Trung tuần tháng 3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lên tiếng cảnh báo về tâm lý chủ quan trước đại dịch COVID-19. Vào thời điểm đó, trên toàn cầu ghi nhận hơn 254.000 người mắc COVID-19 và hơn 10.000 người tử vong. Những con số này quả thực là “khiêm tốn” khi so với thống kê hiện tại, nhưng cũng đã đánh dấu một đại dịch với quy mô đang vượt quá những dự báo ban đầu. Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO Mike Ryan đã phải báo động về thực trạng đại dịch đang làm quá tải các hệ thống y tế trên toàn thế giới chỉ trong vài tuần. Cảnh báo được đưa ra vào thời điểm châu Âu đang trong những ngày chống dịch cam go nhất bởi trước đó 1 tuần, WHO tuyên bố châu lục này đã trở thành tâm chấn mới của đại dịch COVID-19, sau Vũ Hán (Trung Quốc).
Phát biểu của quan chức WHO phản ánh những quan ngại rằng ngay cả một số nước phát triển thuộc Liên minh châu Âu (EU) hay Mỹ, vốn được xem là có hệ thống y tế hàng đầu thế giới, nhưng dường như vẫn thiếu sự chuẩn bị kỹ càng cho "cuộc chiến" chống một đại dịch lây lan nhanh. Trên báo chí và truyền thông phương Tây khi đó tràn ngập hình ảnh hệ thống y tế nhiều nước phát triển như Mỹ, Anh, Italy, Pháp, Tây Ban Nha… phải “gồng mình” trước số ca bệnh tăng nhanh chóng. Số bệnh nhân mắc COVID-19 chiếm tới hơn 80% số giường bệnh; các đơn vị chăm sóc đặc biệt bị quá tải trong khi các cuộc phẫu thuật phải hoãn vô thời hạn để không chiếm dụng giường bệnh và nhân lực ứng phó với COVID-19; quân đội phải thiết lập bệnh viện dã chiến và chuyển bệnh nhân đến các thành phố khác; nhiều chính quyền địa phương cảnh báo về tình trạng thiếu nhân viên, gường bệnh, trang thiết bị và máy thở... Khi nguồn lực không đáp ứng đủ nhu cầu, ở Italy, các bác sĩ đã nói tới những “lựa chọn sinh tử”: Điều trị cho bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn hay những bệnh nhân cao tuổi đang dần suy kiệt.
Những diễn biến này phản ánh một thực trạng là nhiều nước phát triển, mặc dù có hệ thống y tế hiện đại và đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao bậc nhất, chưa chắc đã đủ khả năng đứng vững trong một kịch bản khủng hoảng. “Đứng vững” ở đây đề cập tới các chỉ số như số giường bệnh, số giường bệnh chăm sóc đặc biệt, số bác sĩ và y tá trên đầu người, những chỉ số sẽ cho thấy khả năng ứng phó của một hệ thống y tế khi phải tiếp nhận một lượng người bệnh quá lớn trong cùng một lúc.
Theo thống kê đầu năm 2020 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cả Italy, Tây Ban Nha, Mỹ và Anh đều nằm trong nhóm các nước có số giường bệnh/1.000 người thấp hoặc tương đối thấp, lần lượt là 3,2; 3,0; 2,8 và 2,5. Con số này tại Pháp cao hơn, ở mức 6 giường bệnh/1.000 người, trong khi Đức là quốc gia có tỷ lệ giường bệnh trên đầu người cao nhất ở Tây Âu với 8 giường bệnh/1.000 người. Đức cũng là quốc gia có số bác sĩ trên đầu người ở mức cao (4,3/1.000 người). Italy và Tây Ban Nha có chỉ số này cũng thuộc hàng cao (4,0 và 3,9), Pháp ở tầm trung (3,4) trong khi Anh và Mỹ tiếp tục ở nhóm thấp (2,9 và 2,6). Những con số này phần nào lý giải sức chống dịch bền bỉ của Đức.
Diễn biến dịch bệnh ở các nước đang phát triển hay nước nghèo, khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh theo cấp số nhân, càng khốc liệt hơn. Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới có chỉ số bác sĩ trên 1.000 dân là 0,9, hay Malaysia với chỉ số cao hơn (1,5) đều đã chứng kiến hệ thống y tế bên bờ vực sụp đổ. Câu chuyện “lựa chọn sinh tử” lặp lại ở Ấn Độ tháng 4/2021, thời điểm nước này liên tục nhiều ngày ghi nhận hơn 400.000 ca mắc mới và trên 3.800 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định: "COVID-19 để lại bài học rằng, thế giới đã không chuẩn bị sẵn sàng cho một đại dịch toàn cầu”. Trong bối cảnh quá trình biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ xuất hiện các dịch bệnh mới, giới chuyên gia khẳng định COVID-19 không phải dịch bệnh cuối cùng thế giới phải đương đầu.
Cuối năm 2022, thế giới vẫn đang phải cùng lúc ứng phó với hai dịch bệnh được WHO coi là "mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng khi bùng phát trên toàn cầu": đại dịch COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ lây lan mạnh. Tổng Giám đốc WHO đánh giá đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ toàn cầu năm nay đã khiến thế giới bất ngờ. Tính đến giữa tháng 12, thế giới đã ghi nhận hơn 82.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đó càng làm nổi bật ý nghĩa của Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh, đồng thời cũng khẳng định những đóng góp chủ động, tích cực của Việt Nam, chia sẻ cùng cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống COVID-19 và các dịch bệnh tiềm ẩn trong tương lai. Sáng kiến của Việt Nam đưa ra đúng thời điểm và đáp ứng đúng mối quan tâm của cộng đồng quốc tế, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi, thể hiện qua việc có 112 quốc gia đồng bảo trợ Nghị quyết. Cuối năm 2020, Đại hội đồng LHQ đã thông qua sáng kiến của Việt Nam, lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh.
Trên thực tế, trong 2 năm qua, thế giới đã đạt được những thành quả nhất định về cải tiến hệ thống y tế, tăng cường hợp tác hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Nhiều cơ chế mới được thiết lập giúp phân phối hàng tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đến các nước nghèo. Các kế hoạch thiết lập quỹ ứng phó đại dịch cũng như thỏa thuận nhằm bảo đảm nguồn ngân sách và tính linh hoạt cho WHO cũng đang dần được định hình. Đầu năm nay, Liên minh châu Âu (EU) đã khởi động kế hoạch thành lập một “liên minh y tế” nhằm phối hợp chặt chẽ hơn trong phòng, chống COVID-19 và các dịch bệnh khác, qua đó không chỉ bảo vệ sức khỏe của người dân khu vực này mà còn bảo vệ cả kinh tế-xã hội của EU. WHO đang trong quá trình tham vấn xây dựng khung an ninh y tế liên khu vực giữa Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.
Trong khi đó, Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thông qua hiệp ước củng cố hệ thống cảnh báo sớm đại dịch, hướng đến xây dựng một mạng lưới chuyên gia toàn cầu nhằm phát hiện sớm các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát thành đại dịch, từ đó đưa ra những phản ứng nhanh chóng như chuẩn bị kịp thời vaccine, thiết bị y tế, phương pháp điều trị và chẩn đoán. Theo Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach (nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 năm 2022), hệ thống cảnh báo sớm sẽ trở thành "đài quan sát” giúp thế giới phát hiện, ứng phó hiệu quả và hạn chế các hậu quả của đại dịch. Tại hội nghị ở Bali, Indonesia tháng trước, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra mắt Quỹ ứng phó đại dịch toàn cầu nhằm phòng ngừa trường hợp thế giới phải đối mặt với một đại dịch tương tự COVID-19 trong tương lai. 194 nước thành viên WHO cũng nhất trí sẽ nhóm họp vào tháng 2/2023 để thảo luận về dự thảo thỏa thuận toàn cầu nhằm đối phó tốt hơn với đại dịch.
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh COVID-19 đã cho thấy một căn bệnh truyền nhiễm có thể lan rộng khắp thế giới, đẩy hệ thống y tế đến bờ vực và đảo lộn cuộc sống hằng ngày của toàn nhân loại một cách nhanh chóng. Bởi vậy, tất cả các quốc gia cần đầu tư vào năng lực sẵn sàng để ngăn chặn, phát hiện và đối phó dịch bệnh. Các chuyên gia y tế cũng khẳng định, khi đại dịch bùng phát, "tất cả chúng ta cùng ngồi trên một chiếc thuyền”, cùng trên một chiến tuyến. Đại dịch COVID-19 đã chứng minh không thể chống lại một đại dịch toàn cầu bằng nỗ lực đơn lẻ của từng nước. Điều đó có nghĩa xây dựng đoàn kết toàn cầu cũng là sự chuẩn bị sẵn sàng để mang lại cho mọi quốc gia cơ hội chiến đấu chặn đứng dịch bệnh. Tăng cường hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương trong ứng phó với dịch bệnh chính là thông điệp được Việt Nam chuyển đi khi đề xuất sáng kiến về Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh 27/12.