Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu", một loạt cuộc tấn công nhằm vào Iran thời gian qua, từ việc ám sát các chuyên gia hạt nhân và quan chức quân sự cấp cao, đến những nỗ lực khiến Têhêran bị quốc tế xa lánh, đang gióng lên hồi chuông báo động. Phải chăng phương Tây đang tìm cớ cho một cuộc chiến tranh mới tại Trung Đông?
Những người biểu tình cố xông vào khuôn viên Đại sứ quán Anh ở Tehran ngày 29/11. THX-TTXVN |
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là ai được lợi từ cuộc tấn công vào Đại sứ quán Anh tại Iran - vụ việc được các phương tiện truyền thông phương Tây đề cập tới như một báo động đỏ? Ngoại trưởng Anh William Hague ngay lập tức ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán Iran tại Luân Đôn, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton lên án cuộc tấn công này là một "hành động xúc phạm không chỉ nước Anh, mà cả cộng đồng quốc tế".
Có phải Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực chuẩn bị một cuộc chiến tranh chống lại Iran, nhưng biết rõ rằng uy tín của họ đang ở mức thấp chưa từng thấy sau nhiều năm cố tình bào chữa cho các cuộc tấn công Irắc, Ápganixtan, Pakixtan và gần đây nhất là Libi? Có lẽ họ cũng thừa hiểu việc tấn công Iran sẽ không dễ gì giành thắng lợi.
Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho rằng vụ tấn công này một phần là hậu quả của việc Anh tìm cách chi phối Iran trong nhiều thập kỷ qua. Anh đã xâm lược Iran trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Chiến tranh Thế giới thứ hai và năm 1951 tiếp tục có kế hoạch xâm lược nước này. Năm 1953, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Cơ quan Tình báo MI6 của Anh đã thực hiện "Chiến dịch Ajax", dàn xếp một cuộc đảo chính bạo lực, lật đổ chính phủ được bầu và dựng lên nhà độc tài Shah Reza Pahlevi.
Câu hỏi thứ hai đặt ra là phải chăng chúng ta đang chứng kiến một trận Trân Châu Cảng mới? Giống như Nhật Bản trong những năm 1930 - 1940, Iran đã nhiều lần bị đe dọa, dỗ dành, dồn vào thế bí, áp đặt cấm vận... Tất cả những hành động đó được đưa ra với hy vọng rằng một ngày nào đó, Iran sẽ chán những luận điệu này và làm việc gì đó thiếu suy nghĩ, như việc tấn công Đại sứ quán Anh.
Liệu đây có phải là một cuộc chiến khác mà trong đó Iran và các đồng minh của họ (như Xyri chẳng hạn) sẽ phải chịu một loạt cuộc tấn công có kiểm soát của Mỹ và các đồng minh? Lần này, Anh dường như đảm nhiệm vai trò xung kích vì từ đầu tháng 11, họ đã tuyên bố dự thảo các kế hoạch tấn công quân sự (được Ixraen hỗ trợ) nhằm vào Iran. Sự can dự của Mỹ mới dừng lại ở một số bước nhỏ ở hậu trường. Có nhiều bằng chứng cho thấy Mỹ, Anh và Ixraen đang thực hiện một chiến dịch bí mật rất tinh vi ở bên trong Iran với mục tiêu lật đổ chính phủ nước này. Báo chí Ixraen đã công khai thừa nhận điều đó.
Nhiều nhà khoa học hạt nhân của Iran đã bị ám sát một cách bí mật trong năm qua và các máy li tâm trong chương trình hạt nhân của Iran đã bị tấn công mạng cách đây vài tháng. Gần đây nhất là một quả bom lớn đã phá hủy một cơ sở tên lửa của Iran khiến nhiều người thiệt mạng - trong đó có Tướng Moghaddem, Chỉ huy Chương trình Tên lửa Đạn đạo của Iran, và một quả bom khác đã phá hủy cơ sở hạt nhân tại Isfahan cách đây vài ngày. Tất nhiên, Iran sẽ không bao giờ thừa nhận thủ phạm của những vụ việc trên là các điệp viên nước ngoài, vì từ quan điểm an ninh quốc gia, không chính phủ nào muốn thừa nhận những kẻ khủng bố nước ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát trong lãnh thổ của họ.
Câu hỏi thứ ba được đặt ra là ai là chủ mưu vụ tấn công Đại sứ quán Anh tại Têhêran nếu không phải là các cơ quan tình báo Mỹ, Anh, Ixraen, các nhà thầu quân sự tư nhân của những nước này và các tổ chức được ba quốc gia trên sử dụng, dụ dỗ, hợp đồng, kiểm soát và điều khiển? Không ai có thể biết chắc chắn về điều đó, cũng như người ta không bao giờ biết cụ thể điều gì đã xảy ra ở bên trong Ápganixtan, Irắc, Pakixtan, Palextin, Libi và nhiều quốc gia khác tại châu Phi, Mỹ Latinh và Đông Nam Á - những nước và khu vực bị các thế lực bên ngoài phá hoại và kích động bạo lực trong nhiều thập kỷ gần đây.
Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)