Hai kịch bản cho tương lai Trung Đông

Theo báo "Bưu điện Quốc gia" (Canađa) ngày 10/2, với việc rất nhiều kịch bản đang được soạn thảo cho "đấu trường" Trung Đông, liệu kịch bản nào sẽ được chọn? Sau đây là hai kịch bản:

Một là, mọi việc trở nên êm ả tại Trung Đông. Sau khi sự giận dữ lắng xuống, người dân Arập, những người đã biểu tình để lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali tại Tuynidi và đang đòi lật đổ Tổng thống Hosni Mubarak tại Ai Cập, sẽ lại tự nguyện chịu đựng sự cai trị của một nhà độc tài tương tự, cũng với sự ủng hộ của quân đội. Một số nhà cầm quyền mới có thể ít tham nhũng, gia đình trị và giỏi giang hơn những người tiền nhiệm của họ; một số nhà cầm quyền có thể ít nhiều có thái độ thù địch hơn đối với các lợi ích của phương Tây và Ixraen, song sẽ không có ai là nhà lãnh đạo dân chủ một cách đúng nghĩa.

Những người biểu tình tập trung tại quảng trường Tahrir ở Cairo ngày 11/2.

Những nhà độc tài như vậy có hấp dẫn hay không? Không. Nhưng họ không có những khuynh hướng tổ chức thánh chiến. Tham vọng của họ là đến thăm Nhà Trắng chứ không phải đánh bom nơi này. Ít người sẽ tìm cách sản xuất các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và sẽ chỉ dự tính sử dụng các vũ khí hủy diệt hàng loạt vì các mục đích trong khu vực, chứ không phải để tấn công Mỹ và phương Tây.

Hai là,
dân chủ xuất hiện tại Trung Đông. Khu vực này sẽ thay đổi một cách cơ bản bởi những sự kiện trong những tuần vừa qua không diễn ra một cách hoàn toàn bất ngờ. Chúng phản ánh lời kêu gọi thế giới Arập/Hồi giáo mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra tại Cairô hôm 4/6/2009. Ông Obama đã nói trong bài phát biểu mang tên "Một sự khởi đầu mới": "Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng tất cả mọi người đều khát khao có thể phát biểu suy nghĩ của mình, cũng như đóng góp ý kiến về cách thức được cai trị; lòng tin vào quyền lực của luật pháp và sự thực thi công lý bình đẳng; một chính phủ minh bạch và không tham nhũng của dân; được tự do sống theo ý mình".

Tại trường Đại học Cairô, dù vô tình hay cố ý, ông Obama đã bày tỏ sự tin tưởng rằng người dân Ai Cập đang khao khát những điều mà chính phủ nước này đang từ chối họ. Tổng thống Mỹ không khuyến khích sinh viên trường Đại học Cairô đòi dân chủ mà chỉ ngầm nói rằng ông sẽ hiểu nếu họ làm như vậy. Sau khi lật đổ các nhà độc tài, các nước Arập sẽ có những nhà cầm quyền khác hẳn những người họ đã lật đổ. Các chính phủ Arập mới sẽ theo mô hình dân chủ mà Tổng thống Obama đã vạch ra; các nhà lãnh đạo Arập sẽ không có những tham vọng thánh chiến hoặc tìm cách sản xuất các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt vì bất cứ mục đích gì. Thực tế là các nước Arập có thể chuyển đổi thành các nền dân chủ kiểu phương Tây.

Theo các nhà phân tích, khả năng xảy ra kịch bản thứ nhất là rất cao. Người ta ít biết về người kế nhiệm Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali tại Tuynidi, và ông Mubarak hiện mới chỉ gặp nguy hiểm. Còn với các nhà độc tài khác trong khu vực, vẫn chưa có ai đưa ra lời thách đấu với họ.

Kịch bản thứ hai được đưa ra chỉ vì mọi việc đều có thể xảy ra mà thôi, chứ kịch bản này dường như không thể trở thành hiện thực. Làm sao có được dân chủ ở phương Đông, khi nền dân chủ này sống dựa hoàn toàn vào sự hỗ trợ của phương Tây?

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN