Định hướng mới cho quan hệ với 'Lục địa Đen'

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa có chuyến thăm 4 nước khu vực miền Trung châu Phi, từ ngày 1 - 4/3, nhằm gửi đi thông điệp về sự kết thúc của kỷ nguyên “châu Phi kiểu Pháp” (Françafrique) và khởi động một mối quan hệ mới với châu lục.

Chú thích ảnh
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Libreville, Gabon ngày 2/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh thái độ chống Pháp gia tăng tại một số nước, trong khi ảnh hưởng của Paris tại "Lục địa Đen" đang suy giảm theo hướng có lợi cho cả các đối tác lẫn đối thủ, gồm Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Đức và đặc biệt là Nga.

Điểm dừng chân đầu tiên là thủ đô Libreville của Gabon, nơi Tổng thống Macron nhấn mạnh mong muốn “xây dựng quan hệ đối tác cân bằng” và cùng các nước khu vực Trung Phi “thực hiện mục tiêu chung” về khí hậu, đa dạng sinh học cũng như kinh tế và công nghiệp của thế kỷ 21. Ông cũng đảm bảo rằng việc tổ chức lại hệ thống quân sự của Pháp ở châu Phi “không phải là sự rút lui hay rũ bỏ cam kết”, mà chỉ là một sự tái bố trí lực lượng trên cơ sở xác định lại nhu cầu của các nước đối tác và chú trọng tới hợp tác, đào tạo hơn. Tổng thống Macron khẳng định Pháp sẽ là một bên trung lập, đối thoại với tất cả và không can thiệp vào chính trị nội bộ của các nước.

Dù chỉ diễn ra trong nửa ngày, nhưng chặng dừng chân tiếp theo của Tổng thống Pháp tại Angola được đặt rất nhiều kỳ vọng. Là thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha, Angola chưa bao giờ nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Pháp.

Cạnh tranh với Nigeria, Angola đang vươn lên thành quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất châu Phi, nhưng ngược lại đang phải nhập khẩu hầu hết mọi hàng hóa mà người dân tiêu thụ. Mục đích của ông Macron là xác lập một quan hệ mới với Angola thông qua các thỏa thuận hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm, xây dựng hạ tầng và đào tạo nghề. Nhà lãnh đạo Pháp muốn nâng quan hệ với Angola lên một tầm cao mới, chú trọng tới hợp tác về nông nghiệp. Việc cùng đoàn tùy tùng, gồm 50 doanh nghiệp hàng đầu của Pháp, tham dự một diễn đàn phát triển nông nghiệp tại thủ đô Luanda cho thấy tham vọng này.

Có mặt chỉ vài giờ ở Brazzaville, Tổng thống Macron và người đồng cấp CH Congo đã thảo luận về các cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển lục địa, đặc biệt là điểm nóng Libya. Tổng thống Denis Sassou-Nguesso, người nắm quyền lãnh đạo CH Congo trong hơn 4 thập niên với chính sách “bàn tay sắt”, đang là một trong những trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng này, cũng như một điểm nóng khác ở miền Đông CHDC Congo. Tổng thống Pháp cũng đề cập với lãnh đạo chủ nhà về việc phát triển quan hệ đối tác nông nghiệp giữa hai nước theo mô hình của Angola và Cameroon.

Chặng dừng chân cuối cùng của Tổng thống Macron là CHDC Congo, quốc gia nói tiếng Pháp lớn nhất thế giới. Tại cuộc thảo luận với người đồng cấp Félix Tshisekedi, ông bày tỏ mong muốn rằng lệnh ngừng bắn dự kiến có hiệu lực trong tuần tới, như là một phần của kế hoạch hòa bình do Angola bảo trợ, sẽ được tất cả các bên tôn trọng.

Chú thích ảnh
Tổng thống Gabon Ali Bongo Ondimba (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp ở Libreville, ngày 1/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Macron là tổng thống đầu tiên của Pháp sinh ra sau khi các quốc gia châu Phi giành độc lập. Ngay từ đầu nhiệm kỳ trước, trong bài phát biểu tại Ouagadougou (Burkina Faso) tháng 11/2017, ông đã bày tỏ mong muốn quan hệ giữa Pháp với châu Phi lật sang trang sử mới, xóa bỏ những định kiến về “Françafrique” kéo dài nhiều thập niên. Nhưng từ đó đến nay, mọi nỗ lực của ông vẫn chỉ "giậm chân tại chỗ" như ông đã thừa nhận trước thềm chuyến thăm các nước Trung Phi này. Trên thực tế, mô hình quan hệ cũ vẫn thống trị mối quan hệ này.

Hai ngày trước chuyến công du lần thứ 18 tới châu Phi, Tổng thống Macron đã chọn Điện Élysée để gửi đi thông điệp “Tương lai của chúng ta, mối quan hệ đối tác châu Phi - Pháp”, trong đó phác thảo những điều chỉnh quan trọng trong chiến lược của Paris đối với "Lục địa Đen". Ông khẳng định rằng "châu Phi là tất cả, ngoại trừ vùng đất của đau khổ và cam chịu”, rằng châu Phi không còn là “sân sau” của nước Pháp. Vì vậy, Paris cần định dạng lại các mối quan hệ quân sự, ngoại giao, kinh tế và văn hóa với châu lục này theo một cách bình đẳng, trên cơ sở cùng có lợi và có trách nhiệm hơn, hoặc từ "logic viện trợ sang logic đầu tư”.

Đã gần 6 năm trôi qua giữa hai bài phát biểu của Tổng thống Macron, nhưng khoảng cách giữa cam kết và thực tế vẫn rất lớn. Những người lính Pháp cuối cùng ở Burkina Faso rút về nước ngày 19/2 vừa qua được coi là một hình ảnh không thể xấu hơn của nước Pháp tại lục địa này. Ngoài thái độ chống Pháp gia tăng rõ rệt tại một loạt quốc gia mà nước này từng có rất nhiều ảnh hưởng, quan hệ kinh tế của cường quốc châu Âu với Lục địa Đen cũng suy giảm nghiêm trọng. Trong 20 năm qua, tổng kim ngạch thương mai hai chiều giữa Pháp với châu Phi đã giảm một nửa, chỉ còn chưa đầy 30 tỷ USD, chưa bằng 50% của Đức, trong khi con số này của Trung Quốc là 255 tỷ USD.

Tổng thống Macron cho rằng nguyên nhân là do thất bại của chiến dịch chống thánh chiến mang tên “Barkhane” và rộng hơn, là thất bại của mô hình an ninh, một trụ cột trong chính sách của Pháp đối với châu lục trong nhiều thập niên. Do vậy, ông đã quyết định chọn thay đổi mô hình quan hệ để lấy lại uy tín của nước Pháp. Ông muốn thu hẹp sự hiện diện quân sự của Pháp hơn và thực hiện cơ chế “đồng quản lý” các căn cứ với đối tác địa phương để chứng minh cho mong muốn thay đổi về chiến lược.

Ngoài ra, Tổng thống Macron đã lấy tăng cường hợp tác về văn hóa như một xúc tác tạo hình ảnh mới cho nước Pháp trong con mắt người dân châu Phi. Ông cho biết Pháp sẽ sớm thông qua “Luật khung” trao trả cho các quốc gia châu Phi những tác phẩm nghệ thuật mà người Pháp đã chiếm đoạt trong quá khứ thực dân.

Những thay đổi trong tầm nhìn và chuyến công du lần này của Tổng thống Macron tới các nước thuộc lưu vực sông Congo được kỳ vọng sẽ mang lại một khởi đầu mới trong hành trình chinh phục người dân châu Phi.

Tuy nhiên, kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Odoxa thực hiện nhân sự kiện này lại cho thấy những khó khăn phía trước. Nếu như 60% số người được khảo sát tin rằng sự hiện diện của Pháp ở châu Phi là quan trọng để bảo vệ các lợi ích của đất nước, thì cũng có 62% tỏ ra bi quan về tương lai của mối quan hệ song phương này. Đặc biệt, cũng có 60% số người Pháp được hỏi cho biết họ không tin nhà lãnh đạo của mình có khả năng cải thiện, thiết lập “một mối quan hệ mới cân bằng, có đi có lại và có trách nhiệm” với châu Phi.

Nguyễn Tuyên (PV TTXVN tại CH Pháp)
Italy, Pháp nhất trí tăng cường hợp tác không gian
Italy, Pháp nhất trí tăng cường hợp tác không gian

Ngày 3/3, Bộ trưởng Công nghiệp Italy Adolfo Urso cho biết nước này và Pháp đã nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong các hoạt động thăm dò không gian và phát triển tên lửa đẩy của châu Âu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN