Cuộc chiến Syria - 'Cơn ác mộng' đang đến với Saudi Arabia

Mạng tin "Israel" ngày 8/6 nhận xét rằng với việc cung cấp viện trợ tài chính dồi dào và vũ khí cho các chiến binh chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Saudi Arabia (Arập Xêút) đã đứng cùng hàng ngũ với các lực lượng muốn thay đổi chế độ ở Syria. Vai trò của Saudi Arabia trong cuộc xung đột Syria được thúc đẩy với nhiều mục tiêu, từ phá hủy liên minh Syria - Iran tới đánh lạc hướng người dân khỏi các vấn đề trong nước.

Việc quân chính phủ Syria chiếm được thành phố chiến lược Qusayr cho thấy "giấc mộng" ông Assad sớm từ bỏ quyền lực vẫn còn rất xa vời. Ảnh AFP/TTXVN


Trong thời kỳ cha của ông Bashar al-Assad là Hafez al-Assad cầm quyền (1970 - 2000), trụ cột trong chính sách đối ngoại của Syria là cân bằng liên minh Syria - Iran và liên minh Syria - Saudi Arabia nhằm chống lại sức mạnh của Israel cũng như tăng ảnh hưởng của Syria trong khu vực. Cuộc xâm lược của Mỹ tại Iraq, cuộc chiến tranh Lebanon năm 2006 và đường ống dẫn dầu được đề xuất nối liền Iran - Iraq - Syria đã làm sâu sắc thêm mối quan hệ Syria - Iran, trong khi làm suy yếu mối quan hệ Syria - Saudi Arabia. Khi Tổng thống Assad gọi Quốc vương Saudi Arabia Abdullah là "người nửa vời" vì Riyad không có hành động trong cuộc chiến tranh Lebanon năm 2006, căng thẳng giữa hai nguyên thủ quốc gia đã biến thành sự thù ghét cá nhân.

Do chính quyền Syria là đồng minh Arập thân cận nhất của Iran, người Saudi Arabia xem sự thay đổi ở Syria là cơ hội để giáng một đòn mạnh vào Iran, các đồng minh Shi'ite của nước này ở Iraq và Lebanon, cũng như các phần tử Shi'ite tại Saudi Arabia phản đối sự cai trị của Quốc vương Abdullah. Do tín đồ đạo Hồi Sunni chiếm tới 74% dân số Syria, Chính phủ Saudi Arabia muốn sử dụng quyền lực tôn giáo và các nguồn lực kinh tế để giành ảnh hưởng đối với chính quyền thời hậu ông Assad. Các giáo sỹ Saudi Arabia đã dựa vào những chia rẽ phe phái bùng phát tại Trung Đông để vận động thanh niên nước này tới Syria mở cuộc thánh chiến chống trật tự chính trị Shi'ite/Alawite.

Tuy nhiên, nhiều người Syria (cả ủng hộ lẫn chống đối ông Assadd) có quan điểm đạo Hồi ôn hòa đã phản đối chủ trương này của Saudi Arabia, dẫn đến sự suy yếu quyền lực mềm của Riyadh ở Syria. Do đó, dù đổ nhiều tiền của và vũ khí cho các chiến binh thánh chiến, Quốc vương Abdullah vẫn lo sợ bị phản đòn từ "cuộc chiến thần thánh" chống chính quyền Assad. Saudi Arabia từng cung cấp tài chính và vũ trang cho các chiến binh thánh chiến chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô trước đây tại Afghanistan. Nhưng ngay sau cuộc chiến, nhiều chiến binh thánh chiến đã quay súng chĩa về phía Chính phủ Saudi Arabia.

Để giảm bớt viễn cảnh những phần tử Hồi giáo cực đoan giành quyền lực ở Syria, Saudi Arabia đã tìm cách điều chỉnh nguồn cung cấp vũ khí từ nước này vào Syria. Trong khi những diễn biến gần đây cho thấy phe nổi dậy được Riyadh hậu thuẫn vượt trội phe ủy nhiệm của Ankara (Thổ Nhĩ Kì) và Doha (Qatar), bản chất tạp nham của phe đối lập Syria chỉ ra rằng tình hình này có thể không kéo dài. Chính phủ Saudi Arabia được cho là không có ý định can thiệp quân sự vào Syria, trong khi Riyad không đảm bảo được rằng nguồn tiền tài trợ của họ đến được đúng đối tượng. Nếu các tổ chức cực đoan lật đổ được chính quyền Assad, nhiều khả năng các chiến binh Salafi sẽ đưa cuộc chiến của họ tới Jordan - đồng minh thân cận của Saudi Arabia và nhân tố cốt yếu của trục Mỹ - Israel - Saudi Arabia.

Thắng lợi mang tính quyết định của ông Assad tại thành phố Qusayr - hành lang sống còn dẫn tới Lebanon và có giá trị chiến lược lớn - đã nêu bật sức mạnh của quân đội Chính phủ Syria cũng như tầm ảnh hưởng của Hezbollah bên trong Syria. Diễn biến này sẽ tiết chế những mong đợi về khả năng ông Assad sẽ sớm từ bỏ quyền lực.

Mặc dù Saudi Arabia mừng vì Syria - đồng minh hàng đầu của Iran - phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu, song Riyadh vẫn đủ khôn ngoan để nhận thấy rằng tổn thất của Iran không mang lại lợi ích dài hạn của Saudi Arabia ở Trung Đông. Giấc mơ của Saudi Arabia sẽ là cuộc xung đột Syria tiến triển thành một thực tế như thời hậu Tổng thống Saleh ở Yemen, với một giới lãnh đạo mới thân Riyadh xuất hiện. Ngược lại, cơn ác mộng của Riyadh và nhiều nước khác trong khu vực là Syria biến thành một Afghanistan như Taliban. Tuy nhiên, tình hình hiện nay cho thấy cơn ác mộng dường như đang đến với Saudi Arabia.


TTXVN/Tin tức

Phe đối lập Syria không đến Geneva khi chưa có thêm vũ khí
Phe đối lập Syria không đến Geneva khi chưa có thêm vũ khí

“Chúng tôi có thể đề xuất được gì khi lâm vào thế quá yếu tại Geneva. Người Nga, người Iran và các đại diện của chính phủ sẽ nói: ‘Các anh chẳng có tí quyền lực nào. Chúng tôi đang kiểm soát tất cả. Các anh đến để xin gì chứ?”.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN