Cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah, bắt đầu vào tháng 10/2023, đã bước vào một giai đoạn mới vào ngày 17/9 năm nay. Quá trình này bắt đầu bằng việc Israel kích nổ hàng nghìn thiết bị điện tử được Hezbollah sử dụng và tiếp tục bằng vụ ám sát nhiều nhà lãnh đạo cấp cao của phong trào này. Dự báo rằng Hezbollah sẽ bị tan rã, Israel đã phát động một chiến dịch trên bộ trên lãnh thổ Liban vào ngày 1/10. Tuy nhiên, mọi chuyện đã không diễn ra như mong đợi.
Nhận định với hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) mới đây, Ferhat Tutkal, nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Khoa học Xã hội Ankara (ASBÜ) cho rằng, không thành công trong chiến dịch trên bộ, Israel đã phải chịu tổn thất lớn ở Liban. Kết hợp với sự hao mòn nguồn lực vì các cuộc giao tranh khác nhau từ năm ngoái, những thương vong mới nhất của Israel đã khiến họ cân nhắc đến việc rút khỏi Liban.
Sự thiếu tiến triển của Israel trên thực địa
Theo ông Tutkal, Israel chiếm ưu thế trước Hezbollah với các cuộc tấn công bất ngờ; ám sát các chỉ huy cấp cao và chiếm ưu thế trên không bắt đầu từ giữa tháng 9 vừa qua. Những thành tựu này của Israel đã giúp họ có thêm động lực để tiến vào Liban ở trên bộ. Trái với kỳ vọng về một sự sụp đổ trong các mặt trận của Hezbollah sau khi loại bỏ ban lãnh đạo của tổ chức này, Israel đã phải đối mặt với sự kháng cự mạnh mẽ trên chiến trường.
Trong khi Israel tiếp tục cuộc tấn công trên bộ ở miền Nam Liban, thương vong của họ sẽ ngày càng tăng lên đáng kể. Đài phát thanh Quân đội Israel gọi tháng trước là "tháng 10 đen tối" vì thương vong cao. Mục tiêu chính của Israel là bảo vệ biên giới của mình bằng cách đẩy Hezbollah về phía Bắc sông Litani, nhưng mục tiêu này vẫn còn rất xa vời. Điểm sâu nhất mà lực lượng Israel có thể tiến tới là vùng ngoại ô của thị trấn Khiam, cách biên giới khoảng 6 km.
Hezbollah cũng tiếp tục tấn công Israel bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái. Các cuộc tấn công liên tục của Hezbollah vào lãnh thổ Israel đã làm suy yếu một trong những cái cớ chính của Tel Aviv cho chiến dịch trên bộ. Israel đã tuyên bố rằng hoạt động trên bộ là cần thiết để những người di tản có thể trở về nhà của họ ở biên giới phía Bắc của Israel. Với các cuộc tấn công của Hezbollah, thay vì sự trở về của những người dân ở phía Bắc, cuộc chiến đã hướng sâu hơn vào bên trong lãnh thổ Israel. Để đối phó với vấn đề này, Israel đã tăng số lượng các cuộc không kích hàng ngày vào các thị trấn và thành phố ở Liban.
'Kiệt sức' vì giao tranh
Giữa gánh nặng của cuộc chiến, Israel có thể đang chuẩn bị chấm dứt cuộc tấn công trên bộ vào Liban. Israel đã phải vật lộn với các vấn đề khác nhau từ ngày 7/10 năm ngoái. Tel Aviv không chỉ phải đối mặt với áp lực quốc tế mà còn phải đối mặt với tình hình xáo trộn chính trị trong nước. Gánh nặng kinh tế của cuộc chiến là một vấn đề khác mà Israel phải đối mặt.
Cụ thể, sau chiến dịch trên bộ của Israel tại Liban, áp lực quốc tế đối với Israel đã tăng lên đáng kể. Nhiều nước phương Tây, vốn không phản ứng đủ với các vụ thương vong ở Gaza, đã gây áp lực lên Israel vì hành động của nước này tại Liban. Chẳng hạn, Pháp đã kêu gọi lệnh cấm bán vũ khí cho Israel để tránh leo thang. Các cuộc tấn công của Israel vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL), cũng đã đặt Tel Aviv vào một vị thế khó khăn trên trường quốc tế.
Israel, quốc gia chịu tổn thất quân sự hàng ngày ở Gaza và miền Nam Liban, cũng tiến hành các hoạt động của mình với cái giá rất đắt. Kể từ khi xung đột nổ ra, Israel đã mất hơn 890 binh lính và 11.000 binh lính Israel bị thương, theo Yair Lapid, lãnh đạo phe đối lập Israel. Ngoài ra, hàng trăm xe quân sự đã bị phá hủy hoặc hư hại trong các cuộc giao tranh.
Ngoài những tổn thất về quân sự và môi trường chính trị căng thẳng, một trong những thách thức khó khăn nhất đối với Chính phủ Israel là tình hình kinh tế. Chi tiêu quân sự của Israel đang tăng lên trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Sau 11 tháng giao tranh kể từ tháng 10 năm ngoái, Israel đang phải đối mặt với thách thức kinh tế lớn nhất trong nhiều năm. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Israel đang trải qua sự suy thoái mạnh nhất trong số các quốc gia giàu có nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD ).
GDP của nước này đã giảm 4,1% trong những tuần sau các cuộc tấn công do Hamas tiến hành vào ngày 7/10/2023. Và sự suy thoái tiếp tục kéo dài đến năm 2024, giảm thêm 1,1% và 1,4% trong hai quý đầu tiên.
Với cuộc chiến ở Gaza không có dấu hiệu dừng lại, và xung đột với Hezbollah ở biên giới Liban vẫn căng thẳng, Ngân hàng Israel ước tính chi phí cho cuộc chiến sẽ lên tới 67 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025. Ngay cả với gói viện trợ quân sự trị giá 14,5 tỷ USD từ Mỹ, nguồn tài chính của Israel có thể vẫn không đủ để trang trải các khoản chi phí này.
Ngoài ra, Chính phủ Israel cũng đang trong tình thế khó khăn về mặt chính trị trong nước. Họ bị áp lực với những yêu cầu giải quyết cuộc khủng hoảng con tin và đạt được lệnh ngừng bắn.