Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp Mỹ tấn công hạt nhân Trung Quốc?

Chuyên gia Nga cho rằng phát ngôn đe dọa sẵn sàng tấn công hạt nhân Trung Quốc của Mỹ chỉ là một phần trong trò chơi chính trị, trong bối cảnh quan hệ hai nước đang đi xuống vì liên quan đến vấn đề Triều Tiên, bao gồm việc Bình Nhưỡng liên tục phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14.

Tên lửa Trident II D5 phóng từ tàu ngầm. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ngày 27/7, Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift tuyên bố ông sẽ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào Trung Quốc nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh. Trả lời câu hỏi trong họp báo an ninh tại Đại học Quốc gia Australia, Đô đốc Scott Swift khẳng định câu trả lời sẽ là “Có”. Đô đốc Swift đồng thời cảnh báo các thành viên của quân đội phải thề luôn bảo vệ quốc gia khỏi mọi thế lực thù địch và trung thành tuân lệnh vị tổng tư lệnh của Mỹ.

Đô đốc Swift cho biết ông ấy nói như vậy với tư cách là một người lính. Không chỉ có vậy, ông cũng không hề đề cập đến sự quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ, như mọi khi. Nhiều chuyên gia cho rằng lời phát ngôn của ông chỉ là một phần trong trò chơi chính trị.

Nếu xét về mặt hỏa lực, tuyên bố của Đô đốc Swift không phải không có lý do. Hiện đang có 10 tàu ngầm lớp Ohio của Mỹ hoạt động tại Thái Bình Dương. Chúng được trang bị tên lửa đạn đạo Trident và Trident II (với tầm hoạt động của tên lửa lên tới 7.400 - 11.000 km). Mỗi tàu ngầm mang theo 24 quả tên lửa có thể phóng từ 8 đến 14 đầu đạn hạt nhân nhằm vào lãnh thổ của đối thủ. Hơn thế nữa, tầm hoạt động rộng của đội tàu ngầm này cho phép tên lửa có thể phóng từ vùng lãnh hải Mỹ, cụ thể là quanh quần đảo Hawaii, để tấn công kẻ địch.

“Nếu như xảy ra chiến tranh quy mô lớn, quân đội Trung Quốc hoàn toàn không thể ngăn chặn được một đợt tấn công hạt nhân. Họ không thể xác định vị trí và phá hủy tất cả tàu ngầm của đối phương”, Vasily Kashin – nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Viện Khoa học Nga – nhận xét với Đài phát thanh Sputnik.

Hiện giờ quân đội Trung Quốc chỉ đang sở hữu 75-100 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), với 75% trong số đó có thể vươn xa tới Mỹ. Ít nhất 20 tên lửa trong số đó đặt dưới hầm phóng, trong khi số còn lại lắp đặt trên xe tải. Chuyên gia Kashin quan ngại cho rằng chỉ còn tầm 10-20 tên lửa có thể sống sót ngay trong vụ tấn công hạt nhân đầu tiên từ Mỹ.

Hải quân Trung Quốc cũng đang sở hữu khoảng 6-8 tàu ngầm chiến lược với mỗi chiếc chứa khoảng 12 quả tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên rất khó để nói rằng chúng sẽ có khả năng đâm thủng hàng rào phòng thủ chống tàu ngầm của Mỹ.

Chuyên gia Kashin chỉ ra rằng thậm chí nếu như Trung Quốc còn đến tận hơn chục quả tên lửa đạn đạo sống sót trong một vụ tấn công hạt nhân, thì chúng cũng phải tìm cách vượt qua lá chắn, bao gồm các tên lửa đánh chặn trên biển SM-3 và trên mặt đất GBI của Mỹ.


Tên lửa ICBM Hwasong-14 của Triều Tiên được phóng tại một địa điểm bí mật ngày 28/7. Ảnh: EPA/ TTXVN

Ông Kashin nhận xét: “Rõ ràng Trung Quốc đang rất lo lắng trước năng lực phòng thủ của hệ thống lá chắn tên lửa Mỹ. Đó là lí do vì sao Bắc Kinh lại đẩy mạnh chương trình ICBM. Gần cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên bang Xô viết tăng số lượng tên lửa. Kể từ đó, Lầu Năm Góc nhận ra rằng chỉ với một quả tên lửa bất kỳ từ kẻ địch nhắm trúng thành phố lớn ở Mỹ, nó sẽ gây ra sự hủy diệt khôn lường”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Kashin, lời phát ngôn của Đô đốc Swift chỉ là một phần trong trò chơi chính trị mà Tổng thống Donald Trump khởi xướng. Tin tức đưa ra được truyền thông phương Tây đón nhận, lan truyền một cách chóng mặt, ngụ ý ám chỉ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đang ngày một leo thang.

Chuyên gia Kashin nhận định: “Kể từ đầu năm, quan hệ song phương Mỹ-Trung luôn trong tình trạng lên xuống thất thường. Trước đó, trong khi còn vận động tranh cử, Tổng thống Trump đã nhiều lần gay gắt chỉ trích Trung Quốc. Tuy nhiên khi chính thức nhậm chức, Tổng thống Trump lại có một cuộc gặp mặt đầy thiện chí với người đồng cấp Tập Cận Bình. Tổng thống Trump muốn ông Tập gây sức ép lên Triều Tiên. Song gần đây tình hình lại biến đổi một lần nữa khi Washington nhận ra sự lưỡng lự của Bắc Kinh về vấn đề Bình Nhưỡng. Kết quả là, Tổng thống Trump ra lệnh nối lại việc tuần tra trên Biển Đông và ‘bật đèn xanh’ việc cung cấp vũ khí cho Đài Loan. Những động thái đó đều là kết quả của một mối quan hệ song phương đang đi xuống”.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Triều Tiên phóng tên lửa ICBM xong, nỗi lo mới bất ngờ xuất hiện
Triều Tiên phóng tên lửa ICBM xong, nỗi lo mới bất ngờ xuất hiện

Vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên vào đêm 28/7 được coi là thông điệp đầy mạnh mẽ của Bình Nhưỡng tới Washington. Tuy nhiên, một học giả Mỹ khẳng định điều đáng bận tâm nhất là khả năng Triều Tiên đã phân tán nhiều tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) trong các căn cứ bí mật trên khắp lãnh thổ nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN