Sau nhiều năm bế tắc ngoại giao, tiến trình hòa bình Trung Đông đã được nối lại thông qua nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.
Để thuyết phục Israel và Palestine vượt qua những nghi kỵ và ngồi vào bàn đàm phán lần này, trong vòng vài tháng qua Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã thực hiện sáu chuyến công du Trung Đông, tìm cách đảm bảo với người Israel rằng những lo ngại về an ninh của họ sẽ được giải quyết, đồng thời thuyết phục người Palestine rằng thỏa thuận hòa bình có lợi nhất cho họ về lâu dài. Một trong những lý do cơ bản khiến Mỹ phải tăng cường sức ép nhằm nhanh chóng nối lại đàm phán là để tránh một cuộc đối đầu giữa Israel và Palestine tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng Chín tới.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (giữa), Trưởng đoàn đàm phán Palestine Saeb Erakat (trái), Bộ trưởng Tư pháp, Trưởng đoàn đàm phán Israel Tzipi Livni sau cuộc họp báo tại Washington DC, ngày 31/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về phía Israel và Palestine, trong bối cảnh bất ổn lan rộng trong khu vực, có lẽ hai bên đều hiểu rằng bế tắc trong tiến trình hòa bình sẽ không có lợi cho họ, như Trưởng đoàn đàm phán Palestine, ông Saeb Erekat thừa nhận: "Người Palestine đã chịu đựng đủ và không ai có lợi từ hòa bình lâu dài hơn là người Palestine. Đã đến lúc người Palestine phải có một quốc gia chủ quyền".
Bế tắc với Palestine trở thành mối đe dọa chiến lược đối với Israel, gây thiệt hại lớn về hình ảnh, uy tín, ngoại giao và kinh tế của nước này. Israel còn kỳ vọng tiến trình đàm phán hòa bình sẽ tạo cơ hội thiết lập liên minh chống lại những mối đe dọa chính từ những lực lượng Hồi giáo cực đoan. Trưởng đoàn đàm phán Ixraen, bà Tzipi Livni nhấn mạnh: "Đàm phán sẽ không hề dễ dàng mà sẽ khó khăn và thăng trầm", nhưng đây là "tia hy vọng, dù nhỏ, để thoát khỏi sự nghi kị và bi quan" giữa các bên.
Những trở ngại khó vượt qua
Bên cạnh sự thù địch và mất lòng tin, những trở ngại cơ bản tồn tại suốt nhiều thập niên qua trong cuộc xung đột giữa Palestine và Israel bao gồm các khu định cư Do Thái tại vùng lãnh thổ mà người Palestine xác nhận chủ quyền, vấn đề người tị nạn Palestine đang tìm cách hồi hương và việc kiểm soát Jerusalem, nhất là những khu vực linh thiêng của người Hồi giáo. Người Palestine muốn một nhà nước ở Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem - các vùng lãnh thổ mà Israel chiếm đóng từ cuộc chiến tranh năm 1967.
Kể từ sau cuộc chiến này, Israel đã xây dựng hàng chục khu định cư ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, với hơn nửa triệu người Do Thái sinh sống hiện nay. Điều này khiến cho việc đạt được một thỏa thuận ngày càng trở nên khó khăn và giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình dường vẫn càng xa vời.
Trên thực tế, từ khi thành lập nhà nước Israel năm 1947, cuộc xung đột Trung Đông đã làm nẩy sinh một tiến trình hòa bình quanh co chỉ mang tính hình thức chứ không có giải pháp thỏa đáng. Giới lãnh đạo của cả hai bên đều phải đối mặt với sự phản đối từ dư luận của mỗi bên đối với các cuộc thương lượng, nhất là khi bàn đến những vấn đề nhạy cảm như an ninh, biên giới và quy chế của Jerusalem.
Trong nội bộ liên minh cầm quyền thiên hữu của Israel, bà Livni thừa nhận: "Có những bộ trưởng không muốn một thỏa thuận hòa bình với Palestine". Các bộ trưởng theo đường lối cứng rắn đã công khai phản đối việc thành lập nhà nước Palestine, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục xây dựng các khu định cư Do Thái trên đất chiếm đóng của Palestine. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Yaalon đã gây sức ép với Thủ tướng Benjamin Netanyahu để không thỏa hiệp về các vấn đề an ninh.
Về phía Palestine, quan chức cấp cao Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), ông Yasser Abed Rabbo nhận xét rằng trên thực tế, các nhà thương lượng hai bên đang bất đồng về thời điểm bàn những vấn đề cốt lõi như biên giới và an ninh, trong đó phía Palestine muốn bàn về biên giới trước, còn Israel yêu cầu thảo luận tất cả các chủ đề cùng lúc. Bên cạnh đó, bất kỳ thỏa thuận nào nếu hai bên đạt được đều phải tính tới các nhân tố Arab trong khu vực, vì Jerusalam không chỉ là vấn đề của riêng Palestine.
Cuộc gặp giữa các nhà đàm phán hòa bình Israel và Palestine tại Washington đã đem lại những tín hiệu lạc quan và hy vọng, nhưng dư luận hai bên không mấy tin tưởng vào khả năng đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Hầu hết giới học giả ở Israel cho rằng hòa đàm được nối lại về cơ bản vì cả hai phía đều không muốn bị xem là bên từ chối hòa bình và làm khó cho nỗ lực hòa bình của ông Kerry. Mỗi bên đều chờ đợi phía bên kia bước ra khỏi bàn đàm phán để mong giành lợi thế về ngoại giao.
Một số học giả còn đánh giá những diễn biến mới này bộc lộ sự sói mòn rất lớn về quan điểm chiến lược của ông Netanyahu khi thực hiện chính sách mà chính ông đã phản đối trong suốt nhiều thập niên qua. Điều đó có nghĩa ông Netanyahu đã không thực hiện được chính sách mà ông từng tin tưởng, hay nói cách khác là thực hiện chính sách mà ông không hề có niềm tin. Do đó, tiến trình này được cho là khó có thể kéo dài.
Trong khi đó, sự thiếu niềm tin khiến nhiều người Palestine dường như không thực sự quan tâm tới việc nối lại hòa đàm với Israel và xem diễn biến mới này chỉ là cách để xoa dịu Washington. Hầu hết họ cho rằng cơ hội để có được một nhà nước Palestine trong các đường biên giới năm 1967, là rất nhỏ. Đó là chưa kể mối bất hòa giữa hai phái Hamas và Fatah, những bất đồng bên trong nội bộ chính quyền Palestine, cũng như tình hình kinh tế xã hội khó khăn.
Lường trước những khó khăn từ phía dư luận, các nhà lãnh đạo hai bên Israel và Palestine đều tuyên bố trước khi nối lại hòa đàm sẽ tiến hành trưng cầu dân ý đối với bất kỳ thỏa thuận nào mà hai bên có thể đạt được. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã khôn khéo đề nghị các bên giữ kín nội dung làm việc. Ông Kerry chắc chắn hiểu rằng dư luận có thể đóng vai trò quyết định đến khả năng thành bại của tiến trình đàm phán này. Chừng nào các cuộc gặp còn được giữ kín thì đàm phán sẽ ít nhiều đạt được một số tiến triển.
Hòa bình trong hy vọng
Cuộc xung đột được xem là khó khăn nhất trên thế giới trong suốt sáu thập niên qua đã bước vào một giai đoạn mới với thông báo của ông Kerry về việc các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên trong suốt ba năm qua sẽ diễn ra nghiêm túc trong vòng hai tuần tới ở Israel hoặc Palestine. Các bên đã đạt được thỏa thuận về cách thức tiến hành các cuộc gặp tiếp theo vào tuần thứ hai của tháng 8/2013, sau khi kết thúc tháng lễ ăn kiêng Ramadan của người Hồi giáo.
Ông Kerry lạc quan tuyên bố: "Mục tiêu của chúng tôi là đạt được thỏa thuận quy chế cuối cùng (cho Nhà nước Palestin) trong vòng chín tháng tới". Thừa nhận những trở ngại từ nhiều năm thù địch và mất lòng tin giữa Israel và Palestin, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng tiến trình này sẽ khó khăn, nhưng tin tưởng rằng các bên có thể đạt được một thỏa thuận. Đại sứ Mỹ tại Israel, ông Dan Shapiro cũng nhận định "có lý do để hy vọng về đàm phán thành công".
Trong các cuộc thương lượng sắp tới, hai bên sẽ phác thảo những nguyên tắc chung về mỗi vấn đề, sau đó các nhóm chuyên viên mỗi bên sẽ đi vào bàn chi tiết. Đàm phán nhiều khả năng sẽ tập trung trước hết vào các vấn đề kỹ thuật.
Bất ổn lan rộng ở Trung Đông và mong muốn của giới lãnh đạo hai bên nhằm để lại dấu ấn lịch sử có thể giúp vượt qua những nghi kỵ và nghiêng cán cân theo hướng đạt được một thỏa thuận hòa bình Israel-Palestine. Nếu các nhà lãnh đạo Israel và Palestine thực sự nghiêm túc đối với cuộc đàm phán hòa bình thì khoảng thời gian chín tháng theo kế hoạch được cho là đủ để hai bên có thể đạt được thỏa thuận về quy chế cuối cùng cho một nhà nước Palestine. Tuy nhiên, dù các bên có vượt qua được những rào cản lớn nói trên thì tiến trình đàm phán này vẫn bị đánh giá là khó có thể đem lại một thỏa thuận hòa bình lâu dài.
Khi ấn định thời điểm tái khởi động cuộc đàm phán hòa bình tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã nhấn mạnh rằng thành công sẽ đòi hỏi "những thỏa hiệp hợp lý về các vấn đề khó khăn, phức tạp và mang tính biểu tượng". Triển vọng thỏa hiệp giữa giới lãnh đạo Israel và Palestine về những vấn đề khó khăn, từ đường biên giới và an ninh tới việc kiểm soát Jerusalem và số phận người tị nạn Palestine, khiến nhiều quan chức và chuyên gia khu vực nhận định tiến trình này sẽ phải vượt qua những chặng đường rất dài để có thể đi đến thành công.
Bùi Hoàn(Phóng viên TTXVN tại Israel)