủ sự ủng hộ của cử tri Hồi giáo. Trong cương lĩnh tranh cử, Đảng Quốc đại đã cam kết sẽ có kế hoạch phát triển toàn diện, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, giảm nghèo đói, triển khai các chương trình chăm sóc y tế, chế độ hưu bổng và các sáng kiến khác có lợi cho người dân; đưa ra sáng kiến như ban hành luật lao động linh họat, nỗ lực thu hồi “tiền đen” và tăng chi phí y tế lên tương đương 3% GDP; cam kết nâng tăng trưởng kinh tế lên 8% trong ba năm tới, tạo 100 triệu việc làm, triển khai các biện pháp kiên quyết nhằm kiềm chế lạm phát, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thúc đẩy triển khai thực hiện chính sách thuế hàng hóa và dịch vụ trong năm đầu tiên lên nắm quyền…
Tuy nhiên, thực tế kinh tế liên tục giảm sút trong vài năm qua và dự kiến chỉ đạt dưới 5% trong tài khóa hiện nay, tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai tăng, đồng rupee mất giá, tình trạng tham nhũng lan tràn…đã khiến Chính phủ UPA bị mất điểm nặng nề. Những khuôn mặt trẻ mà được tung ra trong chiến dịch tranh cử đã thể hiện sự quyết tâm thay đổi của Quốc đại, song có vẻ không mang lại nhiều hiệu quả. Các nhà phân tích cho rằng Phó Chủ tịch đảng Quốc đại Rahul Gandhi thiếu kinh nghiệm thực tiễn và bề dày chính trị để có thể “so găng” với một đối thủ “nặng ký”như ông Modi.
Giới phân tích tại Ấn Độ nhận định sẽ có ba kịch bản nổi lên sau cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ. Khả năng thứ nhất, Liên minh NDA, do BJP dẫn đầu, sẽ giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử, song vẫn không đủ đa số tối thiểu để thành lập chính phủ. NDA sẽ phải tranh thủ thêm sự ủng hộ của các đảng, dù họ tham gia liên minh hay ủng hộ từ bên ngoài, để nhanh chóng thành lập chính phủ. Khả năng thứ hai, nếu NDA không thành lập được chính phủ, Liên minh UPA, do Quốc đại đứng đầu, (có thể về thứ hai trong cuộc bầu cử), sẽ tiếp tục thành lập chính phủ, với sự ủng hộ từ bên ngoài của một số đảng như hiện nay. Khả năng thứ ba, nếu cả hai liên minh NDA và UPA đều không thành lập được chính phủ, Mặt trận thứ ba, gồm bốn đảng Cánh tả là Cộng sản Ấn Độ Mácxít (CPI-M), đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI) cùng một số đảng khác sẽ đứng ra thành lập chính phủ, với sự ủng hộ từ bên ngoài của đảng Quốc đại, giống như kịch bản đã từng diễn ra tại Ấn Độ năm 1996. Nếu kịch bản này xảy ra, tương lai chính phủ Ấn Độ sẽ rất bấp bênh, vì cơ cấu tổ chức của cái gọi là Mặt trận thứ ba rất lỏng lẻo, thiếu sự gắn kết và nhiều bất đồng về tư tưởng. Tuy nhiên, hiện dư luận Ấn Độ đang hướng về khả năng đầu tiên. Chính các nước lớn, trong đó có Mỹ, Anh, Australia….đã có những động thái nghiêng về khả năng này khi cho các quan chức của họ gặp gỡ riêng ông Modi trong thời gian gần đây. Dù khả năng nào xảy ra, chắc chắn cuộc bầu cử Hạ nghị viện khóa 16 tại Ấn Độ đều mang lại “làn gió mới”.
Minh Lý (P/V TTXVN tại New Delhi)