Những diễn biến dồn dập và phức tạp ở Sudan, với việc quân đội bắt giữ Tổng thống Omar Al-Bashir và các quan chức chính phủ, tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước trong 2 năm, đình chỉ Hiến pháp và ban bố tình trạng khẩn cấp, đang đe dọa đẩy đất nước là nơi hợp lưu của dòng Nile Xanh và Nile Trắng này rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị. Sau những biến động chính trị tại Algeria với việc Tổng thống Abdelaziz Bouteflika từ chức, cùng tình hình căng thẳng leo thang tại Libya khi cuộc giao tranh giữa hai phe phái ở nước này dẫn tới một thảm họa cận kề, Sudan đang có nguy cơ trở thành "điểm nóng" bất ổn mới ở châu Phi kéo theo những hậu quả khó lường.
Tình trạng hỗn loạn tại Sudan bùng phát từ cuối năm ngoái, bắt đầu từ các cuộc biểu tình nổ ra từ ngày 19/12/2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực và các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng mạnh, đồng thời bất bình khi chính quyền thể hiện năng lực quản lý yếu kém, khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Thời điểm đó, Sudan phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại hối trầm trọng và tỷ lệ lạm phát tăng vọt, lên tới 70%, giá trị đồng nội tệ lao dốc mạnh, trong khi tình trạng khan hiếm lương thực, nhiên liệu kéo dài tại nhiều địa phương trong cả nước. Quyết định của Chính phủ Sudan tăng giá mặt hàng thiết yếu bánh mì lên gấp 3 lần được cho là "giọt nước tràn ly", khiến làn sóng biểu tình lan rộng và nhanh chóng biến thành bạo lực. Nhiều chuyên gia khi đó đã nhắc tới hình bóng của một "Mùa Xuân Arab", với cảnh báo rằng làn sóng từng gây rối loạn ở Trung Đông-Bắc Phi năm 2011 này sẽ "nhấn chìm" Sudan trong năm 2019.
Thực tế thì những khó khăn kinh tế của Sudan bắt nguồn từ khoảng 20 năm qua, một phần do chính sách phát triển được đánh giá là không hợp lý, phần khác là do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với Sudan áp đặt từ năm 1997 và chỉ được dỡ bỏ tháng 10/2017. Đơn cử như với quá trình đô thị hóa, người dân bỏ hoang những vùng đất nông nghiệp rộng lớn để dịch chuyển tới thành phố, và hệ quả là quốc gia này trở nên phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực. Bên cạnh đó, số lượng gia súc chăn nuôi lại cao hơn mức mà môi trường và khí hậu cho phép, càng khiến cho tình trạng mất cân bằng nông nghiệp của Sudan trở nên trầm trọng.
Trong giai đoạn này, Sudan có 2 nguồn thu ngoại tệ chủ yếu, là dòng kiều hối mà lao động tại các quốc gia vùng Vịnh và Libya gửi về, và doanh thu từ dầu mỏ tại Nam Sudan. Tình hình hỗn loạn nổ ra tại Libya sau "Mùa xuân Arab" và việc Saudi Arabia áp dụng chính sách đánh thuế cao hơn với lao động nước ngoài nhằm ưu tiên tạo việc làm cho lao động trong nước đã khiến người lao động Sudan phải trở về nước. Thêm vào đó, nguồn thu ngoại tệ thứ hai từ dầu mỏ cũng cạn kiệt dần sau khi Nam Sudan tách ra độc lập năm 2011, khiến Sudan mất tới 75% nguồn doanh thu từ dầu mỏ.
Cùng với đó, vấn nạn tham nhũng, được cho là "hiện diện khắp mọi ngóc ngách" tại Sudan, kèm theo tình trạng bạo lực và an ninh bất ổn chưa thể giải quyết dứt điểm tại các vùng Darfur, Nile Blue và Nam Kordofan, càng khiến khủng hoảng kinh tế thêm trầm trọng. Những bất bình trong xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, trong khi chính quyền tỏ ra bất lực. Trên thực tế, cái gọi là “Mùa xuân Arab” từng cận kề Sudan năm 2013, khi các cuộc biểu tình phản đối tăng giá xăng dầu khiến khoảng 200 người thiệt mạng. Cuộc biểu tình sau đó được Tổng thống Omar al-Bashir ngăn chặn và dập tắt, cùng với cam kết sẽ tiến hành những cải cách thực sự để đảm bảo một cuộc sống tốt hơn cho người dân. Điều đó ít nhiều đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2015 để tiếp tục tại nhiệm.
Tuy nhiên, từ đó tới nay, tình hình hầu như không được cải thiện. Việc Washington vẫn tiếp tục coi Sudan là một "nhà nước bảo trợ khủng bố" khiến quốc gia châu Phi này không thể thu hút đầu tư. Nền kinh tế vốn đã kiệt quệ càng lún sâu vào suy thoái, vượt quá giới hạn chịu đựng của người dân Sudan, khiến tình hình xã hội rối ren, các cuộc biểu tình bắt đầu bùng phát cuối năm ngoái. Việc Tổng thống Bashir tháng 2 vừa qua ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp trên cả nước trong vòng 1 năm nhằm giải tán các cuộc biểu tình, được cho đã "đổ thêm dầu" kích động thêm làn sóng phản đối của người dân. Các cuộc biểu tình rầm rộ đòi Tổng thống Bashir từ chức và phản đối chính phủ, kéo theo các vụ đụng độ gây thương vong, và việc quân đội đảo chính lật đổ Tổng thống Bashir, có lẽ là hệ quả tất yếu khi cuộc khủng hoảng ở Sudan không có khả năng cứu vãn.
Mặc dù quân đội tuyên bố chỉ tạm thời tiếp quản chính quyền và sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử sau 2 năm nữa, song dư luận vẫn lo ngại liệu chính quyền chuyển tiếp của quân đội có khả năng đưa ra một kế hoạch cụ thể về thời điểm cũng như cách thức chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự hay không. Thậm chí quân đội cũng bị nghi ngờ chưa chắc đã thực sự có ý định chuyển giao quyền lực. Việc quân đội áp đặt ngay tình trạng khẩn cấp tại Sudan còn bị đánh giá là "thủ thuật" để giải tán được các cuộc biểu tình, qua đó có thêm thời gian "mưu tính" những bước tiếp theo. Hiện lực lượng biểu tình đã phản đối thông báo trên của quân đội và kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình. Theo đại diện của những người biểu tình, việc quân đội tham gia lật đổ chính quyền và sau đó tiếp quản chính quyền chuyển tiếp là điều họ không hề mong đợi. Cho tới nay, cộng đồng quốc tế, gồm cả Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU) và nhiều nước đều kêu gọi Sudan tiến hành chuyển giao quyền lực một cách dân chủ và đáp ứng nguyện vọng của người dân.
Những gì đang diễn biến ở Sudan có phải là "Mùa Xuân Arab" hay không thì chưa rõ, song việc quân đội tiếp quản chính quyền tỏ ra chưa phải là cách phản ứng phù hợp với những thách thức mà Sudan đang đối mặt và chưa đem lại sự ổn định cho quốc gia châu Phi này. Thậm chí tình trạng khủng hoảng hiện nay vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất kiểm soát lớn.