Động lực để Anh tham gia không kích ở Syria

Động lực để Anh tham gia chiến dịch không kích đã tăng lên sau vụ tấn công khủng bố ngày 13/11 ở Paris khiến 130 người thiệt mạng và việc ông Hollande hôm 3/12 đề cao “một hành động phản ứng mới để kêu gọi sự đoàn kết của châu Âu”.

Ngày 3/12, Anh đã tham gia chiến dịch ném bom ở Syria do Mỹ dẫn đầu, với việc tấn công vào mỏ dầu đang nằm dưới sự kiểm soát của nhóm "thánh chiến" Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thủ tướng Anh David Cameron (phải, trước) thăm căn cứ RAF Northolt của Không quân Hoàng gia Anh ở phía tây London ngày 23/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái trên diễn ra chỉ vài giờ sau khi Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua kế hoạch không kích ở Syria. Vào tối 2/12, sau cuộc tranh luận căng thẳng kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ, Hạ viện Anh đã thông qua kế hoạch của Chính quyền Thủ tướng Cameron về việc không kích Syria, với 397 phiếu thuận và 223 phiếu chống. Tuy nhiên một loạt nghị sĩ bao gồm lãnh đạo Công đảng đối lập chính Jeremy Corbyn đã lên tiếng phản đối cuộc không kích.

Ông Corbyn đã chỉ trích “hành động vội vàng thiếu suy nghĩ dẫn tới chiến tranh” của ông Cameron và cho rằng đề xuất của Thủ tướng “không có cơ sở”. Tuy nhiên, người phát ngôn về vấn đề đối ngoại của Công đảng Hilary Benn lại có bài phát biểu hùng hồn ủng hộ chiến dịch không kích- điều cho thấy chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng. Cuối cùng, 66 trong tổng số 231 nghị sĩ thuộc Công đảng bỏ phiếu thuận, bao gồm 11 thành viên trong nội các dự bị của ông Corbyn.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh cho biết các máy bay của Lực lượng Hoàng gia Anh đóng tại Cyprus đã tiến hành “chiến dịch không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu khủng bố IS trong lãnh thổ Syria”.

Các cuộc không kích sử dụng bốn chiến đấu cơ Tornado mang theo bom Paveway có cảm biến dẫn đường đã nhằm vào mục tiêu ở mỏ dầu Omar miền Đông Syria, cách biên giới Iraq 48 km.

Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh cho biết mỏ dầu này “cung cấp hơn 10% nguồn thu từ dầu mỏ. Những phân tích ban đầu về chiến dịch cho thấy các cuộc không kích đã thành công”.

Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải kiên trì và bền bỉ. Việc này sẽ đòi hỏi nhiều thời gian. Chúng ta sẽ có được sự trợ giúp lớn từ các đồng minh bởi họ muốn chúng ta cùng tham gia vào hành động này”. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết họ hoan nghênh bước đi này của Anh.

Trong khi đó, Nga- quốc gia đang tiến hành chiến dịch không kích riêng ở Syria tấn công các mục tiêu IS- cũng đưa ra ý kiến với người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng hiện nay chỉ nên có một liên minh duy nhất để thúc đẩy tính “hiệu quả” của chiến dịch không kích.

Anh hiện có 8 chiến đấu cơ Tornado cùng các máy bay không người lái tham gia chiến dịch ném bom của liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các mục tiêu của IS ở Iraq, hoạt động bên ngoài căn cứ Akrotiri của Không lực Hoàng gia Anh (RAF) ở Cyprus.

Anh sẽ triển khai thêm sáu máy bay phản lực Typhoon từ căn cứ Lossiemouth của RAF ở Scotland và hai chiến đấu cơ Tornado khác từ căn cứ Marham của RAF ở Đông Nam nước Anh. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nghi ngờ về việc Anh sẽ đóng góp bao nhiêu cho chiến dịch chống IS ở Syria.

Anh vốn luôn thận trọng cân nhắc trước khi nhúng tay vào các cuộc xung đột nước ngoài trong những năm gần đây sau các cuộc chiến bị nhiều người chỉ trích ở Afghanistan và Iraq. Giáo sư Malcolm Chalmers của Viện Các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) nói: “Họ sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn trong chiến dịch. Việc Anh tham gia chiến dịch có phần quan trọng về mặt biểu tượng và hữu ích trong hành động, nhưng không tạo ra sự chuyển biến lớn”.


Ông Cameron đã cam kết rằng việc Anh tham gia không kích ở Syria sẽ phù hợp với nỗ lực ngoại giao lớn để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Hội nghị hòa bình về Syria gần đây nhất được tổ chức ở Vienna (Áo) tháng 11/2015 có sự tham dự của 17 nước trong đó có Nga, Mỹ, Saudi Arabia và Iran. Hội nghị vạch ra một lộ trình cố định cho một lệnh ngừng bắn và sau đó là một chính phủ chuyển tiếp trong vòng sáu tháng và một năm sau tiến hành tổ chức bầu cử. Các nhân vật đối lập ở Syria đã gọi kế hoạch này là phi hiện thực.

Trong suốt buổi tranh luận, Chính quyền Cameron cũng đối mặt với một loạt câu hỏi như liệu việc tham gia chiến dịch quân sự quốc tế ở Syria có khiến Anh đứng trước nguy cơ là mục tiêu tấn công của IS hơn hay không. Cuộc tấn công quy mô lớn gần đây nhất ở Anh là vụ đánh bom hôm 7/7/2005 khiến 52 người thiệt mạng.

Tháng 6/2015, trong vụ tấn công vào khu nghỉ dưỡng ở Tunisia mà IS lên tiếng nhận trách nhiệm, 30 người Anh trong số 38 du khách đã bị thiệt mạng. Ngoài ra, các quan chức cho biết 7 âm mưu khủng bố đã bị cơ quan tình báo Anh phát hiện trong năm 2014.

Ông Cameron nói rằng con số này cho thấy việc xúc tiến hành động ngay lập tức là điều đúng đắn. Ông nói: “Các kẻ khủng bố đang âm mưu giết hại chúng ta và biến trẻ em trở thành các phần tử cực đoan. Chúng tấn công chúng ta bởi chúng ta là ai, chứ không phải bởi những gì chúng ta làm”.

TTK (Theo AFP)
Nga hoan nghênh Anh không kích IS tại Syria
Nga hoan nghênh Anh không kích IS tại Syria

Điện Kremlin ngày 3/12 đã hoan nghênh việc Anh mở các cuộc không kích chống tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Syria, song cho rằng các cuộc không kích này vẫn thiếu "cơ sở pháp lý" và cần thiết lập một liên minh chống IS lớn mạnh hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN