Ixraen - mối đe dọa với tình báo Mỹ

Theo lời kể của 3 cựu quan chức tình báo cấp cao của Mỹ xin được giấu tên, người đứng đầu cơ sở của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Ixraen khi mở chiếc hộp có khóa chuyên để đựng những thông tin bảo mật tại nhà của mình ở Ten Avíp (Ixraen) mới phát hiện ra chiếc hộp đã bị ai đó lục lọi. Ông đã báo cáo vụ việc này lên cấp trên. Trong một vụ khác, một nhân viên CIA tại Ixraen khi trở về nhà thì phát hiện ra có sự thay đổi vị trí sắp xếp đồ ăn trong tủ lạnh....


 

Toàn cảnh khu tổng hành dinh của CIA ở bang Virginia (Mỹ). Ảnh: Internet

 

Những vụ việc này là lời nhắc nhở sâu sắc rằng ngay cả ở một nước thân thiết với Mỹ như Ixraen, CIA vẫn bị giám sát, đồng thời hé lộ điều hiếm khi được thảo luận ở ngoài giới tình báo: Đó là bất chấp mối quan hệ khăng khít "miễn bàn" giữa Mỹ và Ixraen - đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại Trung Đông, bất chấp những lời ca ngợi của các chính khách Mỹ về tình hữu nghị này, các quan chức an ninh quốc gia Mỹ đôi khi coi Ixraen là một đồng minh khó chịu và là mối đe dọa phản gián thực sự.

 

Ngoài những vụ việc nêu trên trong thập kỷ qua, Ixraen còn bị cho là có dính líu tới các vụ gián điệp liên quan đến tội phạm của Mỹ và các vụ kỷ luật đối với các nhân viên CIA, đồng thời bị cho là thủ phạm gây ra cái chết của một điệp viên quan trọng làm việc cho CIA tại Xyri dưới thời Tổng thống George W. Bush.


Theo các cựu quan chức và quan chức đương quyền Mỹ, CIA coi Ixraen là mối đe dọa phản gián số 1 của mình tại Đơn vị Cận Đông thuộc CIA - một đơn vị chuyên giám sát hoạt động tình báo khắp Trung Đông. Phản gián là hoạt động bảo vệ những bí mật quốc gia khỏi bị đánh cắp. Điều này có nghĩa là CIA tin rằng những bí mật quốc gia của Mỹ ở các nước khác tại Trung Đông thì an toàn hơn so với ở Ixraen. Ixraen còn tuyển mộ những nhân viên tình báo chuyên nghiệp, sành sỏi để trở thành đối thủ với các nhân viên Mỹ. Khác với Iran hay Xyri, Ixraen có thể tiếp cận tới cấp cao nhất trong giới tình báo, quân sự của chính phủ Mỹ.


Mối lo ngại này của CIA vẫn tiếp tục, thậm chí khi mối quan hệ giữa Mỹ với Ixraen tiến tới hợp tác chặt chẽ về các chương trình tình báo, trong đó có chương trình virút máy tính Stuxnet từng tấn công các máy tính tại các cơ sở làm giàu urani quan trọng của Iran. Mặc dù mối quan hệ đồng minh này là trụ cột cho sự tiếp cận của Mỹ tại Trung Đông, nhưng hai nước vẫn có bất đồng sâu sắc, nhất là trong cuộc khủng hoảng ngoại giao về tham vọng hạt nhân của Iran.


Joseph Wippl, cựu quan chức cấp cao của CIA, nói: "Đây là một mối quan hệ phức tạp. Họ (Ixraen) có lợi ích của họ, chúng ta (Mỹ) có lợi ích của chúng ta. Đối với Mỹ, đây là một thế cân bằng". Cách thức Oasinhtơn nhìn nhận mối quan hệ với Ixraen cũng quan trọng như cách Mỹ được các nước khác nhìn vào, nhất là từ những nước Hồi giáo.


Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) từ trước tới nay luôn giám sát Ixraen. Ví dụ, Mỹ không muốn bị coi là mất cảnh giác trong trường hợp Ixraen tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ có thể đẩy cả khu vực vào một cuộc chiến tranh và tàn phá nguồn cung dầu mỏ, đẩy binh sĩ Mỹ vào thế hiểm nguy. Matthew Aid - tác giả cuốn "Bảo vệ bí mật" về NSA - cho biết Mỹ đã bắt đầu bí mật theo dõi Ixraen thậm chí trước khi nhà nước Ixraen được thành lập năm 1948, rằng Mỹ có một cơ sở tại Síp có nhiệm vụ theo dõi Ixraen cho tới năm 1974, rằng có nhiều nhóm gồm những người biết tiếng Do Thái hiện đang làm việc tại NSA chuyên nghe lén các phương tiện liên lạc của Ixraen.


Ixraen không phải là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, ít nhất bởi nước này nằm ngoài nhóm được ví như "Năm Mắt" được tin tưởng tuyệt đối trong hoạt động chia sẻ những thông tin an ninh quốc gia bảo mật, gồm Mỹ, Anh, Ôxtrâylia, Canađa và Niu Dilân. Trong nhóm này, các nước đồng ý chia sẻ thông tin tình báo và không do thám lẫn nhau. Thông thường, các nhân viên tình báo Mỹ làm việc trực tiếp với các đối tác của những nước khác trong nhóm này để giải quyết những thông tin tối mật không được chia sẻ với bất kỳ nước nào khác.


Ixraen chỉ nằm trong mối quan hệ cấp thấp hơn, nghĩa là những nước bạn bè với nhau. Tuy nhiên, cơ quan tình báo nước ngoài của Ixraen (MOSSAD) và Shin Bet - cơ quan có chức năng hoạt động tương tự Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) - đều được cho là lôi kéo các quan chức Mỹ và cố ăn cắp bí mật của Mỹ. Nhiều nhân viên tình báo Mỹ đã bị xử lý vì làm nội gián cho Ixraen: Jonathan Pollard - nhà phân tích tình báo dân sự làm việc cho Hải quân Mỹ - đã bị kết án chung thân vì tội làm gián điệp cho Ixraen hồi năm 1987; Hai nữ nhân viên CIA bị sa thải vì không thông báo có mối quan hệ với Ixraen vào khoảng năm 2004 hoặc 2005; một cựu phân tích viên làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ bị kết án 12 năm tù vào năm 2006 vì tội cung cấp thông tin mật cho một nhà ngoại giao Ixraen và hai nhà vận động hành lang ủng hộ Ixraen....


TTK (Theo AP)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN