Red Flag 25-1 là một trong những cuộc diễn tập thực chiến quan trọng nhất của Không quân Mỹ, đã diễn ra được tròn 50 năm. Cuộc tập trận được tổ chức tại Căn cứ Không quân Nellis thuộc bang Nevada và sẽ kéo dài đến ngày 14/2. Một bức ảnh được chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội X của căn cứ này cũng như của Không quân Mỹ cho thấy cuộc diễn tập có sự tham gia của một chiếc chiến đấu cơ F-16 đặc biệt.
Chiếc F-16 này được sơn ngụy trang với hoạ tiết và màu sắc đặc trưng của máy bay chiến đấu Su-57 Felon của Không quân Liên bang Nga. Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên một chiếc F-16 mang màu sơn của chiến đấu cơ Liên bang Nga xuất hiện. Năm 2019, một chiếc F-16 khác cũng từng xuất hiện với màu sắc tương tự.
Cảnh tượng bất thường này không đơn thuần là một lựa chọn thẩm mỹ mà để phục vụ một mục đích chiến thuật sâu xa trong chương trình huấn luyện chiến đấu cường độ cao của Không quân Mỹ. Các cuộc tập trận Red Flag được tổ chức nhiều lần trong năm tại Căn cứ Không quân Nellis, nơi các phi công Mỹ và phi công các nước đồng minh tham gia vào các kịch bản chiến đấu mô phỏng để rèn luyện kỹ năng trong môi trường gần như chiến tranh thực sự.
Mục tiêu chính là chuẩn bị cho phi công khả năng tác chiến thực tế bằng cách giúp họ làm quen với các chiến thuật, kỹ thuật và quy trình của đối thủ. Quyết định sơn một chiếc F-16 theo kiểu ngụy trang kỹ thuật số của Su-57 phản ánh cam kết của Không quân Mỹ trong việc tạo ra mô phỏng đối thủ chính xác và thử thách nhất có thể.
Su-57 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm mới nhất của Không quân Liên bang Nga, nổi bật với khả năng tàng hình và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Bằng cách bắt chước diện mạo của loại máy bay này, Phi đội Aggressor (Đối Kháng) của Mỹ, đặc biệt là Phi đội Aggressor 64 đóng tại Nellis, muốn tái hiện những thách thức về thị giác và chiến thuật mà các phi công có thể gặp phải khi đối đầu với chiến đấu cơ của Liên bang Nga trong thực chiến.
Chiến thuật ngụy trang chiến đấu cơ của đối thủ
Việc sơn máy bay theo màu sắc của kẻ thù không phải là điều mới mẻ; Không quân Mỹ từ lâu đã có truyền thống sơn máy bay của mình theo cách mô phỏng các loại máy bay đối thủ tiềm tàng. Cách tiếp cận này giúp phi công giảm bớt “hiệu ứng buck fever”, tức là phản ứng căng thẳng hoặc mất tập trung khi lần đầu tiên nhìn thấy một máy bay địch thực sự trên chiến trường.
Họa tiết ngụy trang trên chiếc F-16 lần này dựa trên một mẫu thiết kế kỹ thuật số từng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Chuẩn tướng Robert Novotny, khi còn là Chỉ huy trưởng Không đoàn 57, đã mở một cuộc bình chọn trên trang mạng xã hội của mình để người theo dõi chọn mẫu sơn đối thủ cho F-16. Kết quả là mẫu ngụy trang “bóng ma” của Su-57 giành chiến thắng áp đảo.
Mặc dù F-16 và Su-57 có sự khác biệt rõ rệt về thiết kế và năng lực, nhưng việc sơn F-16 theo họa tiết của Su-57 có ý nghĩa như một lời nhắc nhở trực quan về môi trường đe dọa không ngừng phát triển. Dù F-16 không có khả năng tàng hình như Su-57, nhưng sự linh hoạt và khả năng chiến đấu của nó khiến nó trở thành lựa chọn lý tưởng để mô phỏng các tình huống huấn luyện.
Do đó, lớp sơn này không chỉ là dấu hiệu nhận diện mà còn là công cụ tâm lý, giúp phi công chuẩn bị tốt hơn cho chiến tranh trên không hiện đại, nơi bất kỳ máy bay nào cũng có thể trở thành mối đe dọa.
Sáng kiến này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hiểu và đối phó với các mối đe dọa mới nổi. Mặc dù Su-57 hiện chưa được sản xuất với số lượng lớn, nhưng việc huấn luyện để đối phó với các đặc điểm thị giác và chiến thuật của nó giúp phi công Mỹ chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Lịch sử của Phi đội Aggressor
Lịch sử của Phi đội Aggressor trong Không quân Mỹ là một câu chuyện thú vị về cách quân đội liên tục thay đổi chiến thuật huấn luyện để giúp phi công sẵn sàng chiến đấu trong thực tế.
Khái niệm Phi đội Aggressor ra đời sau Chiến tranh Việt Nam. Trong cuộc xung đột này, phi công Mỹ nhận ra họ chưa được chuẩn bị đầy đủ để đối phó với các chiến thuật bất ngờ của phi công Việt Nam, đặc biệt là những người lái máy bay MiG do Liên Xô sản xuất. Điều này làm lộ rõ lỗ hổng nghiêm trọng trong chương trình huấn luyện phi công Mỹ, vốn chủ yếu dựa trên chiến thuật phương Tây.
Năm 1972, Không quân Mỹ thành lập Phi đội Vũ khí Chiến đấu số 64 (64th Fighter Weapons Squadron – FWS) tại Căn cứ Không quân Nellis, với nhiệm vụ tái hiện chiến thuật, kỹ thuật và quy trình của Liên Xô và Khối Hiệp ước Vacsava (Warsaw). Đây chính là sự ra đời của khái niệm Aggressor, nơi các phi công không chỉ học cách điều khiển máy bay mà còn phải suy nghĩ và hành động như đối thủ.
Những chiếc máy bay đầu tiên của Aggressor là F-5E Tiger, được chọn vì hiệu suất của nó khá tương đồng với MiG-21, loại máy bay đối thủ phổ biến vào thời điểm đó.
Phi đội Aggressor đóng vai trò như lực lượng “đối thủ” trong các cuộc tập trận Red Flag, giúp phi công Mỹ và đồng minh rèn luyện kỹ năng không chiến, tránh né và chiến thuật chiến đấu. Red Flag, được tổ chức lần đầu vào năm 1975, nhằm mục tiêu tăng tỷ lệ sống sót của phi công trong 10 nhiệm vụ chiến đấu đầu tiên bằng cách cho họ trải nghiệm các tình huống mô phỏng thực tế.
Trong những năm sau đó, vai trò của Phi đội Aggressor tiếp tục phát triển. Năm 1988, Phi đội Aggressor 64 được kích hoạt tại Nellis, ban đầu sử dụng F-5E, nhưng đến năm 1990 chuyển sang F-16 để mô phỏng các loại máy bay tiên tiến hơn của Liên Xô như MiG-29 và Su-27.
Sau Chiến tranh Lạnh, Không quân Mỹ mở rộng trọng tâm của Phi đội Aggressor để đối phó với các mối đe dọa từ các khu vực khác ngoài Liên bang Nga. Điều này dẫn đến việc đưa T-38 Talon vào đội hình, nhằm mô phỏng nhiều loại máy bay đối phương khác nhau.
Năm 2019, Không quân Mỹ công bố kế hoạch thành lập Phi đội 65 Aggressor mới, lần này được trang bị F-35A Lightning II, nhằm mô phỏng các mối đe dọa thế hệ thứ năm như J-20 của Trung Quốc và Su-57 của Liên bang Nga.
Bên cạnh đó, chiến thuật sơn ngụy trang cũng trở thành một phần quan trọng trong sự phát triển của Phi đội Aggressor. Máy bay của Phi đội Aggressor thường được sơn theo các kiểu ngụy trang tương tự như những đối thủ tiềm tàng, không chỉ để tăng tính chân thực mà còn phục vụ cho huấn luyện tâm lý. Các mẫu sơn này đã trải qua nhiều thay đổi, từ những họa tiết góc cạnh, độ tương phản cao nhằm mô phỏng máy bay Liên Xô trong quá khứ, đến những mẫu tinh vi và hiện đại hơn để phản ánh các mối đe dọa ngày nay.
Phi đội Aggressor không chỉ cung cấp chương trình huấn luyện vô giá bằng cách mô phỏng chiến thuật của kẻ thù, mà còn đóng góp vào công tác thu thập tình báo, nghiên cứu và thích ứng với các mối đe dọa mới. Điều này khiến họ trở thành một thành phần thiết yếu trong chiến lược sẵn sàng chiến đấu của Không quân Mỹ, đảm bảo rằng các phi công không chỉ được huấn luyện để đối phó với các mối đe dọa đã biết mà còn có khả năng thích nghi với những thách thức mới và đang phát triển. Ngày nay, các Phi đội Aggressor vẫn tiếp tục đổi mới, thích nghi với những thay đổi trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ, giúp Không quân Mỹ duy trì vị thế tiên phong trong huấn luyện chiến đấu trên không.
Nói tóm lại, sự xuất hiện của một chiếc F-16 mang màu ngụy trang Su-57 trong diễn tập thực chiến Red Flag 25-1 phản ánh cam kết của Không quân Mỹ trong việc huấn luyện chiến đấu thực tế. Đây là minh chứng cho những nỗ lực nhằm mô phỏng điều kiện chiến đấu thật sự, đảm bảo rằng khi phi công nhìn thấy một hình dạng hoặc mẫu sơn lạ trên bầu trời, họ sẽ không hoảng loạn mà sẵn sàng chiến đấu với sự chính xác và tự tin tối đa.