Ước tính khoảng 1/3 sản lượng lương thực và 40% lượng cá tiêu thụ trên toàn cầu phụ thuộc vào sông ngòi. Các dòng sông cũng tạo sinh kế cho hàng chục triệu người. Song dưới tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm và hoạt động khai thác quá mức, các dòng sông đang dần cạn kiệt với dòng chảy thu hẹp, chất lượng nước suy giảm mạnh. Nhiều con sông đang biến thành "sông chết".
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), khoảng 1/3 tổng số con sông ở Mỹ Latinh, châu Phi và châu Á bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm, trong khi độ mặn cao và trung bình ảnh hưởng đến khoảng 10% tổng số sông, khiến những vùng nước này trên thực tế không thể sử dụng được để uống hay tưới tiêu phục vụ nông nghiệp. Nhiều con sông lớn như sông Colorado ở miền Tây nước Mỹ, sông Hoàng Hà ở Trung Quốc và sông Nile ở châu Phi đang có dòng chảy giảm đáng kể. Nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế từ Đại học McGill (Canada) và Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) cho thấy chỉ có 37% số con sông dài hơn 1.000 km trên thế giới vẫn chảy tự do và 23% chảy liên tục ra biển, không bị gián đoạn.
Tình trạng suy giảm và ô nhiễm nguồn nước sông do nhiều nguyên nhân, bên cạnh các yếu tố tự nhiên như biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, phải kể tới hoạt động của con người, từ quá trình đô thị hóa, bùng nổ dân số, rồi hóa chất, nước và rác thải sinh hoạt, y tế bị đổ ra sông, đến hậu quả của hoạt động phát triển công nghiệp, sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững, hàng loạt dự án phát triển dưới nước được xây dựng ồ ạt, thiếu quy hoạch, không chỉ làm thay đổi đáng kể dòng chảy tự nhiên của các con sông mà còn phá hủy mạng lưới "mạch sống" của Trái Đất.
Năm 2021, sự kiện sông Moulouya, con sông dài hơn 500 km ở Maroc lần đầu tiên không chảy ra biển, bởi dòng chảy cạn kiệt sau nhiều năm hạn hán và con người khai thác nước quá mức, chính là hồi chuông cảnh báo. Khi nước sông Moulouya giảm xuống mức thấp, nước mặn dần dần xâm chiếm các mạch nước ngầm xung quanh lòng sông và ăn sâu vào đất liền tới 15 km, khiến dòng sông bị chia cắt với biển Địa Trung Hải bằng một bãi cát. Tình trạng khai thác cát bừa bãi, trái phép đã hủy hoại nhiều dòng sông ở châu Á, từ sông Hằng đến sông Mekong. Tại Việt Nam, theo các số liệu thống kê, trong 20 năm trở lại đây, nước sông Hồng bình quân mỗi năm hạ đến 15cm, một phần nguyên nhân do lòng sông ngày càng trũng sâu bởi những "vòi rồng" của hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra ở một số địa phương. Khi dòng chính là sông mẹ cạn nước, những dòng sông nhánh cũng ngừng chảy.
Với chủ đề “Nước cho tất cả”, Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông (14/3) năm nay muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì tiếp cận nguồn nước trong mọi mặt đời sống thông qua việc giải quyết các quyền lợi về nước, đảm bảo tiếp cận nước sạch, khôi phục lại các dòng sông và lưu lượng cá. Đây cũng là thông điệp nhằm kêu gọi thế giới khẩn trương hành động để bảo vệ mạch nguồn sống của Trái Đất.
Tháng 3/2023, tại Hội nghị Nước của Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, liên minh các chính phủ đã công bố Thách thức Nước ngọt - sáng kiến có quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhằm phục hồi các sông hồ, vùng đất ngập nước, đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết khủng hoảng nước và tự nhiên trên thế giới. Mục tiêu của sáng kiến là đến năm 2030, phục hồi 300.000km sông - chiều dài tương đương hơn 7 lần vòng quanh Trái Đất. Sáng kiến do Colombia, CHDC Congo, Ecuador, Gabon, Mexico và Zambia đề xuất này cho đến nay đã thu hút 38 nước tham gia....
Các dự án hồi sinh những dòng sông chết đã và đang được triển khai ở khắp nơi trên thế giới. Sông Pasig của Philippines, sông Riachuelo chảy quanh rìa phía Nam của Buenos Aires (Argentina) hay sông Hoàng Phố (Trung Quốc) từng bị ô nhiễm hoặc bồi lấp trong quá trình đô thị hóa, khi được khơi thông đã mang đến sức sống mới, sự thịnh vượng và sầm uất cho cả một vùng đất. Năm 2023, Việt Nam đã thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), xác định ưu tiên phục hồi “các dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, kèm theo những chương trình, đề án, dự án "làm sống lại các dòng sông".
Năm 2017, New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên cấp tư cách “pháp nhân” cho dòng sông Whanganui, coi dòng sông như một thực thể sống với đầy đủ quyền cơ bản như con người. Từ đó, khái niệm “quyền của các dòng sông” ra đời, với thông điệp giữ gìn và bảo vệ “quyền của các dòng sông” cũng góp phần bảo đảm quyền sống, quyền phát triển của chính con người. Ngày quốc tế hành động vì các dòng sông nhấn mạnh tới mục tiêu quản lý, tiếp cận và sử dụng bền vững các dòng sông, để tất cả các dòng sông đều chảy, đảm bảo nguồn nước cho sự phát triển và thịnh vượng của hành tinh.