Cuộc khủng hoảng đạn dược sắp xảy ra ở Mỹ?

Mỹ đang phải đối mặt với một loạt thách thức liên quan đến việc bảo đảm đạn dược để sẵn sàng cho một cuộc xung đột cường độ cao và kéo dài sau khi tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine.

Chú thích ảnh
Xung đột ở Ukraine đang khiến kho dự trữ đạn dược của Mỹ suy giảm mạnh. Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo của cả hai đảng chính trị ở Mỹ đều thống nhất rằng nước này đang rơi vào một cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Chiến lược quốc phòng của chính quyền TỔng thống Biden, công bố năm 2022, tuyên bố rằng Trung Quốc là “thách thức toàn diện và nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia của Mỹ".

Nghị sĩ Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Trung Quốc, đã mô tả sự cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh là “một cuộc đấu tranh sinh tồn trong thế kỷ 21". Cảnh báo này cho thấy cuộc cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng với Trung Quốc có nguy cơ sẽ biến thành một cuộc xung đột khu vực kéo dài.

Đó là nhận định của Tiến sĩ Seth G. Jones, Phó Chủ tịch cấp cao, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế và giám đốc Dự án Các mối đe dọa xuyên quốc gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), từng là trợ lý cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các hoạt động và từng là sĩ quan kế hoạch và cố vấn cho Tư lệnh Lực lượng Tác chiến Đặc biệt Mỹ tại Afghanistan, trên trang Foreign Affairs mới đây. 

Tiến sĩ Jones cho rằng xung đột luôn đáng sợ, nhưng nó còn đáng sợ hơn khi Mỹ không chuẩn bị đầy đủ. Và quả thực, cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ sẽ không đáp ứng được nhu cầu nếu Washington và Bắc Kinh xảy ra xung đột. Vào năm 2022, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đã tiến hành một nghiên cứu cho thấy Mỹ sẽ sử dụng hết nguồn cung vũ khí và đạn dược chỉ trong vài tuần đầu tiên của cuộc chiến tranh lớn.

Một số loại vũ khí quan trọng nhất định - chẳng hạn như tên lửa dẫn đường chính xác, tầm xa - có thể sẽ hết trong vòng chưa đầy một tuần. Để tránh những thiếu sót này, Mỹ cần phải tăng quy mô sản xuất vũ khí, nhưng làm điều đó một cách nhanh chóng sẽ vô cùng khó khăn.

Điều đáng lo ngại không kém là những lỗ hổng này làm suy yếu khả năng răn đe - điểm mấu chốt trong chiến lược phòng thủ của Mỹ - bởi vì chúng bộc lộ cho thế giới thấy rằng Mỹ không thể chịu đựng một cuộc chiến kéo dài. Trung Quốc đã không phạm sai lầm tương tự.

Theo ước tính của chính phủ Mỹ, Bắc Kinh đang mua các hệ thống vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại nhanh gấp 5 đến 6 lần so với Mỹ. Trong một tình huống giả định rằng xung đột ở eo biển Đài Loan nổ ra, Trung Quốc sẽ hoạt động ở ngay sân sau của mình, với khả năng dễ dàng tiếp cận cơ sở công nghiệp của họ, trong khi Mỹ sẽ phải tham chiến đấu cách bờ biển California hàng chục nghìn km.

Trong bối cảnh quốc tế đầy cạnh tranh hiện nay, Mỹ cần có một chiến lược quốc gia giúp khôi phục cơ sở công nghiệp quốc phòng đang bị tụt hậu của mình, giống như chính quyền Roosevelt đã mở rộng năng lực quân sự trong những năm 1930 và đầu những năm 1940. May mắn thay, Mỹ có một nền tảng vững chắc để xây dựng, với cơ sở công nghiệp có năng lực cao và truyền thống đổi mới công nghệ phong phú.

Nhưng cuộc xung đột ở UKraine cũng cho thấy cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang có vấn đề. Sau chiến dịch quân sự của Nga, Mỹ đã cung cấp cho quân đội Ukraine nhiều loại vũ khí, từ hệ thống chống tăng Javelin đến hệ thống pháo phản lực phóng loạt tự hành (HIMARS) và hệ thống phòng không Stinger.

Sự hỗ trợ này rất quan trọng trong việc giúp quân đội Ukraine đối đầu với các lực lượng Nga, điều này cũng khiến Mỹ phải trả giá. Tỷ lệ sử dụng đạn dược cao ở Ukraine đã gây căng thẳng cho cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ.

Một năm sau cuộc xung đột ở Ukraine, viện trợ quân sự của Mỹ đạt con số đáng kinh ngạc là 32 tỷ USD. Nhiều hệ thống vũ khí và đạn dược được viện trợ trực tiếp từ kho dự trữ của Mỹ, làm cạn kiệt nguồn dự trữ của nước này.

Ví dụ, Mỹ đã cung cấp cho Ukraine hơn 8.500 hệ thống chống tăng Javelin, 1.600 hệ thống phòng không Stinger và 38 HIMARS trong khoảng thời gian từ tháng 2/2022 - 3/2023. Sự hỗ trợ này đã giúp ngăn chặn thành công một số cuộc tấn công của các lực lượng Nga. Nhưng đây là những hệ thống mà quân đội Mỹ có thể đã sử dụng để huấn luyện binh sĩ hoặc dự trữ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho một cuộc chiến trong tương lai.

Để so sánh, số lượng hệ thống chống tăng Javelin được chuyển giao cho Ukraine trong 6 tháng đầu tiên của cuộc xung đột với Nga bằng với số lượng mà Mỹ thường sản xuất trong 7 năm. Khối lượng lớn này cũng sẽ gây áp lực với dây chuyền sản xuất Javelin, vốn cần một khoản tài trợ lớn từ Bộ Quốc phòng để bổ sung. Ngay cả khi tốc độ sản xuất được tăng tốc, có thể sẽ mất vài năm để bổ sung nguồn dự trữ của Javelin, Stinger và các loại vũ khí, trang thiết bị khác.

Chú thích ảnh
HIMARS của Mỹ khai hỏa. Ảnh: asc.army.mil

Ngoài ra, tốc độ xuất khẩu của một số hệ thống vũ khí - chẳng hạn như Javelin, Stinger, HIMARS, Hệ thống tên lửa phóng đa nòng có định hướng (GMLRS) và tên lửa chống tàu Harpoon - có thể đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ không có đủ đạn dược trong kho để sẵn sàng cho một cuộc đối đầu với các đối thủ lớn tiềm tàng như Trung Quốc và Nga.

Nói rộng hơn, cuộc xung đột ở Ukraine đã chứng minh rằng các cuộc chiến giữa các cường quốc - đặc biệt là các cuộc chiến tiêu hao - là các cuộc xung đột giữa các nền công nghiệp. Nỗ lực triển khai, trang bị, cung cấp và tiếp tế cho các lực lượng là một nhiệm vụ to lớn và việc tiêu thụ một lượng lớn thiết bị, hệ thống, phương tiện và đạn dược đòi hỏi phải có một cơ sở công nghiệp quy mô lớn để tiếp tế.

Trong một thời gian ngắn, quân đội Nga đã phóng 50.000 quả đạn pháo vào các vị trí của các lực lượng Ukraine. Kiev cũng đang tiêu thụ đạn dược với tốc độ lớn, bắn số đạn 155 mm trong 5 ngày bằng số lượng đạn mà Mỹ sản xuất trong một tháng. Trong khi đó, máy bay chiến đấu, xe tăng chiến đấu chủ lực, pháo và máy bay không người lái cũng bị phá hủy hoặc hỏng hóc và liên tục cần được thay thế hoặc sửa chữa.

Vì vậy, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn nếu xung đột nổ ra ở châu Á. Nhưng lại không có giải pháp ngay lập tức nào để tăng cường năng lực sản xuất tên lửa nhằm đáp ứng những nhu cầu này. Bước cần thiết đầu tiên là khuyến khích các công ty quốc phòng Mỹ mở rộng sản xuất, tuy nhiên các công ty này thường không sẵn sàng đẩy mạnh sản xuất vũ khí và không chấp nhận rủi ro tài chính vì không có hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng nhiều năm.

Với số vốn đầu tư lớn và nhân sự cần thiết, việc sản xuất thêm đạn dược hoặc vũ khí không phải là một quyết định kinh doanh đúng đắn nếu không có tín hiệu nhu cầu rõ ràng và các cam kết tài chính rõ ràng từ chính phủ Mỹ. 

Ngoài ra, những hạn chế về lực lượng lao động và chuỗi cung ứng cũng ngăn cản các công ty tăng cường sản xuất các hệ thống vũ khí và đạn dược cần thiết trong một cuộc chiến tranh lớn. Các công ty cần thuê, đào tạo và giữ chân công nhân. Hơn nữa, chuỗi cung ứng cho lĩnh vực quốc phòng của Mỹ không an toàn như mong muốn.

Trong một số trường hợp, chỉ một công ty duy nhất chế tạo được một số thành phần quan trọng. Ví dụ, Javelin hoạt động dựa trên một động cơ tên lửa hiện được sản xuất độc quyền bởi công ty Aerojet Rocketdyne. Chỉ có một công ty, Williams International, chế tạo động cơ phản lực cánh quạt cho hầu hết các tên lửa hành trình.

Ngoài ra còn có những lỗ hổng đáng kể với một số kim loại đất hiếm, mà Trung Quốc gần như độc quyền, rất quan trọng để sản xuất các loại tên lửa và đạn dược khác nhau. Cuối cùng, thời gian giao hàng là một hạn chế đáng kể. Có thể mất khoảng hai năm để sản xuất nhiều loại tên lửa khác nhau.

Tóm lại, Tiến sĩ Jones kết luận, sau 2 thập kỷ hoạt động chống lại al Qaeda và khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng, Mỹ đã chuyển cơ bản chiến lược quốc phòng của mình từ chống khủng bố sang cạnh tranh với Trung Quốc và Nga. Nhưng lời nói là không đủ trong bối cảnh các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ đang bị tụt hậu nghiêm trọng. Nếu không có những thay đổi khẩn cấp, Mỹ có thể sẽ không đủ năng lực để tham gia một cuộc chiến tranh kéo dài hoặc đối đầu với các cường quốc như Nga hoặc Trung Quốc.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo foreignaffairs.com)
Chuyên gia: Vũ khí phương Tây cung cấp 'không đảm bảo' chiến thắng quyết định cho Ukraine
Chuyên gia: Vũ khí phương Tây cung cấp 'không đảm bảo' chiến thắng quyết định cho Ukraine

Ukraine đang chuẩn bị phát động một cuộc phản công mùa xuân để chiếm lại một số vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát và hy vọng sẽ lặp lại thành công của các cuộc phản công vào tháng 9 năm ngoái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN