Dịch chuyển quan hệ Mỹ-Trung nhìn từ vụ bà Mạnh Vãn Chu được trả tự do

Theo tờ Financial Times (FT), các vòng đàm phán, thảo luận Mỹ-Trung tại Thiên Tân hồi tháng 7 qua đã mở đường cho quyết định trả tự do đối với bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei. Nhưng giới chuyên gia cảnh báo sẽ còn nhiều khúc mắc trong quan hệ giữa hai nước.

Chú thích ảnh
Bà Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc tối ngày 25/9. Ảnh: Reuters

Bà Mạnh Vãn Chu trở về Trung Quốc trong sự chào đón nồng nhiệt tối ngày 25/9, sau ba năm bị quản thúc tại Vancouver và đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã phát trực tiếp thời khắc bà Mạnh bước xuống sân bay quốc tế Thâm Quyến, nơi bà tuyên bố “cuối cùng tôi cũng đã được trở về với vòng tay ấm áp của đất mẹ” và không quên gửi lời cảm ơn tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Hoạt động tuyên truyền mang màu sắc dân tộc chủ nghĩa xoay quanh sự trở về của bà Mạnh Vãn Chu sau chuyến bay đáp xuống Thâm Quyến – nơi đặt trụ sở của Huawei, là một tín hiệu cho thấy quan hệ Mỹ-Trung sẽ vẫn còn sóng gió, nhất là khi chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 16/9 ra tuyên bố thành lập quan hệ đối tác an ninh ba bên, cùng với Anh và Australia.

Thế bế tắc trong quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ và Canada liên quan đến vụ bắt giữ, xét xử bà Mạnh Vãn Chu được tháo gỡ, sau khi Giám đốc tài chính của Huawei thừa nhận đã từng cung cấp "những tuyên bố sai lệch" về mối liên hệ giữa Huawei với Iran. Nó cũng cho thấy dù đối đầu địa chính trị, nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể xử lý ổn thỏa những đối đầu, thách thức lớn.

Nguồn thạo tin ẩn danh của FT cho biết, giới ngoại giao Mỹ và Trung Quốc đã đạt được đồng thuận tại hồi tháng 7 vừa qua trong khuôn khổ chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới Thiên Tân. Theo đó, hai bên đồng ý thiết lập một nhóm công tác chuyên xử lý các vụ việc đơn nhất, ví như liên quan đến bà Mạnh Vãn Chu cùng hai công dân người Canada là Kovrig and Spavor – hai người bị bắt tại Trung Quốc và cũng được thả tự do ít giờ sau khi bà Mạnh Vãn Chu có quyết định rời Canada và không bị truy tố.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thỏa thuận này dường như không có nhiều tác động giúp tạo đà, mở đường cho cải thiện quan hệ Mỹ-Trung. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên án hành xử của Mỹ với bà Mạnh Vãn Chu, coi đây là đòn “đàn áp chính trị chống lại một công dân Trung Quốc”, một hành vi được thúc đẩy nhằm gây rối các công ty công nghệ của Trung Quốc. Bà Mạnh là Giám đốc tài chính của Huawei, là con gái của Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei) - nhà sáng lập tập đoàn này.

Theo Van Jackson, cựu quan chức Lầu Năm góc và hiện là học giả tại Đại học Victoria tại Welllington, New Zealand, chính quyền Tổng thống Joe Biden có vẻ muốn sử dụng quyết định trả tự do cho bà Mạnh Vãn Chu để làm bàn đạp tiến đến quan hệ hợp tác với Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là bước đi “quá nhỏ”, không đủ sức hàn gắn mối quan hệ đối đầu tích tụ Mỹ-Trung. “Đó là thông tin rất tốt lành, là bằng chứng cho thấy Mỹ và Trung Quốc vẫn có thể cộng tác trong hình thái đối đầu. Tuy nhiên, quyết định trả tự do này không phải là nhân tố đủ sức để tạo ra cục diện mới khi Mỹ và Trung Quốc vẫn luôn coi nhau là thù địch”, ông Jackson nói.

Chú thích ảnh
Mỹ vẫn sẽ không từ bỏ kế hoạch kiềm chế Huawei. Ảnh: AFP/TTXVN

Jonathan Sullivan, Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc thuộc Đại học Nottingham, nhìn nhận vụ việc vừa qua cho thấy Mỹ và phương Tây cần phải hiểu rằng hợp tác với Trung Quốc sẽ phải có yếu tố thỏa hiệp, ngay cả khi đó những thỏa hiệp không hề dễ chịu.

“Trung Quốc, Mỹ và phương Tây vài năm trở lại đây đều có những hành động chống lại nhau. Hệ quả là đà đi xuống trầm trọng trong quan hệ, tới ngưỡng mà nhiều người bắt đầu liên tưởng đến một cuộc Chiến tranh Lạnh. Tôi không cho rằng Trung Quốc tự ý muốn làm gì cũng được. Nhưng thực sự phương Tây cần tìm ra một cách thức khôn khéo hơn để quản lý, điều phối các nhân tố cạnh tranh”, ông Sullivan nêu quan điểm.

Đối mặt với các công tố viên tại tòa án Brooklyn, New York, bà Mạnh Vãn Chu không nhận tội vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ đối với Iran. Tuy nhiên, bà thừa nhận có đưa ra một số tuyên bố “gây hiểu nhầm” đối với tập đoàn HSBC về quan hệ giữa Huawei với Skycom, một công ty có trụ sở ở Hong Kong và có hoạt động hợp tác kinh doanh ở Iran. Đây cũng là cách để Mỹ giữ thể diện, không bị coi là thua thiệt, yếu thế trong quyết định thả tự do này.

Bà Mạnh Vãn Chu đã đạt được thỏa thuận với tòa án Mỹ. Nhưng giới chức Mỹ không có ý định dỡ bỏ những cáo buộc khác nhằm vào Huawei. Nó cho thấy cuộc chiến của Washintong với Huawei, một cuộc chiến được khởi động từ 15 năm trước - khi ông lớn công nghệ Trung Quốc lần đầu tiên bước vào thị trường Mỹ đầu những năm 2000, còn lâu mới chấm dứt.

Theo Alan Kohler, trợ lý Giám đốc bộ phận Phản gián thuộc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), đội công tố của FBI tiếp tục chuẩn bị cho hoạt động điều tra, xét xử nhằm vào Huawei. Ông cũng nói rằng phía Mỹ muốn đưa vụ việc này ra tòa án. Về phần mình, Huawei tuyên bố sẽ có các bước đi bảo vệ, chống lại những cáo buộc của Mỹ.

Hoài Thanh/Báo Tin tức
CFO của Huawei được tự do rời Canada
CFO của Huawei được tự do rời Canada

Phóng viên TTXVN tại Canada dẫn thông báo của Bộ Tư pháp nước này ngày 24/9 cho biết bộ này đã thông báo cho tòa án về việc Bộ Tư pháp Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei - về Mỹ. Do đó, không có cơ sở để tiếp tục thủ tục dẫn độ và bà Mạnh Vãn Châu được tự do rời khỏi Canada.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN