Cuộc chiến Nga - Grudia: 5 năm nhìn lại

Cách đây 5 năm, xe tăng Nga đã vượt qua Hầm Roki từ Cộng hòa Bắc Ossetia thuộc Nga tiến vào Nam Ossetia thuộc Grudia. Cuộc chiến tổng lực kéo dài 5 ngày đã phá hủy phần lớn quân đội Grudia, cắt đứt các đường hậu cần và cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này.

 

Xe tăng của quân đội Nga tại Nam Ossetia ngày 23/8/2008. Ảnh: Internet

 Từ đó, Mátxcơva đã thiết lập sự hiện diện quân sự tại các vùng lãnh thổ li khai Nam Ossetia và Abkhazia, công nhận các vùng lãnh thổ này là các nhà nước độc lập. Theo mạng tin tình báo “Stratfor”, cuộc chiến đã để lại nhiều ý nghĩa, trong đó có việc Nga muốn khẳng định với phương Tây rằng nước này vẫn là một cường quốc khu vực kể từ sau sự sụp đổ của Liên Xô, và sự ủng hộ của phương Tây đối với Grudia chỉ là "trống rỗng".


Nguồn gốc của cuộc xung đột ở Grudia không chỉ nằm ở vấn đề Nam Ossetia mà bắt nguồn từ châu Âu. Việc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng sang khu vực Trung và Đông Âu - bắt đầu từ cuối những năm 1990 và kéo dài tới những năm 2000 - đã mang lại cho phương Tây một ảnh hưởng đối với không gian hậu Xôviết, đồng thời làm xói mòn ảnh hưởng của Mátxcơva. Chính việc phương Tây công nhận Kosovo độc lập, tách khỏi Serbia - đồng minh truyền thống của Nga - hồi đầu năm 2008 là một trong nguyên nhân thúc đẩy cuộc chiến. Chỉ vài tháng sau khi công nhận Kosovo, tại cuộc họp thượng đỉnh của NATO ở Bucharest, khối liên minh quân sự này đã đưa ra lời hứa với Grudia và Ukraine rằng hai nước này sẽ sớm trở thành thành viên NATO.


Bên cạnh đó, cuộc chiến xảy ra vào thời điểm mà dư luận phương Tây vẫn xem Nga như một nhà nước yếu kém và bất ổn của những năm 1990 dưới thời cựu Tổng thống Boris Yeltsin. Nhưng thực tế, đến năm 2008, ông Putin đã củng cố và kiểm soát được quyền lực và bộ máy nhà nước, nền kinh tế Nga cũng "cất cánh" nhờ giá dầu cao. Dưới con mắt của ông Putin, phương Tây đã có quá nhiều hành động làm suy yếu lợi ích quốc gia Nga và đây là thời điểm cần hành động.


Grudia là cơ hội hoàn hảo cho phản ứng của Nga. Dưới sự lãnh đạo của ông Mikhail Saakashvili, Grudia đã gần như hoàn toàn ngả về phương Tây. Nước này tìm cách gia nhập EU và NATO nhưng vẫn chưa được chấp thuận, vì thế chưa có được sự bảo đảm từ hiệp ước phòng thủ tập thể của NATO. Bên cạnh đó, vì là nước quá nhỏ, nhưng có vị trí chiến lược quan trọng đối với vùng Bắc Caucasus của Nga, quá xa với lục địa châu Âu, nên Grudia là mặt trận tuyệt vời để Nga phô diễn sức mạnh quân sự. Một cuộc chiến với Grudia đã mang đến cho Nga 3 cơ hội: phá hủy khả năng quân sự của Grudia; thể hiện rằng lực lượng quân sự Nga vẫn rất hữu hiệu và quan trọng hơn là làm cho phương Tây yếu hơn trong cam kết với các đối tác thuộc vùng ảnh hưởng của Nga. Tháng 8/2008, Nga đã hoàn thành tất cả các mục tiêu này.


Ý nghĩa của cuộc chiến kéo dài 5 ngày đã rất rõ ràng, ngay cả sau 5 năm. Nga sẽ không thể trở lại vị trí siêu cường cạnh tranh trực tiếp với Mỹ như thời Liên Xô trước đây, nhưng các đối thủ của Nga không thể phủ nhận vai trò cường quốc quân sự khu vực của nước này, nhất là trong bối cảnh EU đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị sâu sắc. Và như vậy, cuộc chiến Nga - Grudia không chỉ là sự kiện đơn thuần, nó đã trở thành nguồn định hướng cho các quốc gia khu vực trong chính sách đối ngoại của mình với cả Nga và phương Tây.


Quang Tuyến (P/v TTXVN tại Mỹ)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN