Dấu hiệu về giải pháp hòa bình cho Libi

Không có dự tính nào cho nhà lãnh đạo Kadhafi đi cư trú ở nước ngoài. Nhiều nước thành viên liên quân bắt đầu lo ngại về chi phí cho cuộc chiến. Hội đồng Chuyển tiếp Dân tộc (NTC) không còn cao giọng nói về chiến thắng cuối cùng trong một thời gian ngắn. Đó là những dấu hiệu khiến giới phân tích cho rằng một giải pháp chính trị cho Libi đang hình thành.

Trả lời câu hỏi của tạp chí Statafrik ngày 28/6 về vấn đề này, một nhà ngoại giao Angiêri yêu cầu giấu tên cho rằng không loại trừ khả năng sẽ có ngừng bắn trong vài tuần tới dưới sự chủ trì của Liên minh châu Phi (AU), thậm chí Liên đoàn Arập, nếu các nước quân chủ vùng Vịnh không chấp nhận để Kadhafi sụp đổ nữa. Nhà ngoại giao này cho biết có nhiều yếu tố cho thấy đang xuất hiện giải pháp thương lượng vì nếu NATO không đưa bộ binh vào Libi, quân nổi dậy không thể hy vọng giành chiến thắng. Kadhafi có thể bị suy yếu, song ông hiểu rằng phương Tây bắt đầu lo ngại về chi phí chiến tranh trong khi quân nổi dậy không thu được chiến thắng ý nghĩa nào. Tuy nhiên, NATO sẽ không rút lực lượng can thiệp chừng nào hai bên tham chiến chưa đạt được thỏa thuận.

Một giải pháp thương lượng thường đi đôi với nhượng bộ của các bên có liên quan. Chính vì vậy mà ông Akram Belkaïd, một nhà phân tích, cho tạp chí Statafrik biết rằng giải pháp chia cắt Libi đang được nói đến cho dù chưa ai công khai đưa ra.

Ngay từ đầu cuộc chiến, nhiều nhà sử học và chuyên gia đã nhắc đi nhắc lại rằng Libi ra đời từ việc sát nhập các vùng đất ít nhiều đối lập nhau. Một bên là Tripolitaine (miền tây), một bên là Cyrénaïque (miền đông). Ngăn cách giữa hai miền hiện là chiến tuyến giữa hai bên tham chiến. Đây có phải một sự trùng hợp ngẫu nhiên chăng?

Ông Akram Belkaïd nhận xét lập trường của cả hai phía ở Libi không còn quyết liệt như thời gian đầu. NTC đã chính thức thừa nhận có tiếp xúc gián tiếp với chính quyền Tripôli và tuyên bố sẵn sàng chấp nhận để ông Kadhafi ở lại Libi miễn là ông từ bỏ quyền lực. Còn Mỹ dường như ủng hộ cuộc thương lượng này vì đã bắt đầu thấy thời gian trôi quá chậm.

Tại Oasinhtơn, Tổng thống Mỹ Obama đang phải đương đầu với Quốc hội về vấn đề ngân sách liên bang, nay lại phải thuyết phục phe Cộng hòa chấp nhận chi thêm tiền cho cuộc chiến ở Libi. Ở Pháp, việc quân đội nước này tiếp tục tham gia cuộc chiến cũng sẽ là chủ đề trong cuộc tranh luận vào tháng 7 tới, trong bối cảnh dư luận lo ngại nền tài chính ở châu Âu sụp đổ do nguy cơ vỡ nợ ở Hy Lạp. Tại nhiều nước, đặc biệt là Mỹ và Pháp, nhiều nhân vật đã lên tiếng phê phán cuộc can thiệp quân sự vào Libi là “tùy hứng”. Nhiều nhà quân sự Mỹ tỏ ý lo ngại tái diễn kịch bản ở Irắc bởi lẽ không có gì nghiêm túc được dự tính để kiểm soát đất nước này trong thời kỳ hậu chiến. Giới quân sự cũng lo ngại về sự ra đi, theo kiểu này hay kiểu khác, của Kadhafi. Một trong những yếu tố chính là al-Qaeda ở Bắc Phi đã chiếm được nhiều vũ khí và chỉ còn đợi Kadhafi sụp đổ để gây hỗn loạn như ở Irắc hồi mùa hè năm 2003.

Các mâu thuẫn trên cộng với chi phí của chiến dịch quân sự và mâu thuẫn trong liên quân khiến NTC phải chuẩn bị cho khả năng liên quân ngừng chiến dịch can thiệp quân sự. Theo ông Akram Belkaïd, lúc đó làm sao NTC chống lại được quân đội của Kadhafi, và như vậy, một giải pháp thương lượng sẽ là thích hợp hơn cả.

Trần Mạch (P/v TTXVN tại Angiê)
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN