Cục diện chính trị Nam Á sau cái chết của Bin Laden

Mạng “Bình luận Trung Quốc” (Hồng Công) ngày 14/5 đăng bài của nhà nghiên cứu Dư Vĩnh Thắng cho rằng do trùm khủng bố Bin Laden bị bắn chết ở Nam Á, đại bản doanh lâu nay của tổ chức khủng bố quốc tế Al-Qaeda, nên cái chết của Bin Laden đã nhanh chóng tác động tới tình hình Nam Á. Sau khi Bin Laden bị bắn chết, Mỹ và Pakixtan đã nổ ra khẩu chiến, quan hệ giữa Oasinhtơn và Ixlamabát bị “dội gáo nước lạnh”. Trong khi đó, quan hệ giữa Pakixtan với Trung Quốc và Nga lại trở nên nồng ấm hơn.

Không khó để nhận ra là sau khi tiêu diệt Bin Laden, Mỹ đã bắt tay vào xử lý vấn đề “tại sao Bin Laden có thể ung dung ngoài vòng pháp luật nhiều năm như vậy”. Việc xử lý vấn đề này sẽ khiến quan hệ Mỹ-Pakixtan có sự thay đổi và trở thành quân bài đôminô làm đảo lộn cục diện địa chính trị của khu vực Nam Á.

Song hành với sự “nguội lạnh” trong quan hệ Mỹ - Pakixtan là sự “ấm lên” trong quan hệ giữa Pakixtan và hai nước lớn khác trên thế giới là Trung Quốc và Nga. Ngày 11/5, Tổng thống Pakixtan Asif Ali Zardari đã có mặt tại Mátxcơva trong chuyến thăm chính thức Nga kéo dài 4 ngày. Nhận lời mời của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Pakixtan Yousaf Raza Gillani cũng sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 17-20/5. Tuy trong buổi họp báo ngày 10/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nhấn mạnh rằng chuyến thăm của Thủ tướng Gillani là theo kế hoạch đã định từ lâu giữa hai nước, nhưng nếu xem xét hiện trạng và viễn cảnh không sáng sủa của mối quan hệ Mỹ - Pakixtan có thể thấy việc Ixlamabát xích lại gần hơn với Bắc Kinh và Mátxcơva là hoàn toàn hợp lôgíc.

Điều này càng được củng cố qua phát biểu của các quan chức Trung Quốc và Pakixtan. Tối 9/5, Tổng thống Pakixtan Zardari đã thân hành tới Đại sứ quán Trung Quốc tại nước này, chúc mừng 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Trong bài phát biểu của mình, ông Zardari nói rằng quan hệ Pakixtan - Trung Quốc đã đi sâu vào trái tim con người, là “độc nhất vô nhị” trong quan hệ giữa các nước trên thế giới hiện nay. Về phía Trung Quốc, trong buổi họp báo ngày 10/5, bà Khương Du cũng cho biết phía Trung Quốc mong muốn đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới. Các động thái trên cho thấy viễn cảnh phát triển quan hệ giữa Trung Quốc và Pakixtan là rất rộng.

Cái chết của Bin Laden cũng ảnh hưởng rõ ràng tới một nước lớn khác ở Nam Á là Ấn Độ. Có thể nói, cái chết của Bin Laden đã mang tới cho Ấn Độ cơ hội ngoại giao. Nhiều năm nay, Ấn Độ và Pakixtan - hai nước thù địch nhau ở khu vực Nam Á - luôn tìm mọi cách để được Mỹ coi trọng. Sau khi quan hệ Mỹ - Pakixtan bị “dội gáo nước lạnh”, Ấn Độ có thể là “ngư ông đắc lợi”, thắt chặt hơn quan hệ với Mỹ. Sự thực cũng đang phát triển theo hướng này. Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có cuộc đàm thoại. Người phát ngôn của Thủ tướng Singh cho biết: “Đây là một cuộc nói chuyện niềm nở, nội dung đề cập rất rộng”. Trong khi đó, Nhà Trắng đã liệt kê ra hàng loạt lĩnh vực mà lãnh đạo hai nước cam kết tăng cường hợp tác, gồm quốc phòng, đối thoại chiến lược, hợp tác vũ trụ…

Trên thực tế, sau cái chết của Bin Laden, quan hệ giữa Mỹ với hai nước lớn ở Nam Á là Ấn Độ và Pakixtan đã xuất hiện xu thế Mỹ xích lại gần Ấn Độ và xa dần Pakixtan. Nguyên nhân sâu xa là giá trị của Pakixtan đối với Mỹ chủ yếu nằm ở phương diện chống khủng bố, còn Ấn Độ lại được Mỹ nhận định là đối tác tốt nhất để kiềm chế Trung Quốc. Chống khủng bố đương nhiên là nhiệm vụ lâu dài, nhưng nói một cách nghiêm túc cũng có tính giai đoạn rất rõ. Cùng với cái chết của Bin Laden, mối đe dọa khủng bố mà Mỹ phải đối mặt có thể sẽ giảm rõ rệt. Giá trị chống khủng bố của Pakixtan vì thế cũng sẽ bị giảm mạnh.

Đồng thời, đối với Mỹ, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang đến những thách thức lâu dài, cho nên giá trị của Ấn Độ sẽ cao hơn Pakixtan. Sự nồng ấm trong quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ chắc chắn sẽ được củng cố thêm nhờ sự "nguội lạnh" trong quan hệ Mỹ - Pakixtan.

Nói tóm lại, cục diện chính trị ở khu vực Nam Á thời “hậu Bin Laden” sẽ bị sắp xếp lại. Biểu hiện cụ thể là hố ngăn cách trong quan hệ Mỹ - Pakixtan sẽ rộng ra, sự tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ được tăng cường, quan hệ cũng được xích lại. Tuy nhiên, cùng với tiến trình này, mối quan hệ toàn diện giữa Trung Quốc và Pakixtan sẽ được tăng cường hơn nữa và có thể cục diện cạnh tranh bề ngoài, giao đấu bên trong giữa Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không trầm trọng hơn.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN