Trong hơn 5 tháng qua, quân đội Israel đã tấn công Dải Gaza để trả đũa cuộc đột kích của Hamas ngày 7/10 năm ngoái. Ngoài việc pháo kích dữ dội hàng ngày và nạn đói có nguy cơ lan rộng khắp dải đất ven biển đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, đạn chưa nổ cũng là một mối nguy hiểm chết người không kém đang rình rập người dân Gaza.
Hậu quả của vấn đề rất sâu rộng: gây thương vong, tàn tật, chấn thương tâm lý và chậm trễ trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cũng như các nỗ lực tái thiết.
Anne Héry, Giám đốc vận động của tổ chức phi chính phủ Humanity&Inclusion cho biết: "Tên lửa, rocket, đạn pháo, đạn chùm,... đều để lại tàn dư là những vật liệu chưa nổ sau xung đột, cực kỳ nguy hiểm đối với bất kỳ ai tiếp xúc hoặc ở gần chúng, tiếp tục gây thương vong cho con người trong thời gian dài sau khi giao tranh kết thúc và ngăn cản những người phải di dời trở về quê hương".
Hơn 2 triệu người mắc kẹt
Humanity&Inclusion đã hoạt động trong nhiều thập kỷ với những nhóm người phải đối mặt với sự nguy hiểm của các vật liệu chưa nổ trong các cuộc xung đột vũ trang. Tổ chức này đã nhiều lần cảnh báo về ô nhiễm đạn chưa nổ trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Dải Gaza.
Đại diện của Humanity&Inclusion trên nói: “Ở Gaza, người dân đang phải hứng chịu một trong những chiến dịch ném bom dữ dội nhất trong lịch sử quân sự. Số lượng các cuộc tấn công, đánh bom và bắn pháo binh là rất lớn xét về tốc độ và sự tập trung. Theo ước tính của chúng tôi, trong suốt cuộc chiến kéo dài 5 tháng này, mỗi ngày có khoảng 500 quả đạn pháo được bắn đi".
Bà Héry lưu ý rằng vùng đất của người Palestine là một trong những khu vực đông dân nhất trên thế giới và là một trong những nơi dễ bị tổn thương nhất do mức độ tàn phá do các cuộc bắn phá gây ra, vốn đã hủy hoại cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng.
Bà nói thêm: “Đó là vùng lãnh thổ mà 2,2 triệu cư dân không thể ti tản và trong đó họ thấy mình bị mắc kẹt, phải hứng chịu các cuộc bắn phá cực kỳ dữ dội cả ngày lẫn đêm”. Humanity&Inclusion cho biết dân thường chiếm 90% số nạn nhân của vũ khí nổ khi chúng được sử dụng ở các khu vực đông dân cư. Hơn nữa, rất khó để biết toàn bộ mức độ ô nhiễm đạn pháo chưa nổ do tàn tích chiến tranh ở Gaza gây ra vì xung đột vẫn đang tiếp diễn.
"Ước tính có khoảng 45.000 quả đạn pháo đã rơi ở Dải Gaza trong ba tháng đầu xung đột. Tuy nhiên, dựa trên tỷ lệ không nổ từ 9% đến 14%, có thể vài nghìn quả đạn pháo đã không phát nổ, nằm rải rác trong đống đổ nát trên khắp Dải Gaza", bà Héry nêu rõ.
Theo Humanity&Inclusion, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh (ERW) có thể cướp đi nhiều sinh mạng hơn ở Gaza và gây ra những thương tích phức trầm trọng và tàn tật - dù là tạm thời hay vĩnh viễn - vốn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức, điều này thường không thể thực hiện được trong thời gian chiến tranh.
Hậu quả lâu dài
Đây là một tai họa toàn cầu vì nhiều quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng bởi ERW, theo Humanity&Inclusion. Syria, Afghanistan, Libya, Ukraine, Iraq và Yemen là những quốc gia bị ô nhiễm ERW nặng nhất, vì những vùng lãnh thổ rộng lớn của họ đã bị ném bom và pháo kích trong thời gian dài.
Giám đốc của Humanity&Inclusion giải thích rằng tình trạng ô nhiễm này có thể sẽ có tác động nặng nề với Gaza: Do môi trường đô thị của Gaza - nơi các tòa nhà bị sập, đổ nát hoặc hư hỏng - tàn dư của vật liệu nổ không chỉ là mối nguy hiểm thường trực mà còn có tác động lâu dài đến cuộc sống hàng ngày của người dân Gaza và sự phát triển kinh tế xã hội của họ.
“Khi nói đến việc dọn dẹp những đống đổ nát lẫn với những vật liệu nổ còn sót lại có thể gây tử vong, điều mà các chuyên gia rà phá bom mìn của chúng tôi đã mô tả tại một số thị trấn ở Syria bị ảnh hưởng bởi xung đột, hoặc khi nói đến việc xây dựng lại, điều đó là cực kỳ nguy hiểm. Về lâu dài, những tàn dư đó có tác động cực lớn vì chúng cản trở việc tái thiết, cung cấp viện trợ nhân đạo và nối lại đời sống kinh tế do cản trở các tuyến đường tiếp cận, hạn chế di chuyển và khiến đất nông nghiệp cũng như cơ sở hạ tầng công cộng hoặc nhà nước không thể sử dụng được", bà Héry kết luận.