Dấu ấn của 'người phụ nữ quyền lực' Angela Merkel

Sự kiện Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ hoạt động cho Thủ tướng Angela Merkel đã chính thức khép lại 16 năm liên tiếp bà đảm đương cương vị người đứng đầu chính phủ của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Với nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung, buổi lễ trao quyết định được tổ chức tại Cung điện Bellevue ở Berlin ngày 26/10 là sự kiện đặc biệt bởi nó không chỉ chấm dứt một nhiệm kỳ của người đứng đầu chính phủ, mà còn khép lại "kỷ nguyên Merkel" với những di sản được mô tả là “đồ sộ” cả về đối nội và đối ngoại.

Chú thích ảnh
Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ công tác cho Thủ tướng Angela Merkel (trái) tại Cung điện Bellevue ở Berlin ngày 26/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Có thể nói với 4 nhiệm kỳ liên tiếp trên cương vị thủ tướng kể từ năm 2005, bà Angela Merkel đã ghi đậm dấu ấn là một nữ chính trị gia quyền lực, có ảnh hưởng sâu sắc không chỉ với riêng Đức mà còn với cả Liên minh châu Âu (EU).  Tổng thống Steinmeier đã ca ngợi bà là một nhà lãnh  đạo tiêu biểu trong lịch sử nước Đức, dẫn dắt đất nước vượt qua rất nhiều cuộc khủng hoảng, giành được sự tin tưởng lớn của người dân. Bà cũng mang lại cho nước Đức sự tôn trọng và những tình cảm từ châu Âu và trên khắp thế giới.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU cuối cùng bà Merkel tham dự với tư cách là thủ tướng Đức diễn ra tuần trước, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đề cao và cảm ơn vì những đóng góp của bà đối với EU. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ví von một hội nghị thượng đỉnh EU vắng đi sự có mặt của bà Merkel "giống như Rome không có Vatican hay Paris không có Tháp Eiffel". Thủ tướng Bỉ Alexandre De Croo cho rằng bà Merkel thực sự đã để lại dấu ấn ở châu Âu, giúp toàn bộ 27 nước đưa ra quyết định đúng đắn vào những thời điểm khó khăn. Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel lại ngợi khen bà Merkel vì những nỗ lực gắn kết EU thông qua các cuộc đàm phán nội khối. 

Các nhà phân tích nhận định có lẽ "hình ảnh Merkel” là hiện thân của những gì người Đức luôn muốn hướng tới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay. Sự ổn định, kiên nhẫn và xu hướng tìm kiếm sự đồng thuận đã khiến bà được tôn trọng, kể cả từ các đối thủ chính trị. Ngay cả những người trẻ cũng phải thừa nhận tài thương lượng của bà. Chuyên gia xã hội học của Đại học chính trị Hertie School ở Berlin, Klaus Hurrelmann nhận định: “Phong cách lãnh đạo của bà luôn sẵn sàng hòa giải, trấn an đã lan sang họ”. Luôn mặc một kiểu quần áo gần như đồng phục (áo vest cài cúc có màu và quần đen tối màu), Thủ tướng Đức được xem là "phản đề đích thực của thói xa xỉ". Bà tự đi siêu thị sắm đồ, không có tùy tùng, mỗi năm đều đi nghỉ ở cùng một địa điểm tại vùng núi Nam Tyrol. Hàng triệu người Đức đã học theo phong cách sống của bà “giống như Merkel” và dùng cụm từ “Người mẹ quốc dân” để gọi người đứng đầu chính phủ.

Nói tới bà Merkel, không thể không nhắc tới một thời kỳ vàng son, đó là nước Đức chưa bao giờ thịnh vượng đến vậy. Không có nước công nghiệp phát triển nào đạt tỷ lệ tăng trưởng cao và trong thời gian dài như Đức - 10 năm liên tiếp tính đến 2019. “Phép màu kinh tế” đã cho phép các doanh nghiệp phân phối lợi nhuận kỷ lục và làm đầy ngân quỹ nhà nước. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mặc dù GDP của Đức bị giảm do đại dịch COVID-19, nhưng vẫn vượt xa Canada, Anh, Pháp và Nhật Bản. Hiện Đức chiếm 40% tổng sản lượng công nghiệp trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của bà Merkel là tỷ lệ tạo việc làm cao, đặc biệt đối với phụ nữ. Đức có tỷ lệ phụ nữ đi làm cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh tới 50% sau 16 năm, đến mức đất nước hiện ở trong tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng.Trước đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp ở Đức duy trì ở mức thấp kỷ lục khoảng 3,5%.

Dư luận Đức đặc biệt đánh giá bà Merkel xử lý rất tốt trong các cuộc khủng hoảng lớn. Sau vụ đổ vỡ ngân hàng Lehman Brothers năm 2008, bà Merkel đã cảnh báo người Đức không nên đổ ra các máy rút tiền với tuyên bố: “Khoản tiền tiết kiệm của quý vị an toàn”. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng người di cư - được coi là thử thách lớn nhất trong sự nghiệp của bà - “nữ tướng Merkel” cũng tìm được những lời lẽ phù hợp nhất với câu nói lịch sử “Wir schaffen das” (Chúng ta sẽ vượt qua). Quyết định của bà đưa ra ngày 4/9/2015 không đóng cửa biên giới đối với hơn một triệu người di cư được đánh giá đã giúp tránh được một thảm họa nhân đạo ở châu Âu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu với báo giới khi tới tham dự hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 21/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tỷ lệ hài lòng về thành quả của bà trên cương vị thủ tướng Đức ít khi xuống dưới mức 50%, kể cả trong giai đoạn khủng hoảng người di cư. Ngay cả khi đã tuyên bố không tiếp tục tái tranh cử trong cuộc bầu cử liên bang ngày 26/9 vừa qua,  vị nữ thủ tướng được mệnh danh là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” này vẫn nhận được sự ủng hộ cao chưa từng có, với gần 80% số người được hỏi đều muốn bà Merkel tiếp tục “chèo lái con thuyền nước Đức”. Trước bà Merkel, chưa có thủ tướng Đức nào rời cương vị người đứng đầu chính phủ mà được lòng dân đến vậy. 

Chuyên gia Matt Qvortrup, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Coventry và là tác giả cuốn sách “Angela Merkel-Nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất châu Âu” nhận định: “theo cách riêng của mình, bà đã tạo ra một cuộc cách mạng trong chính trị Đức và chính trị thế giới nói chung”.

Bằng chứng là ngay từ những ngày đầu nhậm chức, dường như bà đã tự mình định hình cách tiếp cận của chính phủ đối với chính sách đối ngoại, duy trì chính sách đối ngoại của các chính phủ tiền nhiệm: khách quan, tổ chức tốt, thỏa thuận tốt với tất cả các bên nếu có thể, trong đó luôn hướng tới lợi ích kinh tế toàn cầu của Đức. Chính sách này đã gặt hái được nhiều kết quả, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc. Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Đức vẫn tăng 3%, đạt hơn 212 tỷ euro, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một của Đức 5 năm liên tiếp.

Chuyên gia Henning Hoff thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức đánh giá bà Merkel có khả năng “phi thường” trong việc gắn kết châu Âu và kết nối các bên xung đột tham gia đối thoại. Khả năng này đã được chứng minh khi bà nhiều lần nỗ lực hòa giải cho cuộc xung đột Ukraine – Nga, cũng như xử lý nhanh chóng những mâu thuẫn liên quan dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đưa khí đốt của Nga tới Đức, vốn bị Mỹ và một số nước Đông Âu phản đối. Bà cũng duy trì được mối quan hệ vừa là đối tác, vừa là đối thủ giữa Đức và Nga trên cơ sở “đôi bên cùng có lợi”.

Trong quan hệ với Mỹ, có thể thấy bà Merkel đã thực thi chính sách linh hoạt và khéo léo, luôn ủng hộ mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ, song vẫn bảo đảm vai trò và vị thế độc lập của Đức nói riêng cũng như EU nói chung. Sau thời gian rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, bà Merkel đã có những bước chuẩn bị cho việc thúc đẩy quan hệ xuyên Đại Tây Dương dưới thời Tổng thống Joe Biden. Chuyến thăm của bà tới Mỹ hồi tháng 7 vừa qua đã gửi một tín hiệu rõ ràng về việc khởi động lại và nâng tầm quan hệ Mỹ - Đức theo mong muốn của cả hai nước.

Trên cương vị người đứng đầu nền kinh tế đầu tàu của EU, bà Merkel đã thể hiện bản lĩnh và vai trò quan trọng của mình, đưa EU vượt qua nhiều khó khăn, trong đó có cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008, cuộc khủng hoảng nợ công giai đoạn 2010-2015, cuộc khủng hoảng người di cư năm 2015. Nhà báo Ralph Bollmann của tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung nhận định: “Di sản quan trọng nhất của bà Merkel đơn giản là mang lại sự ổn định trong thời điểm khủng hoảng toàn cầu”.

Trong nhiệm kỳ cuối, đối mặt với thách thức to lớn là đại dịch COVID-19 càn quét châu Âu từ đầu năm 2020, bà Merkel đã mạnh mẽ dẫn dắt nước Đức và châu Âu cùng vượt qua khủng hoảng, nhất là trong giai đoạn Đức làm chủ tịch luân phiên EU nửa cuối năm 2020. Dù chưa thể đánh bại đại dịch, Đức vẫn được đánh giá là khá thành công trong cuộc chiến chống COVID-19. Nền kinh tế Đức vẫn giữ được mức tăng trưởng đáng kể so với mức tăng trưởng trung bình của khu vực.

Mặc dù vẫn còn một số vấn đề, song Thủ tướng Merkel để lại cho nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung một di sản đáng ghi nhận. Trải qua nhiều cuộc khủng hoảng, nhưng nước Đức dưới “kỷ nguyên Merkel” được đánh giá là ổn định và thịnh vượng. Tạp chí Forbes đã 14 lần bình chọn bà Merkel là “người phụ nữ quyền lực nhất thế giới”.

“Kỷ nguyên Merkel” đã kết thúc, dù bà Angela Merkel vẫn tiếp tục đảm nhiệm cương vị hiện nay cho tới khi thủ tướng mới được bầu. Tuy nhiên, có thể nói rằng sau 16 năm cầm quyền, bà Merkel đã ghi dấu ấn đậm nét,  gây dựng được một nền tảng vững chắc khi Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu, uy tín và ảnh hưởng của Berlin trên trường quốc tế ngày càng tăng. Điều đó được kỳ vọng sẽ trở thành động lực để người kế nhiệm của bà Merkel có thể vững vàng tiếp nối vai trò dẫn dắt đất nước vượt qua những thách thức hiện nay.

Phương Hoa (Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức)
Thủ tướng Angela Merkel và Chính phủ Đức kết thúc nhiệm kỳ
Thủ tướng Angela Merkel và Chính phủ Đức kết thúc nhiệm kỳ

Ngày 26/10, tại Cung điện Bellevue ở Berlin, dinh thự chính thức của Tổng thống Liên bang Đức, Tổng thống Frank-Walter Steinmeier đã trao quyết định kết thúc nhiệm kỳ công tác cho Thủ tướng Angela Merkel và các thành viên trong nội các.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN