Giá cả hàng hóa giảm, Mỹ lo khả năng giảm phát

Giá cả đang sụt giảm ở Mỹ khi lệnh phong tỏa phòng tránh COVID-19 kéo dài và người dân chi tiêu ít hơn.

Theo kênh CNN (Mỹ), Cục Thống kê Lao động ngày 12/5 cho biết giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 4 giảm tháng thứ hai liên tiếp. Giá cả giảm 0,8% sau khi điều chỉnh theo mùa và đây là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 12/2008.

Chú thích ảnh
Giá cả giảm khiến các nhà kinh tế lo giảm phát. Ảnh: think.ing.com

Theo các chuyên gia, đó là mức sụt giảm đáng báo động, chủ yếu là do giá xăng và năng lượng giảm. Tuy nhiên, khi không tính giá năng lượng và thực phẩm vốn hay biến động, thì giá cả nói chung vẫn giảm 0,4%. Đó là mức giảm lớn nhất tính theo tháng của chỉ số giá tiêu dùng kể từ khi có dữ liệu năm 1957.

Giá cả sụt giảm nghe có vẻ như là điều tốt, nhưng các nhà kinh tế cho rằng giảm phát là tin tức rất xấu.

Khi giá giảm vì người dân không mua sắm, các nhà sản xuất đôi khi không thể bù đắp chi phí sản xuất ra sản phẩm mà họ cố gắng bán. Điều đó có nghĩa là họ sẽ ngừng sản xuất sản phẩm và sa thải người lao động.

Tình trạng này có thể kích hoạt vòng luẩn quẩn mà trong đó, nhu cầu tiếp tục giảm khi ngày càng nhiều người mất việc làm.

Hiện nay giảm phát chưa xảy ra vì giá cả đã tăng 0,3% trong 12 tháng qua, nhưng nếu lệnh phong tỏa, yêu cầu dân ở nhà còn kéo dài và khiến nền kinh tế đình trệ hàng loạt, giá cả sẽ thấp hơn và có thể gây thiệt hại nặng nề hơn.

Giá dầu giảm choáng váng

Chú thích ảnh
Giá cả giảm khi nhiều người Mỹ ở nhà và lái xe ít hơn. Ảnh: Getty Images

Giá năng lượng sụp đổ vì khủng hoảng cầu trên thị trường dầu mỏ kết hợp với cuộc chiến tranh về giá không đúng thời điểm giữa Saudi Arabia và Nga.

Thị trường dầu mỏ đang chật vật khi mức cầu giảm vì người dân không đi lại do làm việc ở nhà hoặc mất việc. Tuy nhiên, các công ty dầu mỏ tiếp tục sản xuất mà không còn chỗ chứa sản phẩm làm ra. Điều đó khiến giá dầu hợp đồng tương lai có lúc giảm xuống mức âm trong tháng trước.

Tại Mỹ, chỉ số giá xăng giảm 20,6% trong tháng 4. Chỉ số năng lượng chung giảm 10,1%.

Giá quần áo, ô tô, vé máy bay cũng giảm

Mặc dù trong tháng qua, giá năng lượng giảm là chủ yếu nhưng đây không phải lĩnh vực duy nhất giá cả giảm.

Giá hàng may mặc, bảo hiểm ô tô, giá vé máy bay và phòng cho thuê đều góp phần kéo giảm chỉ số giá nói chung do nhu cầu các mặt hàng, dịch vụ này không còn.

Khi phần lớn người Mỹ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi một số hạn chế đi lại, số tiền họ chi để đi nghỉ cũng như để mua sắm đều giảm.

Các nhà kinh tế lo ngại xu hướng giảm chi tiêu này có thể mất thời gian mới hồi phục vì người tiêu dùng vẫn thận trọng ngay cả khi lệnh hạn chế được nới lỏng.

Giá thực phẩm, thuê nhà tăng

Chú thích ảnh
Giá thực phẩm tăng do người Mỹ ăn ở nhà nhiều hơn. Ảnh: laprensalatina

Trái lại, giá thực phẩm lại tăng 2,6%, mức tăng mạnh nhất từ tháng 2/1974. Chỉ số giá trứng tăng hơn 16%, mức tăng mạnh nhất so với các mặt hàng thực phẩm. Nguyên nhân giá thực phẩm tăng là do người Mỹ ăn ở nhà nhiều hơn. Trong đó, thịt bò, thịt lợn còn thiếu cung vì dịch bệnh bùng phát tại các nhà máy đóng gói thịt. Giá thịt gà tăng 5,8%, còn giá thịt bò tăng 3,7%.

Ngoài thực phẩm, chi phí y tế và thuê nhà cũng tăng nhẹ. 

Các nhà kinh tế dự báo khủng hoảng dịch bệnh sẽ gây ra giảm phát. Số liệu tháng 4 là minh chứng cho điều đó. Giảm phát không phải là tin tốt lành với các nhà hoạch định chính sách tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). FED muốn giữ lạm phát ở mức 2% - mức lý tưởng để nền kinh tế Mỹ cân bằng.

Ông Sal Guatieri, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Montreal nhận định: “Ngay cả khi nền kinh tế mở cửa trở lại, chỉ số lạm phát có thể giảm xuống dưới 1% trong năm tới do tỷ lệ thất nghiệp cao và giá cả hàng hóa thấp”.

FED đã đưa ra gói kích thích chính sách tiền tệ lớn để ổn định các thị trường và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khủng hoảng.

Bình thường, động thái tiền tệ này có thể làm lạm phát tăng, nhưng nhà kinh tế Mỹ Gregory Daco tại Oxford Economics nói rằng xét xu hướng giá cả hiện nay, lạm phát tăng là điều khó xảy ra. Lạm phát đang có xu hướng giảm và khó có thể là vấn đề trong một thời gian dài cho dù chi tiêu và nợ mới của chính phủ đều tăng.

Ít có khả năng có quá nhiều người mua cùng mua một số lượng quá ít hàng hóa – dấu hiệu điển hình của lạm phát. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi nền kinh tế phục hồi hoàn toàn mà đa số nhà kinh tế cho rằng phải mất vài năm nữa. FED có thể giữ lãi suất gần 0 cho tới khi đó.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế Đức và Pháp
Tác động của đại dịch COVID-19 đến kinh tế Đức và Pháp

Ngân hàng phát triển quốc gia KfW của Đức ngày 12/5 cho biết sản lượng kinh tế nước này có thể giảm khoảng 20 - 25% trong vài tuần do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời hoạt động kinh tế có thể đạt mức thấp nhất trong tháng 4 nếu tránh được đợt dịch thứ 2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN