Theo báo Nhật Bản "Sankei", ý tưởng về dự án xây dựng tuyến đường sắt “con đường tơ lụa” nối từ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc qua Trung Á, Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên. Đây là dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên đại lục Âu-Á dài 5.000 km bằng cách bổ sung thêm các tuyến đường sắt mới vào mạng lưới đường sắt hiện có. Dự án này do Trung Quốc và Iran đóng vai trò chủ đạo và một hội nghị giữa các quốc gia liên quan dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu năm tới. Nếu được thực hiện, đối với Trung Quốc, đây sẽ là tuyến đường trên đất liền quan trọng giúp mở rộng mạng lưới thương mại với các nước láng giềng và cung cấp tài nguyên khoáng sản.
Một đoàn tàu cao tốc nước ngoài |
Dự án trên sẽ xây dựng tuyến đường sắt quốc tế từ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương qua 3 nước Trung Á là Cadắcxtan, Cưrơgưxtan và Udơbêkixtan, vào Ápganixtan, qua Iran tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Báo chí đưa tin, Iran đã đạt được thỏa thuận cơ bản với Thổ Nhĩ Kỳ, Ápganixtan và Udơbêkixtan về việc xây dựng tuyến đường sắt giữa các nước này. Trung Quốc và Iran sẽ tổ chức hội nghị các nhà chức trách đường sắt của 7 nước hữu quan và tiến hành nghiên cứu tính khả thi của dự án. Iran đã tính toán tổng chi phí xây dựng tuyến đường sắt “con đường tơ lụa” vào khoảng 4,3 tỷ USD. Các nước tham gia dự án sẽ thảo luận với nhau về chi phí ở giai đoạn nghiên cứu tính khả thi của dự án và hy vọng sẽ nhận được nguồn vốn lãi suất thấp ưu đãi từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Trong ý tưởng về tuyến đường sắt “con đường tơ lụa”, người ta có nêu hiệu quả kinh tế của tuyến lưu thông hàng hóa nối Trung Quốc với Trung Á và Trung Đông. Nguồn tin từ giới thương mại cho biết cũng đã có kế hoạch xây dựng tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt dọc tuyến đường sắt này. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ dự án sẽ được thực hiện như thế nào khi qua đất nước còn chiến tranh, khủng bố như Ápganixtan. Có khả năng dự án sẽ thay đổi, chạy qua Tuốcmênixtan.
Ý tưởng về tuyến đường sắt “con đường tơ lụa” đã có từ những năm 1990, nhưng các nước liên quan đã không nhất trí được với nhau nên ý tưởng này đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, lần này, Trung Quốc hồi tháng 9 đã đồng ý giúp 2 tỷ USD cho kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt ở Iran, nhờ đó ý tưởng giữ vai trò chủ đạo của hai nước trong thực hiện dự án trên đã có bước tiến triển nhanh bất ngờ.
Ngoài việc vận chuyển hành khách và hàng hóa, tuyến đường sắt trên còn có thể sử dụng cho mục đích vận chuyển hàng quân sự.
Minh Sơn (P/v TTXVN tại Nhật Bản)