Chính trị hóa khẩu trang
Theo kênh CNN (Mỹ), mặc dù chính quyền Mỹ khuyến cáo người dân che mặt để phòng COVID-19 nhưng bản thân Tổng thống Donald Trump lại không làm theo khuyến cáo. Ông Trump và Nhà Trắng mỉa mai khi cựu Phó tổng thống Joe Biden, người có thể trở thành đối thủ của ông Trump trong bầu cử tổng thống sắp tới, đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Trong bài phỏng vấn trực tiếp đầu tiên kể từ khi Mỹ áp đặt lệnh yêu cầu người dân ở nhà, ông Biden phản đối hành vi “nam tính giả tạo” và “trượng phu” của Tổng thống Trump. Ông nói: “Ông ấy là kẻ ngốc, hoàn toàn ngốc khi nói kiểu đó. Ý tôi là mọi bác sĩ hàng đầu trên thế giới đều nói ta cần đeo khẩu trang khi ở trong đám đông”.
Cựu Phó Tổng thống Biden đã thể hiện quan điểm khi đăng ảnh mình đeo chiếc khẩu trang đen làm ảnh đại diện tài khoản Twitter.
Những bình luận qua lại giữa Tổng thống Trump và ông Biden sẽ càng làm sâu thêm bất hòa quốc gia về vấn đề này. Cơn bão chính trị quanh chiếc khẩu trang bé nhỏ cho thấy chính trường Mỹ có thể chính trị hóa mọi thứ, cho dù Mỹ đang trải qua đại dịch COVID-19 tồi tệ với số người chết vượt mốc 100.000.
Chính trị hóa các vấn đề trong thời điểm khủng hoảng là kịch bản tồi tệ nhất cản trở hiệu quả các nỗ lực y tế trong phòng chống dịch bệnh ở Mỹ. Cuộc chiến khẩu trang diễn ra trong khi nhiều bang chưa đáp ứng được điều kiện nới lỏng để mở cửa trở lại an toàn theo hướng dẫn của Nhà Trắng. Điều đó khiến chuyên gia y tế lo ngại virus lại hoành hành trở lại. Trong trường hợp đó, khẩu trang có thể là phòng tuyến cuối cùng chống lây nhiễm virus ở nơi làm việc.
Việc Tổng thống Trump có đeo khẩu trang hay không sẽ được dõi theo sát sao khi ông bay tới Florida để cùng gia đình chứng kiến các phi hành gia Mỹ bay vào vũ trụ từ lãnh thổ Mỹ sau 9 năm. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ đã đề nghị người dân không xuất hiện vì sợ đám đông có thể lây lan virus.
Dù khẩu trang bị chính trị hóa nhưng nó không phải là vấn đề đảng phái. Nhiều thống đốc bang thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ mạnh Tổng thống Trump trong nhiều lĩnh vực đang khuyến cáo người dân đeo khẩu trang để tránh gia tăng số ca lây nhiễm khi các bang dần mở cửa trở lại.
Cuộc tranh cãi quanh chiếc khẩu trang bắt đầu nóng từ tháng trước, khi Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thăm một bệnh viện ở Minnesota và từ chối đeo khẩu trang. Theo một số nhận định, ông Pence không đeo khẩu trang để nhất quán với Tổng thống Trump.
Chiếc khẩu trang đã trở thành điểm bất đồng hiếm hoi giữa một số người Cộng hòa và Tổng thống dù họ nhấn mạnh không ra lệnh cho người dân đeo khẩu trang. Thống đốc bang Bắc Dakota, ông Doug Burgum (thuộc đảng Cộng hòa) đã khẩn thiết kêu gọi người dân quan tâm sức khỏe người khác: “Nếu ai đó đeo khẩu trang, họ không làm thế để thể hiện họ ủng hộ đảng phái chính trị nào hay ứng cử viên nào. Họ có thể đeo khẩu trang vì họ có đứa con 5 tuổi phải điều trị ung thư. Họ có thể có người thân dễ bị tổn thương”.
Thống đốc bang new Hampshire Christopher Sununu cũng thuộc đảng Cộng hòa phát biểu ngày 26/5: “Đây không phải chuyện ai đeo khẩu trang và tại sao, mà đây là chuyện khẩu trang giúp người ta khỏe mạnh hơn. Chúng tôi hoàn toàn khuyến khích người dân đeo khẩu trang”.
Khẩu trang – Dấu hiệu yếu đuối?
Chuyên gia Mỹ ban đầu hoài nghi tác dụng khẩu trang trong phòng chống COVID-19, nhưng về sau họ kết luận khẩu trang có thể hữu ích trong ngăn chặn virus lây lan từ người không có triệu chứng. Tuy nhiên, với một số người, khẩu trang đã trở thành vũ khí mới nhất để sử dụng cho mục đích chính trị.
Hình ảnh Tổng thống Trump để mặt trần đứng giữa các nhà khoa học đeo khẩu trang ở Washington đã trở thành biểu tượng “hiên ngang”.
Trong khi hàng triệu người Mỹ thuộc mọi đảng phái chính trị đã đeo khẩu trang đề phòng dịch thì có một số người nhất quyết không đeo. Một người đi biển cuối tuần vừa rồi đã nói sẽ không đeo khẩu trang nếu Tổng thống Trump không đeo.
Khảo sát của Đại học Quinnipiac tuần trước cho thấy 64% người Mỹ được hỏi cho biết cần yêu cầu đeo khẩu trang nơi công cộng. Trong khi 90% người Dân chủ cho rằng ông Trump nên đeo khẩu trang thì chỉ có 38% người Cộng hòa đồng ý với điều này.
Tổng thống Trump rõ ràng cho rằng đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ làm giảm ý nghĩa thông điệp của ông, rằng giờ đã an toàn để mở cửa lại nền kinh tế. Trong lần thăm một nhà máy ô tô ở Michiagan tuần trước, ông Trump chỉ đeo khẩu trang chớp nhoáng và không muốn báo chí chụp ảnh ông đeo khẩu trang.
Cựu quyền Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ Richard Besser ngày 26/5 nói trên chương trình “AC360” của CNN rằng không nên coi hành động bảo vệ sức khỏe người dân là vấn đề chính trị. Ông Besser cho biết ông được khích lệ khi thấy các thống đốc thuộc cả hai đảng có hướng dẫn người dân đeo khẩu trang để phòng dịch bệnh.
Ông nói: “Đeo khẩu trang để bảo vệ người khác. Đó là điều tốt cần làm… Đó là điều chúng ta làm để bảo vệ người già và những người có bệnh. Bạn cần cảm thấy tốt đẹp vì bạn làm vậy vì người khác trong cộng đồng”.