Hứa quá lời, Tổng thống Trump tiến thoái lưỡng nan với Triều Tiên

Vài tuần nữa là đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều như dự kiến nhưng Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhận thấy có thể đang gặp cơn ác mộng tồi tệ nhất của một nhà đàm phán: hứa quá lời và không chắc thực hiện được.

Nguy cơ hủy, hoãn

Cách đây vài tháng, hồi tháng 3, ông Trump đã ngay lập tức đồng ý tổ chức hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi nhận được lời mời thông qua đại diện Hàn Quốc.


Ngày 22/5, cuộc gặp lịch sử trong tương lai đó đã bị chính ông Trump cân nhắc khả năng hoãn. Phát biểu trong Phòng Bầu dục, ông Trump nói: “Một khả năng rất có thể xảy ra là hội nghị sẽ không diễn ra vào ngày 12/6 tới”.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có nguy cơ bị hoãn. Ảnh: AP

Theo hãng tin AP, bình luận của ông Trump là dấu hiệu rõ nhất cho thấy hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sắp tới đang gặp nhiều rủi ro.


Trong bối cảnh ngày dự kiến đến gần, AP nhận định Tổng thống Trump và đồng minh đang ngày càng lo lắng về khả năng ông không thể đạt được một thắng lợi trên trường quốc tế. Mặc dù ông Trump chưa có ý muốn rút lui nhưng ông đang phải chật vật xác định mục tiêu cho cuộc hội nghị lịch sử này.


Ông Jean Lee, Giám đốc chương trình Triều Tiên thuộc Trung tâm Woodrow Wilson, nhận định: “Tôi cho rằng Tổng thống Trump đã hình dung rằng ông sẽ bước vào cuộc gặp này và có thể đạt đột phá lịch sử bằng một thỏa thuận, nhưng rõ ràng ông đang bắt đầu nhận ra điều này không dễ dàng như hình dung”.


Từ khi làm tổng thống, ông Trump đã tự khắc họa bản thân là một nhà đàm phán thượng hạng. Tuy nhiên, một số thỏa thuận tham vọng lại chưa có dấu ấn đậm nét.


Mới đây, ông Trump vừa bấm nút “tạm dừng” trong cuộc chiến tranh thương mại mà ông đe dọa thực hiện với Trung Quốc và từng cho là “dễ thắng”. Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc thông báo hai bên sẽ tiếp tục đàm phán. Trong lúc đó, Mỹ tạm gác kế hoạch thực hiện biện pháp áp đặt thuế quan với số hàng hóa Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Phía Trung Quốc cũng có thể hoãn trả đũa nếu Mỹ không có động thái gì.


Ông chủ Nhà Trắng cũng vừa rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà không vạch ra được một con đường sắp tới với các đồng minh.


Về kế hoạch hòa bình Trung Đông mà ông đã tin tưởng giao cho con rể và là cố vấn cấp cao Jared Kushner chịu trách nhiệm, kế hoạch này đã quá hạn nhiều tháng và đang bị hoài nghi hơn bao giờ hết.


Trở lại với cuộc gặp Mỹ-Triều, các quan chức cấp cao trong chính quyền Washington cho hãng tin AP biết: Tổng thống Trump gần như chỉ tập trung vào khía cạnh bề ngoài của hội nghị thượng đỉnh và ông không quan tâm sâu sắc tới các tài liệu về chương trình hạt nhân Triều Tiên.


Ông Scott Snyder, Giám đốc Chương trình Chính sách Mỹ-Triều tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng có nguy cơ “phần hội và tính chất lịch sử của hội nghị thượng đỉnh sẽ làm lu mờ những điều có thể thực hiện được”.


Hãng tin AP cho rằng Tổng thống Trump ít khi thực sự để tâm khi ông chuẩn bị gặp người đồng cấp nước ngoài. Với hội nghị với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sắp tới, những người thân cận với ông Trump cho rằng ông dường như chỉ có động lực trước viễn cảnh đạt được một thỏa thuận lịch sử và thích thú với những đề xuất rằng ông có thể giành giải Nobel Hòa bình, đặc biệt là khi Tổng thống Barack Obama đã giành giải thưởng vinh dự này đầu nhiệm kỳ.


Trong khi đó, ông Trump khẳng định mục đích của mình là chứng kiến Bán đảo Triều Tiên được phi hạt nhân hóa và Triều Tiên đã chấp nhận đặt chương trình hạt nhân lên bàn đàm phán. Dù vậy, hai bên vẫn còn một chặng đường dài để xác định những điều có thể cùng nhau chấp nhận được.


Hiện ông Trump cùng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang bàn bạc các việc chuẩn bị cho ngày 12/6 sắp tới. Chính phía Hàn Quốc là bên chuyển lời mời họp thượng đỉnh từ ông Kim Jong-un cho ông Trump. Cũng chính Hàn Quốc là bên thúc đẩy Mỹ tiến tới đạt một giải pháp hòa bình cho khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.


Tuần trước, Triều Tiên đã bất ngờ có giọng điệu cứng rắn và đe dọa rút khỏi hội nghị với Mỹ, dự kiến được tổ chức ở Singapore. Đáp lại, ông Trump một mặt cam kết bảo vệ Triều Tiên nếu nước này từ bỏ hạt nhân, một mặt ám chỉ "có sự thay đổi lớn" tại Triều Tiên nếu làm điều ngược lại.


Các viễn cảnh


Những diễn biến đó cho thấy việc định được ngày, chọn được địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh không có nghĩa là cuộc gặp chắc chắn sẽ diễn ra. Trong bối cảnh mà hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đang ngày càng bấp bênh hơn bao giờ hết, các chuyên gia đánh giá chính ông Kim Jong-un mới là người giành được nhiều thứ nhất.


Trong khi đó, mọi thứ sẽ khó khăn hơn với Tổng thống Trump. Nếu hội nghị thượng đỉnh không diễn ra, ông Trump sẽ mất đi cơ hội lịch sử giải quyết một vấn đề mà nếu ai làm được đều đáng nhận giải Nobel Hòa bình.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP

Nếu hội nghị diễn ra, những thành tựu cụ thể của ông Trump cũng sẽ chưa thể xuất hiện ngay trong thời gian ngắn. Chương trình phi hạt nhân hóa sẽ mất hàng tháng, hàng năm trời để thực hiện và xác minh.


Đó là chưa kể trường hợp hội nghị đổ bể - một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra.

Một quan chức Mỹ cho rằng ưu tiên hội nghị ở Singapore sẽ là đạt được thỏa thuận cơ bản với ông Kim Jong-un và các chi tiết thỏa thuận sẽ được phác thảo sau.


Viễn cảnh tốt nhất sẽ là một thỏa thuận theo hơi hướng thỏa thuận hạt nhân Iran mà Mỹ vừa rút khỏi: Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân đổi lại dỡ bỏ trừng phạt. Theo ông Victor Cha, Giáo sư Đại học Georgetown và là cựu quan chức Nhà Trắng, kết quả đẹp nhất của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ là một không khí tốt, một vài tuyên bố chung chung về phi hạt nhân hóa và hòa bình, một số vấn đề có thể thực hiện ngay. Còn viễn cảnh tồi tệ nhất sẽ là hủy cuộc họp.


Ông Victor Cha nói: “Nếu cuộc họp bị hủy, chúng ta đang ở đâu? Có phải chúng ta sẽ quay lại thời điểm năm 2017? Triều Tiên sẽ lại bắt đầu thử hạt nhân? Tôi cho rằng đó sẽ là kết quả tồi tệ nhất”.


Tại thời điểm này, hủy, thậm chí chỉ là hoãn cuộc họp cũng sẽ là điều bất lợi với ông Trump, còn nếu tiếp tục như kế hoạch, nhiều khả năng Mỹ sẽ phải nhượng bộ Triều Tiên một số điều.


Thùy Dương/Báo Tin tức
Tổng thống Trump ngụ ý Trung Quốc khiến Triều Tiên 'đổi giọng'
Tổng thống Trump ngụ ý Trung Quốc khiến Triều Tiên 'đổi giọng'

Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 22/5 ngụ ý rằng chính Trung Quốc chịu trách nhiệm cho khả năng hội nghị thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un trong tháng 6 tới có thể bị trì hoãn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN