Hỗ trợ Philippines sau bão, Mỹ khẳng định sự hiện diện tại khu vực

Theo báo mạng "Asiasentinel", việc lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ nhanh chóng tới đảo Leyte của Philippines giúp người dân nơi đây khắc phục hậu quả siêu bão Haiyan được cho là hành động tượng trưng cho việc Mỹ tiếp tục hiện diện tại khu vực.

Những người sống sót sau bão đang tranh nhau lên chiếc máy bay vận tải quân sự C-130 của Mỹ. Ảnh: AP


Hình ảnh lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ dưới sự chỉ huy của Tướng Paul Kennedy - Tư lệnh Lữ đoàn Viễn chinh Thủy quân Lục chiến số 3 có căn cứ ở Okinawa - giúp đỡ người dân ở thành phố Tacloban ngay sau bão đã in dấu ấn đậm nét tại Washington cũng như ở khu vực. Mỹ đã huy động tới 9 máy bay vận tải C-130, 4 máy bay MV-22 Osprey, 2 máy bay P3 Orion làm nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn. Hàng viện trợ gồm lều bạt trú ẩn khẩn cấp và các thiết bị vệ sinh do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cung cấp, 55 tấn lương thực cung cấp cho 20.000 trẻ em và 15.000 người lớn trong 5 ngày, Đại sứ quán Mỹ ở Manila hỗ trợ 100.000 USD mua nước sạch. Ngày 11/11, Mỹ tuyên bố tàu sân bay George Washington và đội tàu hộ tống với 7.000 thủy thủ đã rời Hong Kong để tham gia các nỗ lực cứu trợ ở Philippines.

Phản ứng tức thì của Mỹ thể hiện mối quan hệ lâu dài của Washington với Philippines, nước từng là thuộc địa của Mỹ. Có thể nói, các động thái này của Mỹ là hết sức ấn tượng, đặc biệt nó nêu bật ý định của Mỹ muốn khẳng định sự hiện diện của mình trong khu vực. Tướng Kennedy tới Philippines cùng với một đơn vị lính thủy đánh bộ đầu tiên, sau đó lực lượng tiếp tục được tăng cường. Phát biểu trên truyền hình CNN, Tướng Kennedy nói: “Mọi thứ đã bị phá hủy. Những con đường không thể đi lại được, tất cả cây cối đều đổ gục, điện mất… Chúng tôi sẽ chỉ rời đi khi chính phủ và các lực lượng vũ trang Philippines yêu cầu”.

Chắc chắn, nhiều người Philippines vẫn thận trọng với những ý định của Washington, song khi cần phản ứng với thảm họa, sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực là hết sức hữu ích. Ví dụ, phản ứng của quân đội Mỹ đối với thảm họa sóng thần năm 2004 ở Aceh đã giúp làm ấm các mối quan hệ với Indonesia sau nhiều năm căng thẳng xung quanh vấn đề nhân quyền ở Indonesia.

Hình ảnh của quân đội Mỹ trong khu vực gần đây bị giảm sút do vụ bê bối hối lộ của các sĩ quan hải quân liên quan đến chi phí hậu cần khi tàu cập bến. Tuy vậy, khả năng của Mỹ trong việc triển khai lực lượng và hỗ trợ khắc phục các thảm họa gần như luôn được đánh giá cao.

Sự hỗ trợ nhanh chóng của Mỹ hoàn toàn trái ngược với lời đề nghị hỗ trợ tương đối nhỏ của Bắc Kinh với một chuyến bay chở hàng cứu trợ tới Philippines vào ngày 12/11 và 200.000 USD tiền mặt. Nếu Bắc Kinh muốn tìm cách thể hiện sức mạnh mềm của họ ở Biển Đông thì không nên làm như vậy vì chắc chắn họ sẽ cảm thấy xấu hổ thực sự trước những khoản sự viện trợ khổng lồ từ khắp thế giới dành cho Philippines. Australia công bố gói viện trợ trị giá 10 triệu USD, bao gồm nhân viên y tế và các trang thiết bị như lều bạt, túi ngủ, màn chống muỗi, thùng chứa nước và các thiết bị vệ sinh. Anh tuyên bố viện trợ trị giá 6 triệu bảng (9,6 triệu USD) với các lều tạm, nước, nệm nhựa và các vật dụng gia đình. New Zealand đề nghị viện trợ 2,15 triệu đôla New Zealand và Nhật Bản gửi đội cứu trợ y tế khẩn cấp 25 người đến Philippines. Indonesia cũng triển khai máy bay chở hàng cứu trợ và lực lượng hỗ trợ đến Philippines. Trung Quốc dĩ nhiên có các tàu hải cảnh và hải giám ở cách không xa nơi họ tuyên bố chủ quyền đối với các bãi cạn và bãi đá ngầm tranh chấp với Philippines, song chưa chắc các tàu đó sẽ được điều đến đảo Leyte.


Tiến Trung

Thế giới hướng về Philippines
Thế giới hướng về Philippines

Sau khi siêu bão Haiyan mạnh nhất năm 2013 càn quét Philippines, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã khẩn trương triển khai hoạt động viện trợ và công tác cứu trợ, cứu nạn khẩn cấp giúp chính phủ và người dân Philippines khắc phục hậu quả.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN