Số ca nhiễm tăng nhanh, với rất nhiều trường hợp không triệu chứng, đang gióng lên hồi chuông báo động trong công tác phòng chống dịch tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, số ca mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng tại nước này đã lên tới con số 1.100 vào ngày 10/3. Theo NHC, tổng cộng 397 ca nhiễm COVID-19 được xác nhận trong cộng đồng và 703 ca nhiễm không triệu chứng trong cộng đồng đã được báo cáo. Trong số này có 121 trường hợp ở tỉnh Sơn Đông, 98 trường hợp ở tỉnh Cát Lâm, và các trường hợp còn lại được báo cáo ở một số khu vực cấp tỉnh khác. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm hằng ngày trong cộng đồng ở Trung Quốc vượt quá con số 1.000 và cũng là ngày thứ tư liên tiếp Trung Quốc báo cáo trên 500 ca nhiễm mới mỗi ngày. Trong ngày thứ năm liên tiếp, tổng số ca không có triệu chứng vượt quá số ca đã được xác nhận.
Đợt bùng phát này ảnh hưởng đến ít nhất 19 khu vực cấp tỉnh trên tổng số 31 khu vực cấp tỉnh của nước này, trong đó khoảng 50% là những trường hợp không có triệu chứng. Ở một số nơi, các trường hợp không có triệu chứng chiếm hơn 90% tổng số ca nhiễm được xác nhận. Một số chuyên gia y tế Trung Quốc cho biết, đây là đặc điểm chính và rất rõ ràng của các đợt bùng phát dịch hiện nay ở nhiều nơi, báo hiệu một xu hướng đáng lo ngại của các chuỗi lây nhiễm không rõ ràng. Họ cũng gọi làn sóng dịch bệnh mới nhất là "đợt tấn công nghiêm trọng nhất" kể từ đợt dịch ban đầu ở Vũ Hán.
Một số chuyên gia giải thích, trong bối cảnh biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao, Trung Quốc đã và đang tăng cường khả năng miễn dịch của người dân nhờ công tác tiêm chủng được thực hiện rất tốt, với hơn 3,17 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được sử dụng tính đến ngày 9/3. Nhiều người đã được nâng cao khả năng miễn dịch nhờ tiêm chủng. Khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục đột biến, nó dẫn đến tình trạng nhiễm bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng, điều này giải thích tại sao có nhiều trường hợp không có triệu chứng hơn trong các đợt bùng phát hiện nay.
Ông Lư Hồng Châu - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân số 3 Thâm Quyến, cho rằng "một trong những lý do khiến rất nhiều người nhiễm bệnh không triệu chứng là do tiêm chủng hàng loạt và khả năng miễn dịch của người dân được nâng cao". Chuyên gia này nhấn mạnh, với tình hình hiện tại ở Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc), một số người cao tuổi đã tử vong sau khi nhiễm COVID-19, cho thấy rằng "chúng ta không thể làm ngơ trước sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 và không thể coi Omicron là 'đại dịch cúm'.” Theo chuyên gia này, vấn đề là những người đã bị nhiễm một biến thể đột biến như Delta có thể bị nhiễm lại biến chủng Omicron. Với hơn một triệu người vẫn bị nhiễm bệnh mỗi ngày trên toàn cầu, thật khó để nói rằng đại dịch sẽ sớm kết thúc.
Một số chuyên gia y tế Trung Quốc cũng cho rằng, số lượng các ca nhiễm không triệu chứng ngày càng gia tăng khiến cho tình trạng lây lan dịch bệnh trở nên phức tạp hơn. Họ nhấn mạnh, điều này cũng làm tăng thêm những khó khăn liên quan đến việc công tác phòng chống dịch và việc truy vết nguồn gốc lây nhiễm.
Hàng loạt ổ dịch đã xuất hiện tại nhiều trường học, hộ gia đình và cộng đồng dân cư. Ví dụ, quận Lai Tây ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc, đã báo cáo ít nhất 544 ca nhiễm trong 5 ngày, nhưng nguồn gốc của ổ dịch vẫn chưa rõ ràng.
Trong bối cảnh cả thế giới đang phải chiến đấu với đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua, nhiều người ở Trung Quốc đang muốn biết khi nào họ có thể trở lại trạng thái bình thường. Một số người đang xem xét các kế hoạch trong tương lai của Trung Quốc và đặt câu hỏi liệu đã đến lúc nước này thay đổi chiến lược “Zero-COVID” và mở lại biên giới hay chưa. Hiện nay dường như đã có sự thay đổi trong các biện pháp được một số khu vực áp dụng, khi không phải tất cả các thành phố đều phong tỏa nghiêm ngặt như trước đây khi phát hiện những ca nhiễm mới. Điều này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục tìm cách cải thiện các biện pháp chống dịch, cân bằng giữa công tác chống dịch và phát triển kinh tế.
Theo một chuyên gia cấp cao thân cận với Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Trung Quốc, vấn đề lớn hiện nay là sau hai năm chiến đấu không ngừng với COVID-19 “ nhiều lĩnh vực khác nhau đã cho thấy mức độ mệt mỏi nhất định, dẫn đến các biện pháp chống dịch được nới lỏng ở một số nơi". Chuyên gia này cho rằng “sự mệt mỏi và nới lỏng như vậy chắc chắn đè nặng lên kết quả của việc tiếp tục chính sách hiện tại, và điều chúng ta cần làm bây giờ là củng cố những kinh nghiệm thành công trong quá khứ bằng cách sàng lọc các ca nhiễm và đưa họ vào diện cách ly càng sớm càng tốt”.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Trần Hy thuộc Trường Y tế Công cộng tại Đại học Yale (Mỹ), cho rằng Trung Quốc không nên nới lỏng hoàn toàn chính sách phòng chống dịch bệnh vào lúc này. Đối với toàn bộ người dân Trung Quốc, đặc biệt là người cao tuổi và các nhóm chủ chốt khác, tiêm vaccine dường như là cách tiếp cận chính trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Theo chuyên gia này, vẫn còn rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra sau khi Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn những hạn chế trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, mặc dù dữ liệu từ Anh cho thấy tỷ lệ tử vong do biến thể Omicron đã giảm phần lớn sau khi người dân được tiêm mũi vaccine tăng cường, thậm chí là xuống dưới mức độ của bệnh cúm mùa. Ông nhấn mạnh: “Tuy nhiên, nếu điều đó diễn ra trong mùa cúm, nó có thể làm tăng tỷ lệ tử vong và trở thành một nguy cơ mà chúng ta không thể bỏ qua, do dân số đông của Trung Quốc”.
Các chuyên gia y tế Trung Quốc cũng cảnh báo rằng, điều cốt yếu đối với nước này hiện nay vẫn là phải tuân theo chính sách chống dịch không khoan nhượng, vốn đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong, giúp duy trì sinh kế bình thường và phát triển kinh tế với chi phí thấp. Theo họ, mặc dù nhiều quốc gia thảo luận về việc thay đổi chiến lược để sống chung với virus SARS-CoV-2 hoặc từ bỏ các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt, vì thế giới đã chiến đấu không ngừng với virus trong hai năm, nhưng Trung Quốc cần thực hiện chiến lược hiện tại theo nhịp độ của riêng mình, nắm bắt cơ hội để tăng tốc khả năng miễn dịch của cộng đồng thông qua tiêm chủng và dành nhiều thời gian hơn để quan sát tác động của các đột biến trước khi thận trọng chuẩn bị cho việc điều chỉnh chính sách.
Một số nhà dịch tễ học cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để Trung Quốc thảo luận về việc mở cửa trở lại, do vẫn cần gia tăng mức độ miễn dịch công cộng tổng thể, và các đột biến virus gây ra nhiều bất ổn, điều cũng làm suy yếu hiệu quả của vaccine. Một số chuyên gia nhấn mạnh, vẫn còn cơ hội cho đất nước Trung Quốc tiếp tục tăng khả năng miễn dịch của công chúng bằng cách đẩy nhanh việc tiêm chủng hàng loạt trong khi virus đột biến trở nên ít gây chết người hơn và khi hai chiều hướng gần nhau hơn, đây có thể là cơ hội để nói về việc mở cửa trở lại hoặc điều chỉnh chiến lược.
Nhiều quan chức và chuyên gia cấp cao của Trung Quốc gần đây đã giải thích rằng cách tiếp cận “Zero-COVID” không nhằm đạt được mục tiêu không có ca lây nhiễm nào, mà là nhằm mục đích ngăn chặn các đợt bùng phát càng sớm càng tốt. Họ khẳng định, đây vẫn là chính sách đúng đắn của Trung Quốc vào thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, với tốc độ lây nhiễm cao của biến chủng Omicron hiện nay, rõ ràng chiến lược “Zero-COVID” của Trung Quốc đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.